Tin “thần dược” trị đái tháo đường, nhiều bệnh nhân suy thận, tử vong

13/03/2020 - 06:27

PNO - Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường (tiểu đường) đều tin vào loại thuốc “gia truyền” chứa chất cấm phenformin, metformin… uống trong thời gian dài rồi bị biến chứng toan chuyển hóa lactic nguy kịch phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cấp cứu.

“Thần dược” đưa nhiều bệnh nhân vào bệnh viện

Mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm, ông Đ.H.L. (65 tuổi, ở tỉnh Đồng Tháp) luôn khổ sở trong việc kiêng cử trong ăn uống, thử đường máu. Trong một lần ông nghe hàng xóm nói có ông thầy lang ở tỉnh An Giang chuyên bốc thuốc gia truyền trị tiểu đường nên tìm đến mua thuốc.

Bác sĩ Tiến khám cho bệnh nhân L.
Bác sĩ Tiển khám cho bệnh nhân L.

Thời gian đầu, ông L. rất vui mừng khi uống thuốc này xong ông cảm thấy người rất khỏe, không kiêng đồ ngọt mà đường huyết vẫn luôn ổn định nên ông L. không uống thuốc của bác sĩ tại bệnh viện nữa.

Gần đây, bỗng nhiên ông thấy mệt mỏi, chán ăn, hay nôn ói nên nhờ người nhà đưa vào bệnh viện tại địa phương khám. Vừa vào bệnh viện, ông L. đã ngất xỉu; nhận thấy tình trạng ông quá nặng, bệnh viện cho về.

“Lúc này gia đình tôi rất rối, nhưng còn nước còn tát, chúng tôi quyết định đưa cha đi Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cứu chữa. Bác sĩ nói cha tôi bị toan lactic nặng, tổn thương đa cơ quan dẫn đến suy thận, suy hô hấp, hoại tử da phải thở máy và lọc máu”, chị N.T.H.L. (con gái ông L.) cho biết.

Theo chị L., thuốc mà cha của chị uống là loại thuốc viên nhỏ, sẫm màu, không nhãn mác, mỗi lần chỉ uống vài viên, do cha mình nói uống khỏe nên cả nhà đều để ông uống.

Với ông N.A.T. (ở tỉnh Long An) loại thuốc nhỏ có hình tròn, nhỏ như hạt tiêu mua từ thầy lang chính là “thần dược” cứu ông khỏi mệt mỏi vì mắc tiểu đường týp 2.

Theo người nhà ông T., hàng xóm cũng mắc bệnh tiểu đường và uống thuốc “gia truyền” nhiều năm rất khỏe. Vì vậy, ông T. và gia đình cũng hy vọng ông được trị khỏi. Thuốc ông T. dùng mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và chiều, mỗi lần uống 5 viên, một gói sử dụng được hơn một tháng giá 260.000 đồng. Tuy ông T. tin dùng thuốc nam trong 3 năm nhưng 6 tháng vẫn đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe một lần. 

Cách nhập viện vài ngày, theo định kỳ, ông T. đến bệnh viện ở H.Bến Lức (tỉnh Long An) khám sức khỏe. Trong lúc chờ khám, ông thấy người mệt lả, đau nhức như trúng gió, sau đó nôn ói liên tục, huyết áp không ổn định rồi lịm dần. Ngay lập tức, bác sĩ chuyển ông đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cấp cứu.

Còn chị C.T.H. (41 tuổi, ở tỉnh Long An) cũng uống “thần dược gia truyền” hơn 6 năm, tin dùng thuốc đến nỗi chị H. sợ hết thuốc uống, nên thường mua để dành. Mỗi lần đi mua thuốc, chị mua cho 10 tháng, với giá 150.000 đồng/tháng. Thuốc của chị không có nhãn mác, không có địa chỉ, nên chị và người nhà chỉ biết đường đi mà không biết tên cũng như số điện thoại người bán.

Có lần chị vào bệnh viện khám, bác sĩ phát hiện khuyên chị ngưng sử dụng thuốc này bởi rất nguy hiểm nhưng chị H. không nghe. 

“Do uống thuốc nam vợ tôi khỏe hơn, không bị kiêng cử trong ăn uống, sinh hoạt, nhiều năm vẫn khỏe lắm. Đến tháng 9/2019, vợ tôi chán ăn, ăn vào lại nôn ra, xuống ký rất nhanh, chỉ hai tháng đã xuống 5kg. Gần đây cô ấy than mệt, đưa vào bệnh viện bác sĩ nói bị khô thận phải nhập viện”, chồng chị H. nói.

Theo bác sĩ Trương Dương Tiển, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu khu D Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cả ba bệnh nhân trên đều mắc toan chuyển hóa lactic (nồng độ a-xít lactic trong máu cao hơn bình thường), suy gan, suy thận… phải lọc máu cấp cứu. Hiện tại, chị H., ông T. qua nguy hiểm nhưng phải điều trị lâu dài do suy đa cơ quan, hoại tử da. Ông L. tuy đã tỉnh nhưng bệnh khá nặng, chưa tiên lượng được.

Hiểm họa từ thuốc trị tiểu đường “gia truyền”

Bác sĩ Trương Dương Tiển cho hay, hiện tại các loại thuốc viên nhỏ, dạng tròn được lan truyền với công dụng điều trị tiểu đường đều chứa các thành phần chất cấm phenformin, metformin, biguanides… rất nguy hiểm.

Chị H. kể lại với bác sĩ Tiển quá trình chị tìm mua thuốc nam uống trị tiểu đường
Chị H. kể lại với bác sĩ Tiển quá trình chị tìm mua thuốc nam uống trị tiểu đường

Thuốc không nhãn mác, không rõ nguồn gốc nhưng rẻ tiền, dễ mua do người bệnh giới thiệu thuốc cho nhau, nhưng phổ biến nhất là 3 màu hồng, vàng nâu, xanh được thầy lang tự chế hoặc mua từ Trung Quốc về bán lại.

Ban đầu thuốc có thể kiểm soát một phần đường huyết. Tuy nhiên, sử dụng lâu dài và tùy liều lượng, bệnh nhân bắt đầu có các dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi, sụt cân… nặng hơn sẽ nôn ói, ngất xỉu, hôn mê, suy thận, thậm chí tử vong.

Theo bác sĩ Tiển, từ năm 2018 bệnh nhân uống loại thuốc này phải nhập viện do suy gan, suy thận, toan máu. Thậm chí đã có người bệnh không thể đưa đến bệnh viện kịp, hoặc tử vong ngay sau đó, số người bị biến chứng suy thận phải lọc máu cũng chiếm không ít nhưng ai được cứu sống cũng nói ban đầu thuốc này như “thần dược”.

Từ đầu năm 2020, bệnh viện cũng cấp cứu nhiều ca biến chứng rất nặng, đa số từ các tỉnh miền Tây đưa đến. Đặc biệt, chỉ giữa tháng Ba nhưng có đến 3 ca nặng vì biến chứng nhiễm a-xít lactic quá cao.

Nguy hiểm nhất, các chất trong viên thuốc còn làm người bệnh phát sinh các triệu chứng đặc biệt, làm bác sĩ ở bệnh viện nhầm lẫn với một số bệnh thông thường như khó tiêu, hạ đường huyết, rối loạn tiền đình… gây chẩn đoán, điều trị nhầm bệnh. Khi bệnh bộc phát sẽ không kịp trở tay bởi bệnh nhân có thể tử vong bất kỳ lúc nào nếu không được kịp thời lọc máu, thở máy.

Vì vậy, để tránh các nguy cơ, tai biến không đáng có, người mắc bệnh tiểu đường phải tuân thủ điều trị đúng cách, kiêng cử, uống thuốc đúng phác đồ, đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Nếu muốn sử dụng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, phải mang thuốc đến để được bác sĩ tư vấn.
Tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của người không có chuyên môn, tin lời quảng cáo trên các trang mạng, tự mua thuốc điều trị sẽ khiến người bệnh tiền mất tật mang.

“Người bệnh tiểu đường không nên quá lo lắng về chất lượng cuộc sống, chỉ cần bệnh nhân có các chế độ dinh dưỡng, tập thể dục nâng cao sức khỏe, kết hợp việc dùng thuốc của bác sĩ chỉ định, đường huyết sẽ được kiểm soát tốt, ít biến chứng, có thể sống vui vẻ với người thân của mình.
B

ên cạnh đó, những người có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay nghi ngờ bản thân mình đang có bệnh, hãy đến các cơ sở y tế khám bệnh và điều trị đúng cách”, bác sĩ Tiển khuyến cáo. 

Những loại trái cây bệnh nhân tiểu đường cần chú ý 
1. Xoài: cứ 100g xoài có khoảng 14g đường, có thể làm mất cân bằng lượng đường trong máu. 
2. Hồng xiêm (Sapoche): loại quả này chứa khoảng 7g đường trong mỗi 100g. Chỉ số đường huyết bằng 55 cũng như hàm lượng đường và carbohydrate cao của hồng xiêm có thể cực kỳ bất lợi cho người bệnh tiểu đường.
3. Nho: vì nho chứa lượng đường cao, do vậy không bao giờ thêm nho vào chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường vì 100g nho có thể chứa gần 18g carbohydrate.
4. Quả mơ khô: trong khi có thể ăn quả mơ tươi, người bệnh tiểu đường không nên ăn quả mơ khô. Một chén quả mơ khô có 74 calo và 14,5g đường tự nhiên.
5. Mận khô: với giá trị GI là 103, 1/4 cốc mận chứa 24g carbohydrate.
6. Dứa: mặc dù người bệnh tiểu đường tương đối an toàn khi ăn dứa, nhưng tiêu thụ quá mức có thể tàn phá lượng đường trong máu. Nên kiểm soát mức tiêu thụ và theo dõi những thay đổi về lượng đường trong máu.
7. Mãng cầu: 100g mãng cầu chứa 23g carbohydrate. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh nhân tiểu đường có thể ăn mãng cầu nhưng phải cực kỳ cẩn thận.
8. Dưa hấu: dưa hấu có giá trị GI là 72 và một nửa cốc có thể chứa khoảng 5g carbohydrate, nên chỉ có thể tiêu thụ rất ít.
9. Đu đủ: có giá trị GI là 59, đu đủ có nhiều carbohydrate và calo. Nếu thêm đu đủ vào chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường thì nên tiêu thụ với số lượng rất hạn chế để tránh tăng đường huyết.

Theo Boldsky

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI