Tiết kiệm điện tích cực vẫn đang gặp khó

12/06/2023 - 06:23

PNO - Cả nước đang thiếu điện. Ngành điện đang kêu gọi người dân sử dụng điện tiết kiệm. Tại TPHCM, Tổng công ty Điện lực TPHCM vừa phát động cuộc thi viết về chủ đề “Tiết kiệm điện thành thói quen”.

Tiết kiệm là một đức tính tốt. Tiết kiệm điện là thói quen rất tốt. Nhưng dường như việc kêu gọi tiết kiệm điện chỉ đang tập trung vào đối tượng đầu cuối, là người sử dụng. Ở phía nguồn cung, các chuyên gia vẫn đang hối thúc ngành điện sớm quan tâm đến nguồn năng lượng tái tạo nhằm tránh lãng phí. Nhiều ý kiến đề nghị nâng cấp hạ tầng giúp các dự án điện gió, năng lượng mặt trời ở khu vực miền Trung và các tỉnh có thể sớm hòa lưới điện quốc gia, bổ sung nguồn cung cho nhu cầu điện ngày càng tăng ở TPHCM và cả nước, tránh gây quá tải cục bộ.

Theo tinh thần mà ngành điện kêu gọi, bên cạnh hàng loạt giải pháp, hướng dẫn tiết kiệm được đề xuất cho người dùng đầu cuối, ở góc độ hộ gia đình và doanh nghiệp, chúng ta thấy một thái độ tích cực hơn để hưởng ứng tiết kiệm điện. Đó là đầu tư điện năng lượng mặt trời áp mái tại nhà dân, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ, vừa có khả năng bán lại lượng điện dư cho ngành điện. Chủ trương đã có từ lâu, nhưng trên thực tế số người biết đến giải pháp này không nhiều.

Có người biết thì cũng không rõ phải liên hệ với ai, đăng ký ở đâu? Trao đổi với báo chí, ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển tiết kiệm năng lượng (TPHCM) - cho biết, ngoài truyền thông, tuyên truyền về các chính sách liên quan còn hạn chế, thì vấn đề thủ tục phức tạp, nhiêu khê là một cản trở lớn với người dân và doanh nghiệp muốn tham gia “hòa lưới điện”.

Theo thông tin cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 29/5, có 59/85 chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chưa có giá đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó, 43 dự án đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 40/43 dự án.

Tập đoàn cũng đã có văn bản trình Bộ Công Thương xem xét, thông qua đối với 40/43 chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đề xuất giá tạm. Ngoài ra, có 19 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình và 26 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy. Hiện có 3 dự án đã được công nhận vận hành thương mại (COD) một phần nhà máy hoặc cả nhà máy, với tổng công suất 216,22MW. Tuy nhiên, đây đều là những đơn vị đã thực hiện COD từ trước năm 2021, khi chưa có giá điện. 

Dù EVN, rồi EVNEPTC, đều khẳng định luôn công khai, minh bạch thông tin tình hình thực hiện thủ tục các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Tập đoàn cũng nhiều lần tổ chức hội nghị với chủ đầu tư các dự án để trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, trình tự, thủ tục đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện... Thế nhưng, người dân vẫn khá mơ hồ về một trong những giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả, tích cực này. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI