Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, nhà khoa học nặng lòng với Sài Gòn

16/04/2015 - 07:44

PNO - PN - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM là một trong nhiều trí thức Việt kiều được UBND TP.HCM mời về góp sức xây dựng đất nước. Ông sinh ra ở Cà Mau, theo gia đình tập kết ra Đồng Hới...

edf40wrjww2tblPage:Content

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp ngành sinh hóa, Nguyễn Quốc Bình về nước giảng dạy tại trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên), rồi làm việc ở phòng thí nghiệm công nghệ sinh học của trường. Sau đó, ông được cử sang Pháp, nghiên cứu sinh về sinh học phân tử và tế bào thực vật tại ĐH Paris 11 trong Chương trình Hợp tác đào tạo cán bộ giữa Việt Nam và Pháp.

Năm 1991, sau khi nhận bằng tiến sĩ, Nguyễn Quốc Bình tiếp tục học và nghiên cứu tại Trường ĐH Laval ở Québec (Canada). Hơn 10 năm nghiên cứu khoa học, giảng dạy và đào tạo tiến sĩ, ông đã thực hiện khá nhiều nghiên cứu về gen trên khoai tây, về các loại gen chống bệnh, tăng năng suất, nghiên cứu chuyển nạp gen để tạo ra giống cây mới… Ông được đánh giá là một trong những người đi đầu trong nghiên cứu chuyển nạp gen trên cây tại ĐH Laval. Vậy rồi, ông quyết định trở về.

Tien si Nguyen Quoc Binh, nha khoa hoc nang long voi Sai Gon

* PV: Thưa TS Nguyễn Quốc Bình, đang ổn định công việc, có thu nhập cao tại trường ĐH Laval, Québec, cơ duyên nào đã khiến ông về nước?

- TS Nguyễn Quốc Bình: Sau khi du học về lại Sài Gòn, cảm nhận đầu tiên của tôi là vùng đất mình đã gắn bó từ năm tháng tuổi trẻ đã thay da đổi thịt, ồn ào náo nhiệt hơn, mật độ xây dựng cũng nhiều hơn với nhiều nhà cao tầng hiện đại, nhiều con đường được mở rộng thêm và rõ ràng đời sống người dân cao hơn trước. Tuy nhiên, tôi nhận ra người Sài Gòn nói riêng, người Việt nói chung, dù năng động, sáng tạo, thông minh nhưng thu nhập vẫn chưa bằng người Nhật Bản, Hàn Quốc…

Quá trình thực hiện các đề tài nghiên cứu với các đồng nghiệp trên thế giới giúp tôi càng hiểu rõ hơn rằng để phát triển một đất nước đầy tiềm năng về nông nghiệp như Việt Nam, cần thiết phải có những chuyên gia về sinh học. Tôi nghĩ quê hương mình mới chính là đất dụng võ lý tưởng nhất, hơn nữa làm việc tại Sài Gòn cũng là sự cống hiến, đền ơn đáp nghĩa với nơi đã tạo điều kiện cho mình du học.

* Được biết, năm 2004, qua sự giới thiệu của một số trí thức trong nước, ông đã được ông Nguyễn Thiện Nhân - thời điểm đó là Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM mời gặp. Ông được đề nghị nhiệm vụ cụ thể ra sao?

- Qua trao đổi, công việc của tôi được UBND TP.HCM yêu cầu là: xây dựng một trung tâm công nghệ sinh học (TTCNSH) tại TP.HCM ngang tầm với các nước trong khu vực, nhưng phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhân lực hiện tại của Việt Nam. Thêm một yêu cầu quan trọng nữa, “30 năm sau, TTCNSH vẫn chưa lạc hậu”. Về lâu dài, TT này phải là một cơ quan nghiên cứu ứng dụng giải quyết các vấn đề chính liên quan đến CNSH của nền kinh tế phía Nam.

Đây thật sự là một nhiệm vụ rất lớn, cũng là một thách thức quan trọng, có thể phải đánh đổi sự nghiệp của tôi. Tôi vẫn chấp nhận, dự tính phải mất từ 5-10 năm và phải dành 100% thời gian cho công việc.

* Trước quyết định táo bạo này, vợ anh có ý kiến ra sao?

- Hầu như người phụ nữ nào cũng thích sự ổn định, không thích thay đổi môi trường sống, công ăn việc làm đã có nền nếp. Tuy nhiên, tôi may mắn được sự ủng hộ của vợ. Chúng tôi bán tất cả tài sản, để lại hai đứa con lớn ở Canada, đưa đứa nhỏ (11 tuổi), khăn gói trở về Sài Gòn... Tôi xác định phải ở lại Sài Gòn để xây dựng TTCNSH cho bằng được.

* TTCNSH tại TP.HCM do ông xây dựng có gì khác với các TT đã có trước đó?

- Dựa trên mô hình thành công của Viện CIGB (Viện Di truyền và CNSH Cuba), Viện CNSH Armand Frapper (Québec, Canada), Viện nghiên cứu về CNSH Riken (Nhật Bản), Viện CNSH của Sakatchewan (Canada), Viện CNSH cây trồng (Paris, Pháp)…, tôi đã mạnh dạn đề xuất một TT theo mô hình mới đầu tiên tại Việt Nam: “Kết hợp tất cả lĩnh vực về sinh học vào chung một nơi”. Đây là một viện nghiên cứu kết hợp hầu hết các lĩnh vực khoa học về CNSH: y tế, nông nghiệp, thủy sản, môi trường…

Có thể nói ngắn gọn, sự vận hành của TT này là thực hiện các chức năng: nghiên cứu - sản xuất thử - chuyển giao công nghệ - và cuối cùng phải đem lại hiệu quả kinh tế. Và, sau 10 năm, tôi tự hào khẳng định rằng, dự án TT của chúng ta đang xây dựng tại Sài Gòn không thua kém gì những TTCNSH hiện đại nhất của Singapore và Thái Lan về tầm vóc cũng như chiến lược phát triển.

* Việc xây dựng một TT nghiên cứu khoa học không thể tách rời yếu tố con người…

- Đúng vậy, mô hình đang tiến hành, tôi cũng đã xây dựng một kế hoạch đào tạo nhân sự - đã được Thành ủy ủng hộ và UBND TP.HCM đã thông qua. Phải khẳng định rằng, những trí thức trẻ Sài Gòn rất hiếu học, ham thích tìm tòi các công nghệ tiên tiến. Sau khi được TT đào tạo kỹ thuật về CNSH, họ đã đáp ứng được yêu cầu công việc.

Ngoài ra, tôi cũng đã thiết lập nhiều quan hệ hợp tác đào tạo tại các trường tiên tiến ở Canada, Nhật Bản, Úc, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Mỹ… Đến nay, TT đã gửi đi đào tạo khoảng 40 tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài và cũng khoảng số lượng đó được đào tạo trong nước.

* Ông và các cộng sự ở TTCNSH đã có những công trình nghiên cứu khoa học gì mang lại hiệu quả kinh tế?

- Công việc chuyên môn rất nhiều, chỉ xin nhấn mạnh, chúng tôi đã đăng ký bản quyền “Tạo vi khuẩn nhược độc đột biến gen Wzz làm vắc-xin kháng bệnh gan thận mủ cho cá tra”. Đây là loại vắc-xin dành cho cá tra đầu tiên của thế giới và được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Hiện nay, bệnh cá tra ở Việt Nam có thể gây tổn thất 20% sản lượng. Khi vắc-xin này được ứng dụng rộng rãi, mỗi năm nguồn lợi mang lại cả ngàn tỷ đồng nhờ giảm được khoản chi phí mua kháng sinh, các loại thuốc cho cá.

Khi thực hiện đề án “Nghiên cứu triển khai công tác cấy truyền phôi bò sữa đã xác định giới tính trên địa bàn thành phố”, TT đã xây dựng thành công quy trình tạo phôi bò in vitro, sinh thiết phôi và xác định giới tính phôi, giúp chủ động được giới tính phôi bò trước khi cấy ghép, góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Thêm một sản phẩm nữa là thuốc Interferon chữa bệnh cho người. Cách đây hai-ba năm, ở Việt Nam, giá mỗi mũi tiêm Interferon lên đến bốn triệu đồng. Dự kiến khi TT sản xuất thì chỉ có giá 500.000đ...

Các nghiên cứu này từng bước giải quyết được những khó khăn về sản xuất của Việt Nam trong sự phát triển kinh tế nói chung.

* Sau những năm tháng trở về nước làm việc, ông có thể chia sẻ cảm nhận?

- Ngay sau khi về Sài Gòn - một vùng đất năng động, được làm việc với các cộng sự trí thức, mạnh dạn tiếp nhận cái mới… tôi cảm thấy hài lòng. Hơn nữa, một trong những điều khiến tôi hạnh phúc, ấm áp là người Sài Gòn vẫn hào hiệp, phóng khoáng như thuở nào. Thời đi dạy học, tôi đã gặp các em sinh viên chuyên cần tìm kiếm thông tin, khát khao đổi đời qua việc học, thì nay các trí thức trẻ làm việc tại TT vẫn thế. Tính cách hiếu học này rất đáng quý, đáng trân trọng mà người Sài Gòn vẫn giữ bền qua năm tháng.

Các bạn bè trong nước và nước ngoài cứ nói không hiểu tại sao chúng tôi đang định cư ở nước ngoài lại trở về Việt Nam, tôi chỉ cười và nói rằng: “Ở đây tôi có mọi thứ để sống và hơn nữa, ở đây mỗi khi ra đường mọi người đều nhìn tôi với ánh mắt thân thiện và tôn trọng. Ở đây, tôi mới thấy mình là chủ của đất nước mình".

* Xin cảm ơn ông.

 HUYỀN SƯƠNG thực hiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI