9X kiếm hơn 700 triệu đồng mỗi năm nhờ son gấc

07/09/2017 - 10:30

PNO - Với số vốn khởi nghiệp 'rất sinh viên' chỉ 2,7 triệu đồng, Vinh Nữ Diệu Mơ - cô gái nhỏ nhắn đất Tây Nguyên đã kiếm hơn 50 triệu đồng mỗi tháng nhờ làm son môi từ trái gấc.

Dù có rất nhiều bạn trẻ quyết định khởi nghiệp từ sản phẩm thủ công nhưng không phải ai cũng thành công như Vinh Nữ Diệu Mơ – doanh nhân 9x với thu nhập vài trăm triệu mỗi năm.

Ra mắt sản phẩm son môi làm từ quả gấc thời điểm 2015 đến nay, không ít lần sản phẩm của Vinh Nữ Diệu Mơ đã gặt hái thành công tại các cuộc thi dành cho start-up. Đặc biệt, từ một sản phẩm thủ công làm hoàn toàn bằng tay, giờ đây, Diệu Mơ quyết định sẽ mở rộng mô hình sang hướng công nghiệp bằng cách xây dựng nhà xưởng và thuê thêm nhân công.

Từ đôi môi nứt nẻ của mẹ...

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất ngập nắng gió Gia Lai, Diệu Mơ từng không ít lần thấy khổ sở vì cảm giác đau rát khi da môi bong tróc vào mùa đông. Những lúc ấy, chính mẹ của Diệu Mơ đã chỉ cho cô cách sử dụng loại dầu gấc để bôi vào môi chống nứt nẻ. Kỉ niệm ấy đã theo chân Diệu Mơ trong suốt quãng đường học tập cho đến khi tiếp xúc với ngành học Kỹ thuật môi trường tại đại học Bách Khoa TP.HCM.

9X kiem hon 700 trieu dong moi nam nho son gac
Dự án son gấc Di Mô đã được Diệu Mơ triển khai vào tháng 3/2015 với số vốn ban đầu là 2,7 triệu đồng. Ảnh: NVCC.

“Chuyên ngành của mình liên quan đến phân tích chất lượng nước, không khí, chất rắn… Nghe có vẻ không liên quan đến việc mình nghiên cứu công thức sản xuất một cây son, nhưng thực tế thì mình ứng dụng rất nhiều kiến thức từ những buổi thí nghiệm trong lab”, Diệu Mơ kể lại.

Vốn ham học, Diệu Mơ thường lẻn vào những buổi học tại phòng lab về sản xuất thực phẩm, mỹ phẩm của trường (khoa Hóa) để tích lũy thêm kiến thức. “Có hôm bất chợt nhớ lại đôi môi nứt nẻ của mẹ, mình nảy ra ý định sẽ thực hiện một sản phẩm làm hoàn toàn từ thiên nhiên nên sản phẩm son môi từ gấc cũng ra đời từ đó”, Diệu Mơ chia sẻ.

Dự án son gấc Di Mô đã được Diệu Mơ triển khai vào tháng 3/2015 với số vốn ban đầu là 2,7 triệu đồng. Thời điểm bắt đầu, Diệu Mơ phải rảo quanh khắp các chợ bán nguyên liệu tinh chế mỹ phẩm để đặt mua. Chia sẻ về thời điểm khó khăn nhất, Diệu Mơ kể lại bản thân từng “vét sạch” túi để lùng mua nguyên liệu làm son và quá trình tinh chế dầu gấc cũng khiến Diệu Mơ loay hoay một thời gian dài.

9X kiem hon 700 trieu dong moi nam nho son gac
​Cựu nữ sinh viên Bách Khoa TP.HCM kiếm tiền từ làm son thủ công. Ảnh: NVCC.

“Với nguyên liệu chính là dầu gấc, ban đầu mình mua số lượng ít từ hàng xóm ở Gia Lai. Mình tự tách lấy thịt và đun trên bếp gas để chiết dầu nhưng thành phẩm nhanh biến chất và hiệu suất không cao. Có những lúc muốn sản xuất số lượng lớn thì lại khan hiếm nguyên liệu… Bây giờ thì dầu gấc mình nhập từ một xưởng chiết tách ở Bình Định với dây chuyền chiết tách bằng máy ép nên sản lượng và chất lượng ổn định hơn”, Diệu Mơ tâm sự.

Ngoài dầu gấc, cô gái 9X này còn sử dụng khá nhiều nguyên liệu trong quá trình sản xuất một cây son thành phẩm như dầu hạnh nhân, dầu quả bơ, dầu argan… Các nguyên liệu này phải mất quá trình lâu dài để tìm hiểu thị trường và đặt mua nguyên liệu hoàn toàn thiên nhiên.

Tất cả những loại dầu để tinh chế son đều được nhập trong nước, thông qua các thương hiệu lớn trung gian. Riêng màu khoáng - thành phần quyết định chất son nên phải đặc biệt nhập từ đối tác chuyên phân phối hàng Mỹ.

9X kiem hon 700 trieu dong moi nam nho son gac
Dầu gấc có công dụng dưỡng môi khá tốt vào mùa lạnh tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh: NVCC

Mẻ son đầu được Diệu Mơ chào bán tại các quán ăn, quán cà phê, địa điểm tụ tập của giới trẻ. May mắn, nhờ khả năng quảng giao, son môi của Diệu Mơ được đón nhận nhiệt liệt và nhận được nhiều lời góp ý tích cực của khách hàng.

Hơn nửa năm hoạt động tại 5 chi nhánh là TP.HCM, Hà Nội, Bình Định, Gia Lai và Buôn Ma Thuột, dự án đã mang về cho Diệu Mơ mức lợi nhuận đủ để duy trì mô hình. Thời điểm hiện tại, sau nhiều lần mở rộng và tuyển cộng tác viên, son môi Di Mô đã lan tỏa toàn quốc và giúp thu nhập của Diệu Mơ lên đến 700 triệu đồng/năm. “Đến nay, mình tự nghiên cứu và thương mại 3 dòng sản phẩm gồm son màu, son dưỡng không màu và son dưỡng dầu gấc. Mỗi sản phẩm trung bình có giá 160.000 đồng/cây”, Diệu Mơ tự hào chia sẻ.

Mỹ phẩm handmade: rào cản về chỗ đứng trên thị trường

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện tại của thương hiệu son gấc lại đến từ giá thành và niềm tin của khách hàng với những sản phẩm handmade. Chính vì mang danh sản phẩm thủ công nên son môi Di Mô chưa có chỗ đứng lâu bền trong thị trường nội địa.

Chị Thùy Dung (chủ một thương hiệu nhập khẩu son môi tại TP.HCM) sau quá trình sử dụng son môi từ trái gấc lại cho rằng, điều khó khăn nhất trong quá trình định vị sản phẩm là thoát khỏi hình ảnh của một cây son thủ công.

“Mức giá 160.000 đồng cho một cây son dưỡng thì quả là đắt đỏ. Chưa kể, hạn sử dụng khá ngắn trong khi đặc thù của mỹ phẩm là có thời gian sử dụng từ 4 năm trở lên. Điều này khiến loại son thiên nhiên này bị giới hạn đối tượng tiếp cận”, chị Thùy Dung nói.

9X kiem hon 700 trieu dong moi nam nho son gac
Những thỏi son được làm từ trái gấc có giá bán 160.000 đồng. Ảnh: NVCC

Cùng suy nghĩ với chị Thùy Dung, bạn Hồng Nga (quận 9) sau một khoảng thời gian sử dụng son môi từ quả gấc thì khá ưng ý chất lượng. “Tuy nhiên vì là sản phẩm handmade nên chắc chắn có nhiều hạn chế. Mình nghĩ rằng nếu sản xuất với quy chuẩn nghiêm ngặt hơn thì sẽ mở rộng thị trường tốt”, Hồng Nga nói thêm.

Trước việc sản phẩm handmade luôn bị e dè về chất lương, Diệu Mơ cho hay sản phẩm son gấc không chứa chì và không sử dụng chất bảo quản nên mức độ an toàn rất cao. Tuy nhiên, thời gian bảo quản son chỉ kéo dài được khoảng một năm nên cô gái này đang định hướng nâng tầm loại son handmade theo hướng chuyên nghiệp.

“Trước giờ mọi người biết đến Di Mô như một dòng son gấc handmade do sinh viên làm ra nên họ không yên tâm về chất lượng. Do đó, mình quyết định mang sản phẩm đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 (gọi tắt là QUATEST 3) kiểm định chất lượng. Họ xác nhận thành phần kim loại như thuỷ ngân, asen, chì… đều ở mức an toàn”, Diệu Mơ khẳng định.

Đồng thời, Diệu Mơ cũng nhận được nhiều lời gợi ý và hỗ trợ để mở rộng quy mô theo hướng công nghiệp, nữ doanh nhân trẻ đã quyết định thuê thêm nhà xưởng và nhân công trong thời gian tới.

“Mình chưa đủ vốn đầu tư nhà xưởng nên phải thuê một đơn vị gia công, đồng nghĩa giao công thức và quy trình sản xuất cho họ. Hiện, chi phí đầu tư một dây chuyển sản xuất có thể cung cấp cho thị trường nội địa lên đến 3-4 tỷ đồng, chưa kể việc xin giấy phép sẽ phát sinh nhiều vấn đề nên dù không muốn đưa công thức ra ngoài nhưng điều kiện bắt buộc phải như vậy”, Diệu Mơ chia sẻ về khó khăn hiện tại.

Diệu Mơ khẳng định việc thay đổi quy mô sản xuất là yêu cầu tất yếu trong thời điểm này, khi mà lượng khách hàng tăng đột biến. Mặc dù bản thân đủ khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm chất lượng hơn nữa, nhưng do không ít người cho rằng đây là sản phẩm handmade nên vẫn còn khá e dè.

"Do đó, mình muốn định vị lại thương hiệu để nâng tầm cho son gấc Di Mô”, Diệu Mơ cho hay.

Mộc Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI