Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, bệnh viện làm “tâm lý” cho nhân viên

20/05/2021 - 06:03

PNO - Các bệnh viện tại TPHCM có nhiều cách làm hay nhằm giúp nhân viên y tế yên tâm hơn khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Tính đến ngày 15/5/2021, cả nước đã tiêm 977.032 liều vắc-xin theo đối tượng ưu tiên. Trong này, số người được tiêm đủ hai mũi là 22.512. Tuy nhiên, để tạo miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần phải tiêm đến 150 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19. 

Trước đó, từ ngày 8/3/2021, 377 người đầu tiên đã được tiêm ngừa, gồm có các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng. 

Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế Bệnh viện Da liễu TP.HCM
Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế Bệnh viện Da liễu TPHCM

“Những thông tin về các phản ứng phụ khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 có làm mọi người lo lắng. Có người cũng e ngại tình trạng bị rối loạn đông máu hoặc rơi vào sốc phản vệ. Nhưng thật ra, nếu tìm hiểu kỹ thì bất cứ loại vắc-xin nào cũng có thể gây ra các phản ứng bất lợi, dù là tỷ lệ rất thấp, kể cả với thuốc kháng sinh”, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho hay.

Nắm bắt được tâm lý có phần lo lắng của anh em nên trước khi bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, ông tìm cách động viên mọi người, từ những lần trò chuyện thân tình cho đến những buổi chào cờ đầu tuần, giao ban bệnh viện… 

Sau khi tâm lý mọi người đã ổn định, việc tiêm vắc-xin mới tiến hành. Đồng thời, bệnh viện yêu cầu mọi người được tiêm luân phiên. Ví dụ một khoa, phòng thì 1/3 người được tiêm vắc-xin để 2/3 người còn lại có thể duy trì hoạt động khám chữa bệnh. Ngoài 30 phút theo dõi tại chỗ, người tiêm vắc-xin được sắp xếp ở lại nghỉ ngơi ít nhất sáu giờ đồng hồ ngay tại bệnh viện. Điều này giúp mọi người yên tâm hơn vì nếu có gì bất ổn, sẽ được xử trí kịp thời.

Đến nay, tỷ lệ nhân viên y tế tiêm vắc-xin AstraZeneca tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh lên đến trên 93%. Những trường hợp không tiêm rơi vào các ca tạm chống chỉ định như đang mang thai, cho con bú hoặc đang tiêm một loại vắc-xin khác. 

Còn tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết, những nhân viên sau khi được tiêm vắc-xin đều được yêu cầu phải ở lại bệnh viện ngày hôm đó. Trong thời gian này, cứ bốn giờ sẽ được kiểm tra sức khỏe một lần để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Theo bác sĩ Khanh, việc tiêm vắc-xin COVID-19 là điều mà nhân viên y tế phải nên thực hiện. Vì cho đến thời điểm hiện tại, đây là cách duy nhất để ngăn chặn sự bùng phát của virus SARS-CoV-2. Nếu còn làm công việc của một thầy thuốc thì phải chấp nhận tiêm vắc-xin, vì không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân mà còn bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, bệnh nhân. 

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, những người sau khi được tiêm đủ hai mũi vắc-xin còn được xét nghiệm để xác định cơ thể đã tạo được kháng thể trước virus SARS-CoV-2 hay chưa. Đây là điều mà nhiều bệnh viện khác tại TPHCM chưa thực hiện. Những người được tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho biết, nếu bệnh viện thực hiện việc này sẽ giúp họ cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, thành phố tiêm 9.155 liều vắc-xin ngừa COVID-19 trong đợt 1, tiêm 63.836 liều trong đợt 2. Trong đó, phát hiện một trường hợp sốc phản vệ vào ngày 10/5/2021, còn lại đều ổn định. 

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ, cho biết, sốc phản vệ là trường hợp nguy hiểm, hiếm gặp, có thể xảy ra trong việc tiêm vắc-xin nói chung và vắc-xin COVID-19 nói riêng. Trong trường hợp vắc-xin của AstraZeneca, dựa trên các số liệu khoa học cho đến nay, ngoài nguy cơ đông máu hiếm gặp thì nguy cơ sốc phản vệ (cả hai có tỷ lệ khoảng 20 người trên 1 triệu người) cần được quan tâm.

Tuy các tỷ lệ này được coi là rất thấp, lợi ích của việc tiêm vắc-xin vẫn hơn rất nhiều so với nguy cơ mắc bệnh COVID-19 trong cộng đồng nên vắc-xin của AstraZeneca vẫn đang được chấp nhận sử dụng ở nhiều nước trên thế giới. 

Để hạn chế tối đa các trường hợp đáng tiếc này, các cơ quan tiêm vắc-xin nên có kế hoạch sàng lọc người dễ bị dị ứng, nhằm loại ra những người có dị ứng nặng, đặc biệt dị ứng các thành phần có trong vắc-xin, kéo dài thời gian quan sát y tế đối với người có tiền sử dị ứng nhẹ sau khi tiêm. Đồng thời, có kế hoạch cấp cứu kịp thời cho những ca sốc phản vệ hoặc đông máu nếu xảy ra. 

Hiếu Nguyễn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI