TPHCM: Dự án nhiều nhưng gian nan tìm nguồn vốn

08/12/2021 - 13:08

PNO - Sáng 8/12, tại ngày làm việc thứ hai, Kỳ họp lần thứ tư, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều đại biểu đã tham gia chất vấn một số nội dung được cử tri quan tâm.

Vốn cho dự án rạch Xuyên Tâm vẫn… bế tắc

Một số dự án trọng điểm đang bị “treo”, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân cũng như phương hướng sử dụng vốn cho năm 2022 được các đại biểu quan tâm và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Lê Thị Huỳnh Mai tham gia giải trình, thông tin tại kỳ họp.

Cụ thể, đại biểu thượng tọa Thích Minh Thành chất vấn về dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã trải qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ nhưng hiện vẫn đang nằm trên giấy, chưa triển khai. Ông nói: “Đây là vấn đề cấp bách, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần, cảm xúc của người dân trên địa bàn. Vậy giải pháp cải thiện tình hình này ra sao”.

Dự án Rạch Xuyên Tâm sau gần 20 năm vẫn đang chờ vốn
Dự án rạch Xuyên Tâm sau gần 20 năm vẫn đang chờ vốn

Theo Giám đốc Sở KHĐT Lê Thị Huỳnh Mai, dự án rạch Xuyên Tâm nằm trên địa bàn quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh, được lãnh đạo TPHCM quan tâm và đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. Năm 2016, Thành phố đã phê duyệt đề xuất hợp tác theo hình thức công - tư của chủ đầu tư với tổng mức vốn khoảng 9.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2020, quy định về các dự án đổi đất lấy hạ tầng thay đổi nên dự án này không thể thực hiện như kế hoạch trước đó.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho hay, Sở KHĐT đã làm việc với chủ đầu tư để tìm hình thức khác nhưng đơn vị này chưa đề xuất được hình thức đầu tư cho dự án theo khung pháp lý hiện nay. Sau khi lấy ý kiến, các sở ngành, đơn vị nhận định đây là dự án cần thiết nên thống nhất xếp vào dự án đầu tư công. Tuy nhiên, tổng số vốn đầu tư của dự án lên đến 9.300 tỷ đồng trong khi đó, TPHCM đã không còn khả năng bổ sung vốn cho dự án mới.

Sở KHĐT đã báo cáo thực tế này đến Bộ KHĐT để xin Trung ương bố trí nguồn vốn trong hỗ trợ phục hồi kinh tế cho TPHCM. UBND TPHCM cũng đã có 2 văn bản tham mưu Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp cuối năm. Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết: “Hiện, dự án đã hoàn thành báo cáo kỹ thuật nhưng vẫn chờ nguồn vốn”.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, các dự án, công trình xây dựng bị ảnh hưởng dẫn đến chậm tiến độ. Cùng với đó, nguồn nguyên vật liệu khó khăn, thiếu lao động, chuyên gia gặp khó trong xuất nhập cảnh, vướng mắc về quy định… cũng ảnh hưởng tiến độ.

“Thành phố đã giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư để thường xuyên báo cáo về các dự án nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…” - bà Lê Thị Huỳnh Mai thông tin. Riêng các dự án trọng điểm như Metro 1, 2… UBND TP cũng đã giao các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm đốc thúc.

Dự án nhiều, việc bố trí, huy động vốn trong năm 2022 cần thực hiện ra sao? 

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công đang gặp nhiều khó khăn, các đại biểu đề nghị Giám đốc Sở KHĐT TP trình bày giải pháp, bao gồm giải pháp huy động nguồn vốn cho năm 2022 để góp phần triển khai các dự án quan trọng.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai giải trình tại phiên chật vấn sáng 8/12
Bà Lê Thị Huỳnh Mai giải trình tại phiên chất vấn sáng ngày 8/12

Bà Lê Thị Huỳnh Mai khẳng định hiện nay, nhu cầu vốn dành cho các dự án mới rất nhiều, nhất là các dự án đã được thông qua trong kỳ họp HĐND TP vừa qua. Theo đó, thành phố có 4.200 dự án chuyển tiếp với tổng số vốn hơn 180.000 tỷ đồng. Trong khi đó, số vốn trần mà Thành phố có thể sử dụng là 142.000 tỷ đồng.

“Sở KHĐT đã tham mưu UBND TP căn cứ vào các tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn để ưu tiên dự án có khả năng hoàn thành nhanh. Theo tiêu chí này, Sở KHĐT đã bố trí khoảng 121.000 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp, còn lại 20.000 tỷ đồng dành cho dự án thuộc nhiệm vụ quy hoạch thời gian tới” - bà Lê Thị Huỳnh Mai nói.

Về huy động vốn để có thêm nguồn lực đầu tư, bà Lê Thị Huỳnh Mai trình bày 4 giải pháp.

Một là rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu vực quanh metro hoặc rà soát quỹ đất công để có thêm nguồn thu từ đất.

Hai là giải pháp tài chính ngân sách. Theo đó, năm 2021, tăng trưởng GRDP của TPHCM dự kiến âm 6,78%, nhưng một số lĩnh vực vẫn tăng trưởng cao như tài chính, công nghệ... Sắp tới, Thành phố sẽ cơ cấu lại các ngành nghề, doanh nghiệp để ưu tiên dịch vụ thế mạnh, tạo nguồn lực lan tỏa, phát triển… Đặc biệt, nguồn vốn FDI của TPHCM năm 2021 cao hơn so với cùng kỳ, cho thấy môi trường đầu tư của thành phố vẫn còn thu hút để kêu gọi đầu tư.

Ba là nguồn vốn xã hội hóa. Theo đó, các địa phương được yêu cầu báo cáo các dự án tiềm năng để kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Sở KHĐT vừa qua nhận được thông tin về 561 dự án với tổng vốn 200.000 tỷ. Do con số quá lớn nên Sở đã tham mưu UBND bố trí các dự án ưu tiên một cách hợp lý.

Cuối cùng, trong chương trình phục hồi kinh tế, TP có chính sách phù hợp để phát triển kinh tế tư nhân, nuôi dưỡng nguồn thu từ khối doanh nghiệp.

Tuyết Dân - Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI