TPHCM: 116 đơn vị xin dừng bảo hiểm xã hội

22/05/2020 - 12:44

PNO - Đó là một trong nhiều vấn đề đáng chú ý về thực hiện chính sách bảo hiểm trên địa bàn quận 1 trong bối cảnh COVID-19.

Sáng 22/5, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM đã có buổi giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn quận 1.

Theo báo cáo, UBND quận 1 đã triển khai công tác kiểm tra tình hình thu, chi BHXH, BHYT, BHTN tại 49 đơn vị. Quận đã lên kế hoạch kiểm tra 71 đơn vị nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phải tạm dừng. Từ tháng 5, các đoàn bắt đầu phối hợp với đơn vị để tiếp tục công tác này.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó chủ tịch UBND Q.1, báo cáo tại buổi giám sát của HĐND TPHCM về tình tình thực hiện các chính sách bảo hiểm. Ảnh: Quốc Ngọc
Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó chủ tịch UBND quận 1 báo cáo tại buổi giám sát của HĐND TPHCM về tình tình thực hiện các chính sách bảo hiểm - Ảnh: Quốc Ngọc

Quận cũng thực hiện xác minh 16 trường hợp hưởng chế độ thai sản, qua đó thoái thu hơn 297 triệu đồng. Các phòng chức năng đã thực hiện đầy đủ các bước rà soát, gửi thông báo, lập biên bản, để nghị thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đối với những đơn vị chưa tham gia.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, phải giãn cách xã hội, công tác đốc thu, giảm nợ bị ảnh hưởng khiến việc kiểm tra, đối chiếu tại các đơn vị nợ đọng chưa thực hiện được.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quận gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, số lao động giảm mạnh ảnh hưởng đến công tác thu. Đáng chú ý, tính đến ngày 28/4, có tới 116 đơn vị đề nghị tạm dừng đóng BHXH, chỉ có 2 đơn vị hội đủ điều kiện để có thể tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó chủ tịch UBND quận 1 cho biết, bên cạnh các mặt làm được, thì vấn đề nợ bảo hiểm của quận còn cao. Các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bị kéo giảm do thời điểm trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, người lao động có số ngày công làm việc dưới 14 ngày/tháng không thuộc đối tượng này, đồng thời, do ảnh hưởng của COVID-19, một số doanh nghiệp ngành dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng, sản xuất gặp nhiều khó khăn nên cắt giảm lao động.

Việc cấp lại thẻ BHYT trên cổng dịch vụ công quốc gia còn một số hồ sơ trễ hạn. Chưa thu hồi một số sổ BHXH khi người lao động nghỉ việc trên 12 tháng. Còn tình trạng một người có nhiều sổ. Tiến độ in, chuyển phát tờ rời năm 2019 còn chậm.

Tỷ lệ giao dịch điện tử trong việc thanh toán trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe chưa cao, do các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc kê khai hồ sơ điện tử, tốn kém chi phí mua và duy trì chữ ký số để thực hiện giao dịch điện tử, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể.

Tình trạng lạm dụng, lợi dụng bất cập của chính sách để hưởng lợi còn diễn ra dưới nhiều hình thức như người hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng vẫn đi làm đóng BHXH, BHTN; chủ doanh nghiệp giao kết hợp đồng với người lao động thời hạn dưới 3 tháng; khai không đủ số lao động do đơn vị quản lý...

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI