TPHCM phải làm thật nhanh công tác rà soát các ca nhiễm trong cộng đồng

09/02/2021 - 14:52

PNO - Sáng 9/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TPHCM (gọi tắt là Tổ thường trực đặc biệt). Tại cuộc họp, ông Sơn cho rằng, lúc này TPHCM phải làm thật nhanh công tác rà soát các ca nhiễm trong cộng đồng.

Tổ trưởng là Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn; hai Tổ phó Tổ thường trực đặc biệt là ông Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM và ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tổ thường trực đặc biệt có các thành viên là giám đốc các bệnh viện, viện, trường đại học lớn tại TPHCM như Bệnh viện Thống Nhất, trường Đại học Y Dược TPHCM, Viện Y tế công cộng TPHCM, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trong lần kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM vào năm 2020
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trong lần kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM vào năm 2020 - Ảnh: Phạm An

Nhiệm vụ của Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TPHCM là chỉ đạo triển khai các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong giám sát, đáp ứng chống dịch, điều trị; kiểm tra hỗ trợ địa phương tổ chức chống dịch. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn sẽ tham gia các cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TPHCM để phối hợp chống dịch.

Tại cuộc họp đầu tiên của Tổ thường trực đặc biệt, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng TPHCM lúc này phải làm thật nhanh công tác rà soát các ca nhiễm trong cộng đồng, tăng cường truy vết để phát hiện được ca lây nhiễm đầu tiên, đã lây cho ai và đã chặt đứt chuỗi lây nhiễm hay chưa. TPHCM cũng cần xem lại thời gian cho ra kết quả xét nghiệm sau khi lấy mẫu, tránh để mẫu qua một ngày. Như vậy là chậm so với sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tại cuộc họp này, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết đã phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc phụ trách để đảm bảo các công tác truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị; đã kích hoạt hệ thống các cơ sở cách ly, điều trị sẵn sàng cho các kịch bản phòng chống dịch trong thời gian tới.  Hệ thống điều trị COVID-19 trên toàn thành phố có Bệnh viện Cần Giờ sức chứa 300 giường, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM có khả năng tiếp nhận 40 ca bệnh, 4 ca bệnh nặng; Bệnh viện Nhi đồng thành phố với khu điều trị riêng biệt có sức chứa 50 giường; đồng thời có phương án chuẩn bị đối với khu xây dựng mới của Bệnh viện Ung Bướu với các trang thiết bị có sẵn.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI