TPHCM nỗ lực phục hồi kinh tế

20/10/2021 - 10:49

PNO - Ngày 19/10, sau hai ngày làm việc, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã bế mạc kỳ họp thứ ba.

Tại kỳ họp, HĐND TPHCM đã thông qua 11 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội, trong đó bao gồm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, như tăng mức hỗ trợ cho đối tượng bảo trợ xã hội từ 380.000 đồng lên 480.000 đồng, lùi thời hạn thu phí cảng biển để dành gần 1.500 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, chi 427 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho học sinh.

Chú trọng hỗ trợ chỗ ở cho dân

Đánh giá cao nỗ lực của UBND TPHCM cùng các sở, ngành, đơn vị nhưng nhiều đại biểu HĐND TPHCM cho rằng, việc phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua còn bộc lộ không ít hạn chế, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú đặt vấn đề: “Tại sao vẫn có những người dân chưa được hỗ trợ? Tại sao cán bộ xin nghỉ việc do chịu áp lực? Tại sao người dân chọn TPHCM làm nơi kiếm sống như quê hương thứ hai nhưng phải rời bỏ thành phố ra đi? Đó là điều rất đau lòng”. Đồng tình, nhiều đại biểu cho rằng, nhà ở là nguyên nhân khiến lao động thu nhập thấp “khổ chồng khổ” trong đại dịch.

Đại biểu Cao Thanh Bình chỉ ra, trong chương trình giảm nghèo bền vững của TPHCM giai đoạn 2021-2025, có nội dung bố trí ngân sách cho chương trình vay vốn xóa đói giảm nghèo và chương trình giải quyết việc làm nhưng nguồn vốn này vẫn chưa được bố trí để kịp thời triển khai thực hiện: “Việc này ảnh hưởng rất lớn đến kết quả và hiệu quả của chương trình giảm nghèo bền vững và khiến các hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, có việc làm và thu nhập ổn định”.

Bà Nguyễn Thị Lệ (bên phải), Chủ tịch HĐND TP.HCM, trao đổi với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu  (hai người đối diện) trong giờ giải lao kỳ họp - Ảnh: D.X.
Bà Nguyễn Thị Lệ (bên phải), Chủ tịch HĐND TPHCM, trao đổi với Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu (hai người đối diện) trong giờ giải lao kỳ họp - Ảnh: D.X.

Thông tin về các gói hỗ trợ từ ngân sách của TPHCM, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cho hay TPHCM có tổng cộng ba đợt hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 với kinh phí trên 9.000 tỷ đồng. Việc hỗ trợ đợt một đạt tỷ lệ 100%, đợt hai đạt 99,8%, đợt ba đạt 79%. Ông thừa nhận: “Với lượng người cần hỗ trợ lớn, quá trình thực hiện của các đơn vị khó tránh khỏi bỏ sót, chậm trễ”. Ông cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung để hỗ trợ đến hết ngày 22/10, ngay cả với người có tên trong danh sách đã về quê. 

Liên quan đến vấn đề nhà ở, ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - cho hay trong nhiệm kỳ này, toàn thành phố sẽ xây 366.000 căn nhà, trong đó có gần 30.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp. Sở cũng đang rà soát tổng nhu cầu và hiện trạng nhà thuê trọ cho công nhân để có cơ chế hỗ trợ việc cải tạo, chỉnh trang, bổ sung tiêu chí đảm bảo phòng, tránh dịch lây lan.

Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 99.100 hộ cho thuê với hơn 723.000 phòng, gần 1,7 triệu người thuê, trong đó có 886.000 công nhân. Toàn thành phố đã giải tỏa hơn 2.000 căn nhà trên kênh, rạch, hiện còn khoảng 20.000 căn. 

“TPHCM đã có cơ chế, chính sách kêu gọi và hợp tác đầu tư để cải thiện môi trường sống cho dân và cải thiện nhà lụp xụp. Sở cũng đang trình đề án xây dựng nhà ở xã hội, từ đó cho thuê, thuê mua và đẩy nhanh việc xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp” - ông Trần Hoàng Quân khẳng định.

Theo ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp là nỗi băn khoăn lớn của lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền TPHCM. Cuối tuần qua, Bí thư Thành ủy TPHCM đã cùng Thường trực UBND TPHCM nghe báo cáo về chính sách nhà ở này. Ông nói: “Nếu có chính sách tốt, có thể cải thiện hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn nhà trọ trong vài tháng tới để người dân có thể tiếp cận ngay. Còn nếu xây nhà ở năm hoặc mười tầng thì nhanh nhất cũng cả năm mới có. Đối với nhà ở trên kênh rạch, các chung cư cũ có nguy cơ đổ nát, cần làm ngay để giải quyết nhu cầu trước mắt cho người dân”. Ông cho biết, đang nỗ lực để 1-2 tháng nữa, nhiều người dân trở lại TPHCM sẽ có chỗ ở tốt hơn. 

Phục hồi kinh tế đi đôi phòng, chống dịch

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ lưu ý, dịch COVID-19 vẫn phức tạp, đặt ra yêu cầu gắn chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế với y tế. Trong đó, việc củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng là một nhiệm vụ cấp bách. “Thực tiễn phòng, chống dịch vừa qua cho thấy rõ vai trò, trách nhiệm của lực lượng y tế cơ sở. Do đó, cần phải hoàn thiện trang thiết bị, có chế độ đãi ngộ và thu hút nhân lực cho y tế cơ sở” - bà nói.

Các đại biểu xác định, việc sớm triển khai các dự án tồn đọng là một trong những chiến lược quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế của TPHCM. Do đó, kỳ họp đã thông qua một số nghị quyết nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án, như chi 15.900 tỷ đồng cho UBND TPHCM thực hiện dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài giai đoạn 1 (từ năm 2021-2025), bố trí 121.933 tỷ đồng để đầu tư hoặc tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025, bao gồm xây dựng đường sắt đô thị TPHCM tuyến số 1, xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, dự án vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2, dự án cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ giai đoạn 2, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, điều chỉnh giảm vốn hơn 6.444 tỷ đồng đối với các dự án gặp vướng mắc, khó triển khai và tăng vốn 3.794 tỷ đồng đối với các dự án có tiến độ giải ngân tốt…

“TPHCM hiện rất khó khăn về nguồn vốn cân đối cho đầu tư công. Do đó, cần rà soát chặt chẽ tính pháp lý và nhu cầu, sự cần thiết của từng dự án để đầu tư, tránh lãng phí và tạo phản cảm xã hội như một số dự án “treo” khiến dư luận bức xúc” - đại biểu Cao Thanh Bình 
nhắn nhủ.

Đại biểu Nguyễn Tấn Phát cho rằng, trong dịch bệnh, bên cạnh một số nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế, xã hội chín tháng đầu năm cơ bản hoàn thành, nhưng dự báo cả năm 2021, GRDP giảm 5,06% so với cùng kỳ năm trước và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (6%). Việc tăng trưởng âm đến 11% sẽ tác động mạnh mẽ đến suy thoái kinh tế, cần có các giải pháp căn cơ, kịp thời để giảm đà suy thoái và từng bước ổn định nền kinh tế. 

Theo ông Nguyễn Tấn Phát, để làm được điều trên, TPHCM cần có một nhạc trưởng, kiến trúc sư trưởng về kinh tế. Vị “nhạc trưởng” sẽ giữ vai trò điều hòa các chính sách, tránh xung đột nhau, song song với điều phối cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Vị “nhạc trưởng” cũng bao quát các chính sách kích cầu tiêu dùng, các giải pháp kích cầu đầu tư, chi tiêu công, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đến doanh nghiệp về các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư…

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, các nội dung nêu trên cũng là những nhiệm vụ mà UBND TPHCM sẽ tập trung giải quyết, gồm cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để phục hồi và phát triển kinh tế: “Khi tổng kết và hoàn thiện phương án tổng thể cho giai đoạn sắp tới thì đi liền với đó, UBND Thành phố sẽ củng cố về mặt tổ chức theo hướng đổi tên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Hai trụ cột là vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế”. 

Tuyết Dân

Quốc hội sẽ đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 

Ngày 20/10, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc kỳ họp thứ hai nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết ủy ban này đánh giá Chính phủ đã chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tốt. Chính phủ đã ban hành trên 100 văn bản, tạo ra sự chủ động trong phòng, chống dịch bệnh nhưng cũng có văn bản chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành chưa có đánh giá tổng thể các vấn đề liên quan tới hoàn thiện thể chế pháp luật về công tác phòng, chống COVID-19, chưa xác định đầy đủ lộ trình sửa đổi hoặc bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan như Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Dược… Cũng theo ông Đặng Thuần Phong, các văn bản hướng dẫn, trả lời của các bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời, từ đó gây ra tình trạng các nơi có cách hiểu, cách làm khác nhau, gây bức xúc trong xã hội.

Được biết, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 17 ngày làm việc, chia thành hai đợt theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, dự kiến bế mạc vào ngày 13/11. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua hai dự án luật, năm dự thảo nghị quyết và xem xét, cho ý kiến đối với năm dự án luật khác. 

Minh Quang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI