TPHCM như đầu tàu có 3 động cơ mạnh mẽ

02/05/2025 - 07:07

PNO - Trước năm 1986, TPHCM được biết đến là địa phương tiên phong trong công cuộc đổi mới, là hình mẫu về đột phá thể chế.

Đầu tư hạ tầng giao thông
Để phát triển kinh tế, TPHCM tập trung đầu tư hạ tầng giao thông - Ảnh: Nguyên Mạnh

Những mô hình kinh doanh tiên tiến như công ty TNHH, công ty cổ phần hay doanh nghiệp tư nhân, ngân hàng thương mại cổ phần, khu công nghiệp, khu chế xuất, đổi đất lấy hạ tầng, cổ phần hóa… được thử nghiệm thành công tại đây và đã trở thành khuôn mẫu để nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.

Là nơi hội tụ của nền sản xuất tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, thương mại, dịch vụ, TPHCM đã tạo đà cho sự hình thành nền kinh tế đa thành phần, trong đó khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng. TPHCM không chỉ đứng đầu cả nước về đóng góp ngân sách mà còn là nơi khởi phát những ý tưởng đổi mới, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần làm cho hệ thống pháp luật nước ta ngày càng đồng bộ và thông thoáng hơn.

Trong thời khắc chúng ta chuẩn bị bước sang kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, TPHCM tiếp tục đảm nhận vai trò then chốt, là đầu tàu kinh tế và động lực tăng trưởng quan trọng nhất của cả nước. Điều này được thể hiện rõ qua chiến lược sáp nhập 3 địa phương (TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu), mở rộng không gian phát triển, tạo nên một thể thống nhất mạnh mẽ, một “siêu đô thị” vẫn mang tên TPHCM nhưng với sức bật lớn hơn bao giờ hết.

Trong kỷ nguyên mới, TPHCM sẽ tiếp tục giữ vị trí trung tâm, là đầu kéo kinh tế hội tụ sức mạnh từ 3 trục phát triển then chốt, tựa như đầu tàu được trang bị 3 động cơ mạnh mẽ, gồm thứ nhất là vùng công nghiệp Bình Dương tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, đồng thời liên kết chặt chẽ với các khu công nghiệp hiện hữu của TPHCM tạo thành cụm chuỗi liên kết công nghiệp; thứ hai là vùng kinh tế biển trọng điểm Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là logistics cảng biển, dầu khí, năng lượng sạch sẽ liên kết với hệ thống cảng hiện hữu của TPHCM, đồng thời kết nối chiến lược với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, qua đó hình thành cụm logistics cảng biển tầm cỡ khu vực, phát triển các ngành kinh tế biển khác như du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao, tạo nên một tổng thể kinh tế biển năng động.

Trục thứ ba là vùng lõi trung tâm của TPHCM - nơi tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư toàn cầu, nhân lực chất lượng cao, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, hỗ trợ nguồn vốn triển khai các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn, nâng chuẩn hoạt động các định chế tài chính trong nước. 3 vùng kinh tế này đang đóng góp khoảng 1/4 GDP, 1/3 tổng thu ngân sách, hơn 1/5 kim ngạch xuất nhập khẩu và quy tụ 1/3 doanh nghiệp toàn quốc, khẳng định vị thế động lực then chốt.

Để phát huy tối đa tiềm năng, cần xây dựng cơ chế, thể chế phù hợp với quy mô kinh tế, dân số và chiến lược dài hạn. Trước mắt, việc áp dụng Nghị quyết 98/2023/QH15 cho vùng đô thị mở rộng (TPHCM mới sau sáp nhập sẽ có diện tích 6.773km² và 13,7 triệu dân) là bước đi thiết yếu nhằm giải phóng nguồn lực tương xứng tiềm năng. Thành phố có điều kiện đầu tư nhanh hạ tầng kết nối, hàng hóa ra cảng biển nhanh hơn, khách đi lại thuận tiện, giảm chi phí logistics, thu hút nhân lực...

Chúng ta có đủ cơ sở để kỳ vọng vào sự bứt phá của TPHCM. Đây là thời kỳ đột phá tư duy chiến lược mang tầm cao trí tuệ Việt Nam. Chủ trương hợp nhất các tỉnh, thành thể hiện tinh thần đoàn kết, tận dụng lợi thế địa phương để cùng phát triển. Sự gắn kết giữa các vùng kinh tế chính là nền tảng tạo ra sức mạnh tổng hợp toàn diện.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội khóa XV, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI