Tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội: Loạn!

27/08/2013 - 07:52

PNO - PN - Người biến thành rắn vì lỡ bắt rắn ăn thịt, ba nữ sinh Hà Nội bị rạch đùi, rạp chiếu phim chứa kim tiêm có vi-rút HIV, sữa có chứa đỉa… những thông tin “gây bão” trên các mạng xã hội. Nhiều người khi tiếp nhận thông...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tin don that thiet tren mang xa hoi: Loan!

Việc phẫu thuật ấu trùng trong mắt của một cô bé năm tuổi được ghép với việc dùng kính áp tròng cũng khiến rất nhiều người đeo kính hoang mang, chủ kinh doanh thiệt hại về kinh tế

Nhiễu loạn thông tin

Ngay sau vụ “ba nữ sinh Hà Nội bị đối tượng lạ dùng dao lam rạch đùi” được chia sẻ trên các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, đã khiến nhiều phụ huynh và nữ sinh lo lắng khi ra đường. Sự việc chỉ lắng xuống khi công an Hà Nội vào cuộc làm rõ vấn đề.

Trên website boosviet.com và nhiều trang thông tin cá nhân của mạng xã hội Facebook đã chia sẻ thông tin có nội dung: “Cách đây vài tuần, trong một rạp hát, một người cảm thấy có vật gì đó chĩa lên từ ghế của cô ấy. Đứng dậy để xem thì phát hiện một cây kim nhô ra khỏi ghế, kèm theo một mảnh giấy ghi: chào mừng bạn đã đến thế giới HIV”. Thông tin này còn vẽ ra một cơ quan gọi là trung tâm kiểm soát bệnh tật đã báo cáo, gần đây nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra tại những thành phố khác. Tất cả các cây kim được xét nghiệm đều có virus HIV. Trung tâm này cũng báo cáo, người ta còn tìm thấy những cây kim như vậy tại các máy rút tiền (máy ATM).

Một thành viên trên diễn đàn Vn-zoom.com đăng tải thông tin về việc nhiều người sử dụng kính áp tròng Trung Quốc có cấy ấu trùng từ trước. Sau khi sử dụng một thời gian, ấu trùng làm tổ trong mắt người dùng, phát triển to bằng đầu đũa. Đoạn nội dung trên diễn đàn còn gây sốc hơn khi kèm hình minh họa, mô tả cảnh bác sĩ đang gắp ấu trùng ra từ khóe mắt người bệnh. Thông tin ghê rợn này lan truyền với tốc độ chóng mặt trong cộng đồng mạng. Có lúc, người đăng tải thông tin còn bịa thêm tên tuổi, nơi ở của nạn nhân cho thêm phần… sinh động. Gần đây nhất là thông tin "người hóa rắn" (sau khi ăn thịt rắn) được lan truyền mạnh trên Facebook. Clip với hình ảnh người phụ nữ lăn lê trên đất thè lưỡi như rắn được khẳng định ở Bình Dương nhưng khi PV báo Phụ Nữ tìm hiểu tại tỉnh này thì... tìm không ra. Đáng nói, thông tin này tiếp tục được lan rộng và được thêu dệt theo chiều hướng mê tín dị đoan.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong suốt thời gian thông tin trên lưu hành cho đến nay, các cửa hàng bán kính áp tròng đã gặp thái độ e dè của khách hàng. Bà Hồng, chủ kinh doanh một tiệm mắt kính tại P.Nguyễn Thái Bình, Q.1 cho biết, có thời điểm hai cửa hàng của bà suốt hai tuần không bán được cặp kính áp tròng nào. Sau một thời gian chờ đợi không thấy cơ quan nào lên tiếng về thông tin này, bà Hồng cùng một số bạn hàng tìm tòi nguồn gốc thông tin, phát hiện tấm hình mà các diễn đàn mạng ở Việt Nam sử dụng xuất phát từ tạp chí Archives of Ophthalmology (Mỹ) được đăng tải vào tháng 7/2000 mô tả quá trình phẫu thuật lấy ấu trùng từ mắt của một cậu bé năm tuổi. Thông tin gốc không liên quan gì đến kính áp tròng. Sau đó, một số cửa hàng bán kính áp tròng đã phải photo bài báo, để sẵn trên bàn nhằm giải tỏa lo lắng cho khách hàng.

Bà Vũ Phượng, phụ trách truyền thông của hệ thống rạp MegasStar cho biết: “Tin đồn kim tiêm dính máu do kẻ xấu cài dưới ghế ngồi trong rạp đã khiến tâm lý khách xem phim bị ảnh hưởng. Bản thân tôi cũng tìm hiểu rất nhiều thông tin như thế trên mạng xã hội và thấy các cảnh báo thiếu căn cứ vì không chỉ rõ địa chỉ, thời gian, tên nạn nhân. Báo chí cũng chưa hề đăng tải vụ việc nào như thế. Rõ ràng, đó chỉ là những tin đồn thất thiệt”.

Tin don that thiet tren mang xa hoi: Loan!

Thông tin người phụ nữ lăn lê, thè lưỡi như rắn được thêu dệt theo chiều hướng mê tín dị đoan

Chưa có trường hợp nào bị xử lý

Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh (Công an Q.Gò Vấp) cho biết, việc tung tin đồn thất thiệt, theo luật có thể bị xử lý hình sự, tùy theo mức độ, hành vi, mục đích của đối tượng tung tin đồn gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, thực tế gần như chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự về việc lan truyền những thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến xã hội nên người sử dụng mạng xã hội vẫn vô tư lan truyền những thông tin không kiểm chứng. Vì sao? Theo cơ quan chức năng, do nhiều nạn nhân thường “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không gửi đơn tố cáo đến công an.

Về nguyên tắc, cá nhân, tổ chức bị tin đồn gây thiệt hại cho mình (chứng minh được), có thể khởi kiện ra tòa đòi bồi thường. “Đối tượng bị ảnh hưởng bởi tin đồn nên gửi đơn nhờ cơ quan công an can thiệp, xử lý đối tượng tung tin. Nếu xét thấy có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố vụ án”, ông Thịnh cho biết.

Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao (Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - công an TP.HCM) cho biết thêm: việc xác định nguồn thông tin phát từ cá nhân nào trên mạng internet không khó. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng có thể xác định được chủ của nguồn tin thất thiệt. “Hậu quả của những thông tin thất thiệt là rất khó lường, do vậy người phát tán thông tin phải chịu những hình phạt thích đáng theo quy định của pháp luật”, vị cán bộ này cảnh báo.

Theo luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM), đối với các hành vi tung tin thất thiệt, các cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn trong việc xử lý nguồn phát tin và cả những người tiếp tay tuyên truyền thông tin. “Internet có tốc độ lan truyền rất nhanh, người tiếp nhận thông tin không tỉnh táo dễ tin vào những thông tin thất thiệt kiểu này, gây ra hậu quả vô cùng lớn”, luật sư Thuấn nói. Ví dụ, một thông tin gây hoang mang cho người dân ở một khu vực nào đó, nếu đủ yếu tố có thể cấu thành hành vi gây rối trật tự công cộng; hay việc đưa thông tin, hình ảnh mang tính chất vu khống cá nhân nào đó có thể bị xử lý hành vi làm nhục người khác…

Nói chung, phải xét đến mục đích của đối tượng lan truyền thông tin và hậu quả của thông tin gây ra cho xã hội để xử lý. “Người dân sử dụng mạng xã hội rất nhiều, nên cần cảnh giác với những thông tin thất thiệt, khi chưa có kiểm chứng của cơ quan chức năng, không được vội vã lan truyền thông tin một cách cẩu thả, tiếp tay cho đối tượng phát tán thông tin thất thiệt và bản thân người lan truyền thông tin cũng bị xử lý, tùy theo mức độ”, ông Thuấn cảnh báo.

 Phạm Nguyễn - Vinh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI