Tiếng trống lân rộn ràng

25/09/2020 - 15:28

PNO - Chẳng biết có bao nhiêu đội lân biểu diễn trong mùa Trung thu, chỉ biết là đi con đường nào cũng gặp.

Năm ngoái, tôi đón Trung thu ở cái thị trấn nhỏ Quảng Ngãi của mình sau gần hai mươi năm rời quê đi học, đi làm. Khi ấy, tôi những tưởng rằm tháng Tám ở quê cũng buồn tẻ như ở thành phố mình đang sống. Ngạc nhiên thay, sau bao nhiêu năm, Trung thu quê tôi vẫn rộn ràng tiếng trống lân tập tành trước đó cả tháng và đến đúng rằm, người ta lại tràn ra chật đường đứng xem lân. 

Chẳng biết có bao nhiêu đội lân biểu diễn trong mùa Trung thu, chỉ biết là đi con đường nào cũng gặp. Có đội lân chở nhau bằng xe ba gác, đạp chầm chậm quanh phố với cái trống bự đùng, các chú lân và ông địa đã sẵn sàng biểu diễn. Có đội lân là vài cậu bé nhỏ chút xíu đi bộ lòng vòng, cũng xách theo đầy đủ "đạo cụ" tự chế bằng vải và giấy tự cắt may cùng nồi niêu ở nhà.

Có đoàn lân cũng là vài cậu bé xách chiếc ghế đẩu nhựa trùm cái mền mỏng làm đầu lân, phần mền còn dư có hai đứa nhảy vô làm đuôi lân rồi cũng múa may quay cuồng.

Các đội lân cứ thế chạy vòng vòng khua nhạc gióng trống làm rộn rã các con đường nhỏ trong ánh đèn mờ ảo quê tôi. Nụ cười trong trẻo và tiếng trống lân thanh bình đã làm những con đường mỗi đêm đều ánh lên màu vàng buồn bã của xứ miền Trung ấy có thêm niềm vui. 

Các “đội lân chuyên nghiệp” sẽ biểu diễn show hoành tráng ở giữa đường phố, người ta chen nhau xem. Các đội “bán chuyên nghiệp” sẽ vào những ngôi nhà đang mở cửa chào đón lân, xong các “show diễn”, các chú lân lại… ngồi chồm hổm gom mấy đồng tiền lẻ lại, rủ nhau làm ly nước mía, ăn tô bánh canh… Các “đội lân không chuyên” thì lặng lẽ hơn, cả đoàn thay vai liên tục múa cho nhau xem cùng với vài khán giả nhí trong xóm, vậy mà cùng cười nắc nẻ. 

Hồi đó, xóm tôi toàn trẻ con trạc tuổi nhau, thị trấn ít xe cộ nên chúng tôi thoải mái chơi ngoài đường. Bọn con trai chẻ lạt cắt giấy làm lân, lồng đèn, vì làm mới có mà chơi và thường có một chiếc lồng đèn “siêu to khổng lồ” hình tàu thủy để thắp sáng sân khấu.

Bọn con gái lo “phục trang, đạo cụ” để diễn văn nghệ. Sân khấu của chúng tôi là cái sân rộng mênh mông của đội vệ sinh phòng dịch được các cô chú cho mượn. Chúng tôi hát hò, múa lân và diễn đủ các “tuồng”: nào chú Cuội chị Hằng, nào Sơn Tinh - Thủy Tinh…

Nhờ những mùa Trung thu ấy, con bé lơ ngơ là tôi bỗng nhiên có một bài làm văn điểm cao. Trước đó, tôi chưa từng nghĩ mình viết được tròn câu nói chi là giỏi, đề thi kêu tả đêm Trung thu quê em mà tôi còn nhớ như in. Trời ơi, trúng tủ! Những mùa trăng cứ hiện rõ trước mắt tôi và tiếng trống lân từ đâu cứ dội về. Tôi chỉ việc viết liền một mạch.

Giờ ở quê tôi, người ta cũng chạy ngược xuôi biếu nhau quà bánh. Người ta cũng dựng nên chương trình văn nghệ với những sân khấu cảnh trí, đèn đóm sến súa vô cùng. Người ta cho bọn trẻ con xếp hàng lên sân khấu nhận quà. May thay, giữa những trò quá chán của người lớn, lũ trẻ vẫn tự “thành lập”, “bảo tồn” các đội lân mà chơi. Vậy cũng đủ vui rồi. 

Tôi vẫn nghĩ Trung thu là cuộc chơi của lũ trẻ và người lớn không cần bày biện gì cho chúng, chỉ cần thả chúng chơi tự do cùng bạn bè trong xóm sẽ lập tức có ngay trò vui. Bọn trẻ con là vua bày ra những trò chơi vui nổ trời mà. Người lớn có lẽ chỉ cần thong thả nhìn bọn trẻ chơi đùa trong những đêm trăng rằm của chúng. 

An Hiên

 Ảnh: Tam Nguyên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI