Thủ tướng yêu cầu tập trung ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn

22/05/2020 - 10:49

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên cùng các bộ, ngành liên quan về việc tập trung ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn.

Từ đầu năm đến nay, lượng mưa tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên bị thiếu hụt nghiêm trọng, thấp hơn từ 20-90% so với trung bình cùng kỳ trong nhiều năm, riêng Ninh Thuận và Bình Thuận hầu như không mưa. Thiếu nước gay gắt đã xảy ra ở một số địa phương; lượng nước tại hồ chứa thủy lợi, thủy điện chỉ còn 20-60% dung tích thiết kế, riêng Ninh Thuận và Bình Thuận dưới 20%, thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn nước.

Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, thời gian tới lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt từ 20-60%, một số sông thiếu hụt trên 70%, một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc, hạn hán có thể còn kéo dài đến hết tháng 8 năm 2020, nguy cơ thiếu nước trên diện rộng, ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tại khu vực duyên hải miền Trung, nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ.

Ông Hồ Long - một nông dân xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - ngồi giữa thửa đất ruộng nứt nẻ do nắng hạn kéo dài - Ảnh: Thuận Hóa
Ruộng đồng nứt nẻ do nắng hạn kéo dài - Ảnh: Thuận Hóa

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá nguồn nước trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước nhằm phòng, chống hạn hán.

Trong đó, các địa phương phải ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi gia súc và tưới cây công nghiệp lâu năm, các vùng đã sản xuất; rà soát, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch vận hành cụ thể từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo tổ chức nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi. Đồng thời, các cơ quan này phải đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến.

Việc vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước cũng cần được ưu tiên.

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần chủ động bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và tăng cường sử dụng các nguồn điện, ưu tiên dành nước của các hồ chứa thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ động hướng dẫn người dân các kỹ năng để bảo vệ sức khỏe khi nắng nóng gay gắt kéo dài. Lực lượng y tế cơ sở phải chủ động kiểm tra, giám sát, hướng dẫn nhân dân bảo đảm an toàn môi trường, tránh bùng phát dịch bệnh do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn, đặc biệt là tình hình mưa, dòng chảy, kịp thời cung cấp thông tin về khí tượng, thủy văn  phục vụ chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chỉ đạo công tác thông tin, truyền thông để người dân nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

An Sinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI