Thuốc giải 8.000 USD chỉ hiệu quả với bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay trong 7 ngày đầu

03/09/2020 - 20:44

PNO - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định loại thuốc antitoxin để điều trị cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum chỉ có hiệu quả điều trị trong một tuần đầu.

 

Một bệnh nhân ngộ độc Pate Minh Chay tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Một bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Ngày 2/9, bác sĩ Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM đã có văn bản báo cáo về chùm ca bệnh nghi ngộ độc Botulinum sau khi ăn pate Minh Chay đang điều trị tại đơn vị này.

Theo đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 6 bệnh nhân chuyển đến từ các tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Các bệnh nhân này đều có biểu hiện bệnh giống nhau như: nôn ói, đau thượng vị, khó thở, suy hô hấp, sụp mí, yếu chân tay, không sốt, không rối loạn tri giác… và đều khai có ăn pate Minh Chay trước đó 1 – 2 ngày.

Ngày 24/8/2020, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức hội chẩn gồm những bác sĩ đầu ngành các chuyên khoa hồi sức, chống độc cùng với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Quân Y 175, PGS Trần Quang Bính - nguyên Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Chợ Rẫy và đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM.

Qua buổi hội chẩn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng thông tin có tiếp nhận điều trị 3 bệnh nhân trong cùng 1 gia đình tại Long An với đặc điểm lâm sàng cũng giống như 6 trường hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tại buổi hội chẩn, các bác sĩ đã kết luận các bệnh nhân trên bị ngộ độc Botulinum. Cấy mẫu pate Minh Chay còn ăn dở của tất cả bệnh nhân đều cho kết quả dương tính với vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, thuốc antitoxin điều trị độc tố Botulinum hiện không có trên thị trường thuốc trong nước. Do thuốc chỉ có hiệu quả điều trị trong 1 tuần đầu đối với bệnh nhân bị ngộ độc nên cần phải nhập trước để dự phòng nếu có nguy cơ xuất hiện các trường hợp mới.

Trước thực tế này, Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, bằng nghiệp vụ chuyên môn cần xác định nguyên nhân và có biện pháp can thiệp kịp thời.

“Nếu xác định được nguyên nhân và nguy cơ còn xuất hiện trường hợp ngộ độc mới thì đề nghị Bộ Y tế xem xét cho nhập thuốc antitoxin dự phòng để có thể kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân” - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã nhập thuốc điều trị ngộ độc Botulinum từ Thái Lan để cứu chữa cho 2 bệnh nhân nặng. Theo đại diện Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, mỗi lọ thuốc giải độc này có giá khoảng 8.000 USD.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI