TP.HCM đang tồn kho khoảng 10.053 căn hộ chung cư

12/11/2013 - 17:02

PNO - PNO - TP.HCM có 85 dự án (chiếm 6,13%) tương đương diện tích đất 1.138,94 ha bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư; có đến 689 dự án đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng, với tổng số căn hộ là 310.218 căn và tổng diện tích...

edf40wrjww2tblPage:Content
UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố.
 
TP.HCM dang ton kho khoang 10.053 can ho chung cu
 
TP.HCM đang tồn kho khoảng 10.053 căn hộ chung cư và 120,8 ha đất nền nhà thấp tầng.
 

Theo báo cáo, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 1.386 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích hơn 11.770 ha với tổng số 496.272 căn hộ và tổng diện tích sàn xây dựng hơn 49,3 triệu mét vuông.

Trong đó, chỉ có 426 dự án (chiếm 30,7%) đã xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng với diện tích đất 1.563,25 ha, tổng số 69.337 căn hộ và tổng diện tích sàn xây dựng gần 11 triệu mét vuông.

Ngoài ra, có 184 dự án (chiếm 13,3%) đang triển khai đầu tư xây dựng trên diện tích đất 1.811,62 ha với tổng số căn hộ 116.717 căn và tổng diện tích sàn xây dựng gần 15,5 triệu mét vuông.

Còn lại, có 85 dự án (chiếm 6,13%) tương đương diện tích đất 1.138,94 ha bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư. Có đến 689 dự án (chiếm 49,71%) đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng, tương đương diện tích đất 7.253 ha với tổng số căn hộ là 310.218 căn và tổng diện tích sàn xây dựng gần 22,9 triệu mét vuông.

Qua rà soát, TP.HCM có nhiều dự án tạm dừng, chậm triển khai; nhiều dự án có sản phẩm hoàn chỉnh nhưng không bán được, hàng tồn cao. Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM đang tồn kho khoảng 10.053 căn hộ chung cư và 120,8 ha đất nền nhà thấp tầng.

Theo UBND TP.HCM, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay là do cơ chế chính sách, như tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ để ổn định nền kinh tế vĩ mô; thủ tục hành chính về nhà ở, quy hoạch, đất đai, tài chính còn rườm rà, phức tạp, làm cho quá trình chuẩn bị đầu tư dự án kéo dài; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất chiếm từ 20-40% cơ cấu giá thành và ngày càng có khuynh hướng gia tăng.

Về phía doanh nghiệp, việc đầu tư kinh doanh bất động sản chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Vì vậy, khi thị trường bất động sản đóng băng, ngân hàng hạn chế cho vay hoặc cho vay lãi suất cao, hầu hết các chủ đầu tư dự án không có khả năng tiếp tục thực hiện dự án. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia thị trường nhưng quy mô nhỏ, hoạt động còn thiếu chuyên nghiệp, đầu tư dàn trải, thiếu định hướng phát triển và chiến lược kinh doanh.v.v. từ đó làm thị trường mất cân đối và phát triển không ổn định; nhiều công ty tham gia thị trường chưa có ý thức giữ gìn thương hiệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp.

Sự suy thoái hiện nay của thị trường bất động sản là hệ quả của tăng trưởng nóng và tình trạng đầu cơ của các nhà đầu tư trong giai đoạn 2006 - 2007 mà hệ lụy của nó vô cùng to lớn, kéo dài. Cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp khắc phục một cách hiệu quả.

Ngoài ra, số đông người mua nhà đều có thu nhập thấp và trung bình, khả năng thanh toán có hạn nhưng trên thị trường lại chưa có nhiều loại hình căn hộ có giá cả phù hợp với khả năng thanh toán. Hiện cũng chưa có chính sách và cơ chế tài chính tín dụng hỗ trợ cho người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp đô thị để tạo lập nhà ở.

NAM ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI