Tổng Giám đốc WHO: 'Chúng ta cần đoàn kết để vượt lên nỗi sợ'

08/02/2020 - 06:57

PNO - Dịch bệnh không phải là cái cớ để con người đổ lỗi hay kỳ thị. Nhiều cá nhân và tập thể đã lựa chọn hành động để tạo nên sự thay đổi.

“Đây là lúc chúng ta đứng về phía sự thật, không phải nỗi sợ hãi; là lúc chúng ta tìm kiếm chứng cứ khoa học, không phải lời đồn đoán; là lúc đoàn kết lại thay vì kỳ thị lẫn nhau” là thông điệp Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom gửi thế giới khi WHO chính thức tuyên bố sự bùng phát chủng virus Corona mới (2019-nCoV) từ Trung Quốc là “tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu”.

Thật vậy, dịch bệnh không phải là cái cớ để con người đổ lỗi hay kỳ thị. Nhiều cá nhân và tập thể đã lựa chọn hành động, vì họ hiểu chỉ hành động mới giúp tạo nên sự thay đổi, chuyển biến tích cực. 

Nụ cười hy vọng ngay trong vùng dịch bệnh
Nụ cười hy vọng ngay trong vùng dịch bệnh

Lựa chọn mạnh mẽ và dũng cảm

Trái với làn sóng thông tin gây nhiễu đầy rẫy trên toàn cầu cùng những sắc thái tiêu cực khi nhắc đến Trung Quốc hay Vũ Hán, người dân ở những “điểm nóng” đã vực dậy tinh thần cho chính mình. Giữa lúc ai cũng hoang mang, lo sợ, không ít người đã nỗ lực vực dậy tinh thần cộng đồng bằng suy nghĩ tích cực, lạc quan. Không thể thoải mái đi lại khắp nơi để gặp mọi người, người dân ở những vùng dịch đã gửi thông điệp động viên nhau trên mạng xã hội. Cụm từ “Vũ Hán hãy mạnh mẽ!” hay “Vũ Hán cố lên” xuất hiện liên tục trong những đoạn clip đăng lên mạng xã hội. Người dân ở các địa phương gửi lời trấn an người dân Vũ Hán: “Chúng ta sẽ vượt qua. Vũ Hán hãy mạnh mẽ, tất cả đang hỗ trợ các bạn”. 

Anh Li Bo (36 tuổi), chủ một nhà hàng mới mở chỉ một tháng trước khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, quyết định bán xe hơi rồi mượn thêm tiền để lập quỹ cung cấp những suất ăn miễn phí cho các nhân viên y tế đang ngày đêm chạy đua với thời gian nhằm hỗ trợ người bệnh. Li Bo chia sẻ: “Tôi biết điều kiện của tất cả đang rất khó khăn nhưng nhân viên y tế là những người cần nhiều sự hỗ trợ nhất vào lúc này. Chúng tôi cố gắng gom góp lương thực để đảm bảo họ có những bữa ăn đủ dinh dưỡng, bảo vệ sức đề kháng”. 

Bác sĩ Zhang Dingyu chạy đua với thời gian để hỗ trợ bệnh nhân
Bác sĩ Zhang Dingyu chạy đua với thời gian để hỗ trợ bệnh nhân

Ở “tiền tuyến”, các nhân viên y tế dốc hết sức lực thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của màu áo trắng họ đã chọn lựa theo đuổi. Bên trong đô thị 11 triệu dân đang bị phong tỏa, sự sống vẫn tiếp diễn và cuộc chiến giành lấy sự sống, giành lấy tia hy vọng ví như cuộc đua cạnh tranh từng phút giây. Bác sĩ 57 tuổi Zhang Dingyu, người đứng đầu Bệnh viện Jinyintan, chỉ có một nỗi lo duy nhất: không đủ thời gian để hỗ trợ những người cần đến mình. Từ lúc phát hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm 2019-nCoV, Zhang Dingyu dành gần như toàn bộ quỹ thời gian của ông để thăm khám. Trong những tuần cao điểm gần đây, mỗi ngày ông chỉ chợp mắt vỏn vẹn 2 giờ đồng hồ. Vị bác sĩ này đang sống cùng hội chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS) nhưng luôn tâm niệm: “Tôi sẽ cống hiến sức lực đến khi tôi không còn thời gian nữa”. 170.000 nhân viên y tế ở Vũ Hán cùng hàng ngàn nhân viên y tế từ những khu vực lân cận hợp sức đang dấn thân vào cuộc chiến mà họ hiểu, nếu không phải họ thì chẳng ai có thể làm được. 

Hình ảnh nữ y tá Shan Xia (30 tuổi) làm việc tại Bệnh viện Renmin thuộc Đại học Vũ Hán với mái tóc cắt bỏ hoàn toàn khiến người ta chẳng thể quên được. Người mẹ hai con tự nguyện cạo đầu vì muốn tiết kiệm từng giây từng phút túc trực, phản ứng nhanh khi bệnh nhân cần đến mình và càng không muốn mái tóc dài tạo cơ hội lây nhiễm chéo virus. Ít ngày sau đó, 31 nữ y tá tại Đại học Y dược Liên hiệp Vũ Hán đã giúp nhau cắt mái tóc dài quý giá cũng vì họ hiểu điều gì cần ưu tiên nhất ở thời điểm hiện tại. Một y tá tại bệnh viện này chia sẻ: “Chúng tôi cắt tóc để thuận tiện trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. Chúng tôi chẳng còn thời gian để gội đầu mỗi ngày nữa. Tất cả phải chạy đua với thời gian. Những gì không cần, nhất thiết phải loại bỏ”.

Nữ y tá Shan Xia
Nữ y tá Shan Xia

Những thiên thần áo trắng đã ở đây, giúp giảm bớt phần nào nỗi lo lắng, hoang mang tột độ của người dân đang từng ngày đối mặt với các thông tin dịch bệnh. Vô vàn hình ảnh chuyển tải thông điệp mạnh mẽ, ấn tượng hơn hàng vạn lời nói về tình người, về lòng quả cảm. Đó là hình ảnh một nữ quân nhân lau nước mắt cho con gái, xin lỗi con vì không thể cùng con đón tết và hứa rằng mẹ sẽ trở về an toàn; là hình ảnh nhà dịch tễ học Chung Nam Sơn - người hùng của Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch SARS - dù ở tuổi 84 vẫn không ngại dấn thân dẫu biết phía trước đầy rẫy rủi ro. Không ít giọt nước mắt rơi xuống từ những người ở “tiền tuyến”, họ kiệt sức nhưng họ vẫn đang nỗ lực vì tin rằng họ còn cả cộng đồng. 

Chúng ta là một trong cuộc chiến này

Trong đoạn clip ngắn chia sẻ câu chuyện của mình, Felicity Feng (28 tuổi) rơi nước mắt khi nhắc đến người bố đang làm nhiệm vụ giám sát công trình xây dựng bệnh viện dã chiến phục vụ trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Felicity Feng từ Canada về Vũ Hán thăm bố mẹ nhân dịp tết Nguyên đán. Khi thông tin về dịch bệnh bắt đầu râm ran, bố mẹ Feng giục cô về Canada nhưng Feng từ chối. Khi Feng biết bố cô quyết định có mặt trong lực lượng tham gia xây dựng bệnh viện, cô hiểu rằng bố đã lựa chọn và không gì thay đổi được sự lựa chọn ấy vì ông tự nhận đây là trách nhiệm của mình. Ông ra đi với tinh thần phấn khởi vì biết mình đang đóng góp cho cộng đồng. 

Bác sĩ Wang Liju tạm biệt con trai để lên đường đến Vũ Hán thực hiện sứ mệnh. Wang Liju là một trong số 137 chuyên viên y tế từ 37 trung tâm ở Liêu Ninh, Thẩm Dương có mặt hỗ trợ Vũ Hán chống dịch
Bác sĩ Wang Liju tạm biệt con trai để lên đường đến Vũ Hán thực hiện sứ mệnh. Wang Liju là một trong số 137 chuyên viên y tế từ 37 trung tâm ở Liêu Ninh, Thẩm Dương có mặt hỗ trợ Vũ Hán chống dịch

Ngày 2/2 vừa qua, Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn đích thân gửi thông điệp ủng hộ người dân Trung Quốc: “Bản thân tôi là người dân Thái đứng bên cạnh người dân Trung Quốc và cầu mong các bạn sẽ vượt qua được khủng hoảng này, với hy vọng chúng ta có thể kiểm soát được tình hình trở về bình thường càng sớm càng tốt”. 

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp cũng đã nhấn mạnh rằng việc đóng cửa biên giới hay hủy các chuyến bay không phải là biện pháp mang tính khoa học mà chỉ nhằm ổn định tâm lý người dân. Vì thế, mỗi quốc gia sẽ có cách hành xử, thái độ riêng biệt. Truyền thông thế giới những ngày gần đây liên tục ghi nhận những trường hợp thể hiện sự kỳ thị hướng về người Trung Quốc.

Cụ thể, ở Hàn Quốc, nhiều người tụ tập kêu gọi chính quyền cấm người Trung Quốc nhập cảnh. Nhiều trường hợp ghi nhận những dòng thóa mạ, kỳ thị trên các trang mạng xã hội tạo tâm lý tiêu cực. Thái Lan cho thấy họ đã lựa chọn cách ứng xử khác. Không chỉ từ thông điệp của Quốc vương Thái Lan, người Thái hiểu rằng bất cứ sự lên án, miệt thị nào vào lúc này cũng chẳng có ích gì trong nỗ lực dập dịch. Ngay lúc thông tin về dịch bệnh bùng phát, những người quản lý, điều hành ngành công nghiệp du lịch Thái còn làm clip cổ vũ tinh thần đoàn kết, bày tỏ sự cảm thông với người Trung Quốc.

Dịch bệnh ngày nay không còn là câu chuyện của riêng quốc gia nào mà là vấn đề toàn cầu. Lần này, với 2019-nCoV, mỗi quốc gia đều hiểu mình không thể đứng bên ngoài dửng dưng. Chung tay chống dịch bệnh là thông điệp quan trọng hơn cả. Tính đến thời điểm này, các quốc gia Pakistan, Hàn Quốc, Nga, Việt Nam, Malaysia, Kazakhstan, Đức, Anh, Pháp, Áo, Úc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Algéria… đã đồng loạt gửi những thiết bị y tế, cam kết cùng Trung Quốc ứng phó dịch bệnh. Họ hiểu, chỉ có sự đoàn kết vào lúc này mới có thể cứu lấy tất cả.

Thiên Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI