Cần một cuộc “đại phẫu” y tế cơ sở

08/12/2021 - 06:38

PNO - Sáng 7/12, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ tư. Kỳ họp này diễn ra trong ba ngày (7 - 9/12) nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ năm 2021; thảo luận, thông qua phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 và xem xét một số tờ trình của UBND TPHCM.

6-10 cán bộ chăm lo y tế cho 170.000 dân 

Trong ngày làm việc thứ nhất (7/12), các đại biểu đặc biệt quan tâm thảo luận về y tế cơ sở. Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho rằng, để sống thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19 cũng như kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này, nhất thiết phải nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở: “Chúng ta đã điều động nhân sự y tế ở các bệnh viện hỗ trợ cho các trạm y tế nhưng thực tế, các anh chị đó vẫn phải đảm nhiệm công tác chuyên môn ở bệnh viện nơi mình công tác, do đó phải làm việc với cường độ gấp 2-3 lần, dẫn đến hiệu quả không cao”.

Tại kỳ họp thứ tư, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 7/12, nhiều đại biểu cho rằng hệ thống y tế cơ sở ở TP.HCM đang cần một cuộc “đại phẫu” để nâng cao năng lực. (Trong ảnh: Người dân có triệu chứng nhiễm COVID-19 đang chờ kiểm tra tại một cơ sở y tế) ẢNH: PHẠM AN
Tại kỳ họp thứ tư, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 7/12, nhiều đại biểu cho rằng hệ thống y tế cơ sở ở TPHCM đang cần một cuộc “đại phẫu” để nâng cao năng lực. (Trong ảnh: Người dân có triệu chứng nhiễm COVID-19 đang chờ kiểm tra tại một cơ sở y tế) - Ảnh: Phạm An

Theo bà, trước mắt, UBND TPHCM cần có chính sách chăm lo kịp thời để không chỉ động viên lực lượng này mà còn giúp họ có điều kiện tái tạo năng lượng, an tâm công tác. 

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung - Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh - nêu bất cập về sự phân bổ cán bộ cơ sở, trong đó có y tế cơ sở: “Ở Trạm Y tế xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, chỉ có 6-10 cán bộ mà chăm lo cho 170.000 dân, gấp nhiều lần dân số ở nơi khác cùng cấp”. Theo bà, công việc của nhân viên y tế cấp cơ sở rất nhiều, nhân sự lại ít, phải làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya mà vẫn không hết việc. 

Đồng tình, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM - thông tin, có xã chỉ có bảy nhân viên y tế, không có bác sĩ mà phải chăm sóc cho 130.000 dân: “Có nhiều anh chị buộc phải nghỉ việc do đồng lương không đủ sống. Trong quá trình làm việc với các trạm y tế, chúng tôi chứng kiến lực lượng y tế cơ sở làm việc vất vả, mấy tháng ròng không được về nhà, bữa cơm chiều để đến nửa đêm mà vẫn không có thời gian nghỉ để ăn. Dù vậy, họ lại vô cùng nhiệt thành, sẵn sàng bám trụ với công việc. Nếu chúng ta không tìm cách giữ chân, những người này có thể bỏ việc”.

Cần điều chỉnh chính sách từ Trung ương

Theo các đại biểu, thu nhập của cán bộ, nhân viên thấp, trang thiết bị yếu kém, môi trường làm việc không có điều kiện để phát triển khiến y tế cơ sở rất khó giữ được nhân sự. Theo ông Cao Thanh Bình, y tế cơ sở hiện đang cần một cuộc “đại phẫu” để cải thiện: “Trước mắt, họ phải đủ sống. Còn về trung và dài hạn, y tế cơ sở phải được đầu tư bằng nhiều chính sách đòn bẩy dựa trên sự rà soát tổng thể hiện trạng, từ nhân lực đến vật lực”.

Các đại biểu biểu quyết nhất trí với chương trình làm việc của kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ tư
Các đại biểu biểu quyết nhất trí với chương trình làm việc của kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ tư

Về giải pháp, ông Cao Thanh Bình cho rằng, chính quyền TPHCM cần có cơ chế đặc thù, có chế độ khuyến khích sinh viên ngành y về địa phương công tác và tạo điều kiện để họ nâng cao trình độ chuyên môn. Để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch hiện nay, cần khuyến khích các bác sĩ và nhân viên y tế đã nghỉ hưu tiếp tục làm việc ở các trạm y tế.

Tham gia thảo luận, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM - thừa nhận: “Trong đợt dịch vừa qua, khi số lượng bệnh nhân tăng cao, hệ thống y tế cơ sở của TPHCM với lực lượng chỉ đảm bảo hoạt động trong điều kiện bình thường đã không đáp ứng được yêu cầu, nhất là yêu cầu điều trị cho bệnh nhân COVID-19, dẫn đến quá tải, từ đó có nhiều trường hợp chuyển nặng và tử vong”. Theo ông, trong 10 bài học mà ngành y tế TPHCM rút ra từ giai đoạn vừa qua thì nâng cao năng lực y tế cơ sở là một trong những vấn đề quan trọng nhất cho giai đoạn hiện nay và sắp tới. 

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, TPHCM đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới” từ cuối tháng 9/2021 nhưng cũng đã chịu tổn thất rất nặng nề, nhiều chỉ số kinh tế, xã hội tụt giảm nghiêm trọng, nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch và lần đầu tiên tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng trưởng âm 5,06%. 

UBND TPHCM dự báo, dịch COVID-19 có thể tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam, trong đó có TPHCM. Để phục hồi kinh tế sau một năm hứng chịu dịch COVID-19, cần kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm từng bước mở cửa, tiến đến trạng thái “bình thường mới”. 

Một lợi thế để TPHCM tự tin mở cửa, từng bước phục hồi kinh tế năm 2022 là tỷ lệ người dân đã tiêm vắc xin COVID-19 cao, các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Chủ đề hoạt động năm 2022 của TP.HCM là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. 

UBND TPHCM đề ra 19 chỉ tiêu cho năm 2022, gồm GRDP tăng 6 - 6,5%; duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân 35% GRDP; chi đầu tư cho khoa học, công nghệ của xã hội đạt trên 0,75% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tạo việc làm mới cho 140.000 người; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt trên 86%…

Ông Vĩnh Châu cho biết, TPHCM có 310 trạm y tế; có 2,31 nhân viên y tế/10.000 dân trong khi tỷ lệ bình quân tương ứng của cả nước là 6-7 nhân viên y tế. TPHCM cũng có nhiều phường, xã đông dân (nhiều nơi trên 100.000 dân) nhưng quy chế phân bổ cán bộ y tế lại dựa vào địa giới hành chính. Chưa kể, hiện biên chế cho y tế cơ sở chỉ dành cho bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, không bao gồm nhân viên như công nghệ thông tin, bảo vệ, hộ lý… “Một bác sĩ mới ra trường nếu về bệnh viện công tác thì chừng 5 năm sau là có thể học chuyên khoa 1, 10 năm sau có thể lấy bằng tiến sĩ, có thể phát triển cao hơn, thành bác sĩ chính, bác sĩ cao cấp nhưng nếu về tuyến địa phương thì khó có được cơ hội này” - ông nói.

Theo ông, để cải thiện năng lực y tế cơ sở, cần có sự điều chỉnh chính sách từ cấp Trung ương. Trước mắt, Sở Y tế TPHCM đã lập đề án về cơ chế chính sách nhằm tăng cường nhân lực cho y tế cơ sở, trong đó có những giải pháp cần sự cho phép của cấp Trung ương như chính sách thu hút nhân sự có trình độ chuyên môn cao về làm việc ở trạm y tế cơ sở, bao gồm tăng chế độ đãi ngộ và khả năng thăng tiến trong sự nghiệp của họ. Về lâu dài, ngành y tế TPHCM sẽ tiến tới mô hình bác sĩ gia đình gắn kết với trạm y tế cơ sở để chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt hơn. Mô hình này không chỉ giúp giảm tải cho các bệnh viện mà còn chăm sóc tốt cho người mới bệnh, chi phí có lợi hơn rất nhiều so với việc đến bệnh viện.

Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức - đề xuất, UBND thành phố cần cho phép các địa phương linh hoạt trong phân bổ nhân sự y tế phù hợp với dân số địa phương, cho phép cấp phường ký kết hợp đồng tăng thêm nhân sự cơ sở dựa trên quy mô dân số. 

Người dân vẫn ngóng chờ gói hỗ trợ 

Tại kỳ họp, nhiều đại biểu cho biết, một trong những vấn đề mà cử tri vẫn quan tâm chính là triển khai các gói hỗ trợ. Vẫn có nhiều người dân chưa nhận được tiền hỗ trợ dù đã có tên trong danh sách được nhận. “Chúng ta đang có kế hoạch triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho các đối tượng trong dịp tết Nguyên đán 2022, nhưng rất nhiều người vẫn đang chờ gói hỗ trợ để vượt qua khó khăn do dịch bệnh” - đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung nói. 

Theo báo cáo HĐND TPHCM, qua giám sát việc triển khai chính sách chăm lo cho người dân trong giai đoạn căng thẳng nhất của đợt dịch COVID-19, chính quyền các địa phương đã nỗ lực đưa kinh phí hỗ trợ đến với người dân, người lao động khó khăn; việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các địa phương nâng cao hiệu quả trong việc rà soát, đối chiếu, lọc danh sách và chi hỗ trợ theo danh sách được phê duyệt. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lao động tự do còn gặp khó khăn, như khó xác minh thu nhập, phát sinh thêm đối tượng cần hỗ trợ. Tại các địa phương, việc áp dụng tiêu chí “có hoàn cảnh thật sự khó khăn” chưa cụ thể, khiến việc xác định và lập danh sách đối tượng được hỗ trợ chưa đúng và chưa đủ, phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.

HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch; nghiên cứu, khảo sát để dự báo được nhu cầu của người dân, người lao động; nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ, chăm lo phù hợp đối với tất cả lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19, trong đó cần có chính sách chăm sóc y tế đối với các lực lượng tham gia phòng, chống dịch không may bị mắc bệnh COVID-19.

Tuyết Dân - Tam Bình

 

 

 

 

 
TIN MỚI