Thuốc diệt chuột Trung Quốc tái xuất giang hồ

29/12/2017 - 15:00

PNO - Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây là vấn đề nằm ngoài thẩm quyền và trách nhiệm quản lý của mình.

Mới đây, khi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đưa ra cảnh báo về tình trạng tái xuất của loại thuốc diệt chuột Trung Quốc cực độc thì Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lại cho rằng, đây là vấn đề nằm ngoài thẩm quyền và trách nhiệm quản lý của mình.

Thuoc diet chuot Trung Quoc tai xuat giang ho
Các mẫu thuốc diệt chuột được lưu tại Bệnh viện Bạch Mai (ảnh do bệnh viện cung cấp)

Ngày 28/12, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ (23 tuổi, Bắc Giang) ngộ độc thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc, nhập viện trong tình trạng kích thích, co giật. Dù các bác sĩ đã áp dụng các biện pháp giải độc, lọc máu, máy thở nhưng bệnh nhân vẫn hôn mê, tiên lượng vô cùng “dè dặt”.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc, đây là ca thứ ba trong hai tháng gần đây bị ngộ độc thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc, một trường hợp đã tử vong. Các bệnh nhân đều có biểu hiện giống như triệu chứng ngộ độc một loại thuốc đã bị cấm lưu hành ở Việt Nam từ 10-20 năm trước, trong đó có hoạt chất Trifluoroacetate hoặc Trifluoroacetamide.

Những mẫu thuốc chuột mà Bệnh viện Bạch Mai thu thập được là các loại ống thủy tinh chứa dung dịch màu trắng, màu đỏ, hoặc dạng hạt gạo có màu hồng bắt mắt. 

Tài liệu y khoa cho thấy, các triệu chứng thường xuất hiện ngay trong giờ đầu, có thể sớm trong 10 phút hoặc muộn đến 20 giờ. Bệnh nhân thường có biểu hiện về tiêu hóa, đầu tiên là buồn nôn, tiêu chảy. Chất độc này tác động cả thần kinh và cơ nên gây hiện tượng co giật toàn thân, trường hợp co giật nhiều sẽ giống trạng thái động kinh. 

Thuốc đưa vào cơ thể trong lúc đói càng gây độc nhiều hơn, bệnh nhân có thể ngạt thở, sặc phổi hoặc rơi vào hôn mê sâu, thoái hóa tiểu não… Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên còn nhấn mạnh, Trifluoroacetate và Trifluoroacetamide gây rối loạn nhịp tim và dẫn đến tử vong rất nhanh ở người ăn nhầm hay cố ý.

Thuoc diet chuot Trung Quoc tai xuat giang ho
 

Trước nguy cơ chết người từ thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc này, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, việc gần đây loại thuốc này quay lại thị trường là rất nguy hiểm, đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra và cấm lưu hành. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Trifluoroacetate hoặc Trifluoroacetamide không có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.

Nói cách khác, đây không phải là thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, việc kiểm soát loại thuốc này nằm ngoài thẩm quyền của Cục Bảo vệ thực vật. Khi chúng tôi đặt vấn đề, dù không nằm trong danh mục nhưng khi loại thuốc này xuất hiện ở Việt Nam, trách nhiệm quản lý của ngành như thế nào, ông Trung lại cho rằng, chưa chắc các hóa chất này được sử dụng để diệt chuột.

Theo ông Trung, khi nói về hóa chất, nhiều người thường nghĩ đến thuốc bảo vệ thực vật nhưng thực tế lại sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác. Cụ thể, như Trifluoroacetate hoặc Trifluoroacetamide, có thể được sử dụng trong các lĩnh vực dung môi công nghiệp, trong các phương pháp phân tích hóa học hoặc làm chất trung gian để tổng hợp các hoạt chất khác... 

Cũng cho rằng Trifluoroacetate và Trifluoroacetamide là hai hoạt chất không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật bị cấm hay cho phép được sử dụng tại VN, nhưng ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) lại khẳng định, thuốc diệt chuột trong ống tiêm hay dạng hạt gạo đỏ là hàng nhập lậu từ Trung Quốc.

Trên thế giới chỉ có Trung Quốc sử dụng hoạt chất này làm thuốc diệt chuột. Nhiều năm trước, loại thuốc “cổ điển” này có sử dụng tại Việt Nam nhưng vài năm trở lại đây, với sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng chức năng, ở Hà Nội, Thái Bình, Nam Định… đã không còn “bóng dáng” loại thuốc này. “Loại thuốc này có thể chỉ còn xuất hiện tại một số khu vực miền núi giáp ranh với Trung Quốc”, ông Hồng nhận định. 

Trước thực tế thuốc diệt chuột từ các hoạt chất cực độc đang xuất hiện trên thị trường VN, thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật khiến mọi người thật sự hoang mang, vì như vậy thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát và ngăn chặn thứ sản phẩm nguy hiểm chết người này? 

Huyền Anh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI