Thuốc diệt chuột bị cấm vẫn bán nhan nhản trên mạng

20/03/2024 - 13:41

PNO - Gần đây, các bệnh viện liên tiếp cảnh báo về việc đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc do các loại thuốc chuột cực độc đã bị cấm lưu hành gây ra.

Hàng cấm vẫn bán ngang nhiên

Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin đã cấp cứu cho một bệnh nhi (13 tuổi, ngụ TP Hà Nội) nhập viện do bị ngộ độc thuốc chuột. Trẻ có tiền sử mắc bệnh trầm cảm và từng mang ý nghĩ tự sát. Trước khi vào viện 2 ngày, trẻ uống 2 tuýp thuốc diệt chuột có màu hồng, không rõ nguồn gốc, tự đặt mua trên một trang thương mại điện tử. Sau khi uống, bệnh nhi nôn nhiều, chóng mặt… và được đưa đi cấp cứu.

Một trẻ ngộ độc được điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương
Một trẻ ngộ độc được điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương

Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng - Phó khoa Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho hay, trẻ nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân và được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột natri fluoroacetat. Đây là loại thuốc kịch độc, đã bị cấm lưu hành vì gây nguy hiểm tới tính mạng. 

Trước đó, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt chuột natri fluoroacetat. Ngoài ra, đơn vị này còn phát hiện một bệnh nhân 34 tuổi bị ngộ độc một loại thuốc chuột đã bị cấm lưu hành trên thị trường hơn 20 năm. Sản phẩm này chứa tetramine (tên đầy đủ tetramethylenedisulfotetramine).

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - loại hóa chất diệt chuột này có nguồn gốc từ Trung Quốc và phổ biến ở miền Bắc trước đây. Do có độc tính quá mạnh nên đã bị cấm ở các nước, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc vào khoảng năm 2003.

Dù vậy, trên một trang thương mại điện tử, loại thuốc diệt chuột chứa chất cấm tetramine được giới thiệu là hàng nội địa Trung Quốc, chào bán với mức giá từ 5.000-9.000 đồng/gói. Trên bao bì có hình ảnh 2 con chuột màu xám và chi chít tiếng Trung Quốc.

Theo người phân phối, có thể tẩm thuốc vào thóc, gạo và nhử chuột ăn. Sau khi ăn từ 2-5 phút, 95 - 100% chuột sẽ chết. Tương tự, thuốc diệt chuột chứa natri fluoroacetat có dạng nước màu hồng, đóng trong ống nhựa trong cũng được quảng cáo là hàng loại 1, có tác dụng diệt chuột ngay tại chỗ. Nhiều chủ shop còn cho hay, các loại thuốc diệt chuột chậm, có tác dụng sau 3-4 ngày thường không diệt được chuột lớn. Do đó, loại sản phẩm cực độc này sẽ đảm bảo diệt được tất cả loại chuột, dễ trộn mồi vì ở dạng dung dịch… 

Diệt chuột, diệt cả… tính mạng con người

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, hơn 20 năm trước đây, có những vụ việc vô cùng đau lòng do sử dụng thuốc diệt chuột tràn lan dẫn tới lẫn vào thức ăn. Có gia đình đang ăn cơm thì tất cả ngã ra và co giật. Do việc xét nghiệm độc chất trước đây còn khó khăn nên các vụ ngộ độc ban đầu thường cho là bí hiểm, thậm chí được thêu dệt và mang tính mê tín dị đoan. Biến chứng nặng nề khiến khoảng 50% người nhiễm độc tử vong, phần lớn ngay tại gia đình hoặc trên đường tới bệnh viện. 

2 loại thuốc diệt chuột kịch độc có chứa chất cấm song vẫn được bán nhan nhản trên mạng
2 loại thuốc diệt chuột kịch độc có chứa chất cấm song vẫn được bán nhan nhản trên mạng

Sau khi thuốc diệt chuột chứa tetramine bị cấm và suốt một thời gian dài, số ca ngộ độc do sản phẩm này đã giảm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sản phẩm này đã quay trở lại và được mua bán dễ dàng trên mạng. Tetramine khi đi vào cơ thể gây rung thất (mức độ loạn nhịp tim chết người), viêm cơ tim, suy tim cấp tính, tổn thương não, co giật… nạn nhân rất dễ tử vong.

Do đó, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên đề nghị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm việc nhập lậu, kinh doanh các hóa chất diệt chuột nêu trên.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, khi ăn hay uống phải thuốc diệt chuột có thành phần natri fluoroacetat, người bệnh sẽ có thể có hiện tượng co giật, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hôn mê, tổn thương hệ thần kinh, suy thận, suy gan… dẫn đến tử vong.

Ông rất bức xúc vì đây là loại thuốc cần được kiểm soát, nhưng thực tế, người dân có thể dễ dàng mua trên mạng, các sàn thương mại điện tử. Ông nói: “Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm trên mạng sẽ dễ dàng tìm thấy nhan nhản các sản phẩm với đủ các mức giá, xuất xứ khác nhau và có thể mua đơn giản vì không kiểm định đối tượng mua hàng, không kiểm soát đối tượng bán hàng… Fluoroacetat là thuốc diệt chuột đã bị cấm lưu hành nhiều năm nhưng lại được đóng gói dưới dạng thuốc diệt chuột được phép lưu hành hiện nay”.

Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng nhấn mạnh: việc mua bán một cách dễ dàng cũng như sử dụng không an toàn, không đúng mục đích thuốc diệt chuột bị cấm rất dễ gây ra ngộ độc. Đáng lưu tâm, trong số nhiều ca ngộ độc thuốc chuột mà bệnh viện tiếp nhận, ngoài các trường hợp ăn, uống nhầm, một số trẻ còn sử dụng cho mục đích tự tử, dẫn đến tổn thương nặng nề, nguy kịch tính mạng.

 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI