TPHCM cần đề xuất chính sách đặc thù cho các địa phương đông dân

09/12/2022 - 12:54

PNO - Sáng 9/12, tại kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu HĐND TP đã thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

 

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề tổ chức chính quyền đô thị.
Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề tổ chức chính quyền đô thị

HĐND TPHCM ghi nhận những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 131 của UBND TP. 

Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc. Việc giải quyết chế độ chính sách cho các trường hợp dôi dư khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính được thực hiện theo đúng quy định.

Đối với công tác cải cách hành chính, UBND TPHCM, các sở, ngành và các địa phương đã tập trung triển khai thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ thành phố đến cơ sở.

Đối với lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, HĐND thành phố đánh giá, công tác thực hiện lập đồ án quy hoạch kéo dài làm ảnh hưởng lớn việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ chung của thành phố.

HĐND TPHCM đề nghị UBND thành phố cần đề xuất chính sách đặc thù cho các địa phương đông dân (trong ảnh, cán bộ tiếp dân ở xã Vĩnh Lộc A - xã đông dân nhất trên địa bàn thành phố).
HĐND TPHCM đề nghị UBND thành phố đề xuất chính sách đặc thù cho các địa phương đông dân. Trong ảnh: Cán bộ tiếp dân ở xã Vĩnh Lộc A - xã đông dân nhất trên địa bàn thành phố

Việc lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 còn chậm. Về quản lý quy hoạch xây dựng tại khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn do một số huyện trên địa bàn thành phố mới đang giai đoạn lập quy chế quản lý kiến trúc nông thôn làm cơ sở cho công tác quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn.

Việc xây dựng chính quyền điện tử, đề án đô thị thông minh còn những hạn chế cần được quan tâm khắc phục như hệ thống thông tin của các sở, ngành, địa phương đã đầu tư trước đây chưa đảm bảo theo kiến trúc chính quyền điện tử thành phố nên còn rời rạc, thiếu liên thông thông tin giữa các đơn vị và chưa sử dụng hiệu quả hạ tầng và nền tảng số dùng chung của thành phố.

Tiến độ triển khai các dự án thuộc đề án đô thị thông minh sử dụng vốn đầu tư công chậm so với chủ trương đầu tư được phê duyệt, đặc biệt các dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp cao.

HĐND TP đề nghị UBND TP tăng cường công tác triển khai chương trình chuyển đổi số của thành phố và kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Đồng thời, rà soát, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đối với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện. Đề xuất các nội dung phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho thành phố và cơ chế, chính sách đặc thù đối với các địa phương có quy mô dân số đông vào nội dung trình Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 16-NQ/TW và Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính nhằm góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đáp ứng yêu cầu.

Tăng cường công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả biên chế hành chính, số lượng người làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đồng thời, đảm bảo thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ công chức theo các Nghị quyết của HĐND đã ban hành và theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trên toàn địa bàn, thường xuyên theo dõi, có các giải pháp cải thiện sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; khắc phục tình trạng hồ sơ trễ hạn.

Thường xuyên tiếp xúc với các nhà đầu tư, các hiệp hội doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp về cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và ổn định hoạt động kinh doanh, sản xuất.

HĐND TP đề nghị UBND thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính quyền đô thị ttrên địa bàn, nhất là về việc kiến nghị giao biên chế phù hợp với đặc điểm tình hình, khối lượng công việc, quy mô dân số.

Chỉ đạo rà soát các đề xuất, kiến nghị và khó khăn, vướng mắc của các địa phương để kịp thời xem xét, tháo gỡ tạo điều kiện thuận lợi cho TP Thủ Đức, các quận thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tuyết Dân – Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI