Thu phí BOT đến tận xã, người dân đành… đi bộ qua cầu

15/02/2017 - 12:10

PNO - Trạm thu phí BOT dày đặc trên quốc lộ, tỉnh lộ trong cả nước đang là nỗi ngán ngẩm của người dân.

Trước áp lực của dư luận, cuối năm 2016, Bộ Giao thông vận tải đã cho mời kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra trạm nào cố tình kéo dài thời gian thu khi đã hết hạn. Trong khi việc này đang tiến hành, tại Ðồng Tháp lại xuất hiện kiểu thu lạ đời: Thu phí BOT qua cầu đến tận xã, với nhiều cách thu... độc đáo.

Từ kiểu thu phí kỳ quái trên, một lần nữa cho thấy, tư duy “tận thu” vẫn đang tiếp tục diễn ra bất chấp điều đó là “tận diệt” sức dân.

Thu phi BOT dén tạn xã, nguoi dan danh… di bo qua cau
Nhân viên thu phí chỉ thu tiền mặt theo lượt, không phát hành vé

Hơn 10 năm qua, hàng ngàn hộ dân hai xã Phong Mỹ, Tân Nghĩa và các xã lân cận của huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp phải “chịu trận” với nhiều quy định tréo ngoe do đơn vị thu phí cầu Tân Nghĩa đặt ra. Trong khi những bất cập, khuất tất trong việc khai thác thu phí cầu Tân Nghĩa chưa được giải quyết thì UBND tỉnh Đồng Tháp lại ra văn bản cho phép đơn vị thu phí nâng mức phí lên gấp ba lần.

Quy định tréo ngoe

Cầu Tân Nghĩa bắc qua sông Nguyễn Văn Tiếp nối liền hai xã Phong Mỹ và Tân Nghĩa (huyện Cao Lãnh) được làm theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do Công ty TNHH BOT xây dựng Đồng Tháp làm chủ đầu tư với mức đầu tư khoảng 5 tỷ đồng. Công trình này được khởi công vào năm 2004 và đưa vào sử dụng từ năm 2005. Đây là dự án có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên,  việc thu phí qua cầu đã bộc lộ khá nhiều bất ổn.

Ông H. ngụ xã Phong Mỹ cho biết: “Ban đầu, chúng tôi nhận được thông tin là đơn vị đầu tư sẽ thu phí đến năm 2010 thì ngưng, nhưng mới đây, cơ quan chức năng ở huyện lại công bố rằng đơn vị thu phí cầu chỉ bắt đầu thu phí từ năm 2007. Thực chất, chúng tôi đã phải đóng phí từ năm 2005. Ngoài ra, theo tôi biết thì chủ đầu tư cầu Tân Nghĩa đã thu phí và hoàn vốn từ năm 2014, nhưng theo hợp đồng thì đơn vị này được phép thu phí thêm cho đến tháng 9/2019 mới hết thời hạn. Như vậy, chúng tôi phải è cổ đóng phí mười mấy năm trời”.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, việc thu phí qua cầu Tân Nghĩa được áp dụng theo hai hình thức là thu theo lượt qua cầu hoặc thu theo vé tháng. Đối với vé lượt, mức phí là: xe đạp 1.000 đồng/lượt, xe máy 2.000đ/lượt và ô tô từ 5 - 15 chỗ ngồi 20.000đ/lượt)… Mức thu phí trên được quy định rõ trong văn bản của UBND tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trên thực tế, người đảm nhiệm việc thu phí tại cầu Tân Nghĩa chỉ thu tiền mặt của chủ phương tiện qua cầu mà không có vé hay hóa đơn nên khó kiểm soát được mức thu.

Đối với việc mua vé tháng, người mua vé được cấp thẻ qua cầu với thời hạn một tháng. Trên thẻ này, ngoài họ tên và hình ảnh người qua cầu được dán kèm theo thẻ, người thu phí còn tự “bổ sung” thêm biển số xe trong thẻ. Khi người dân qua cầu, đơn vị thu phí không chỉ dựa vào thông tin hay hình ảnh trên thẻ mà còn dựa vào biển số xe, do đó, người mua vé qua cầu chỉ được sử dụng cố định một phương tiện có biển số như đã đăng ký, nếu dùng xe biển số khác, vẫn phải đóng tiền. Quy định vô lý trên đã khiến cho đông đảo người dân địa phương bức xúc.

Chị Nguyễn Thị Thanh Liễu ngụ ấp 5, xã Phong Mỹ kể lại tình cảnh oái oăm: “Tôi đã mua vé tháng cho xe máy. Hôm nọ, tôi bị bệnh nên ngồi sau xe cho con dâu chở; khi xe qua cầu, vẫn bị chặn lại đòi thu phí, họ buộc tôi phải chạy xe, hoặc phải đóng tiền”. Không chỉ vậy, người thu phí trên cầu Tân Nghĩa còn đặt ra một quy định lạ đời: đối với các phương tiện chuyên chở hàng có đăng ký vé tháng thì chỉ cho phép chuyên chở một mặt hàng qua cầu, nếu chuyên chở mặt hàng khác qua cầu thì phải trả phí theo từng lượt.

Chị Nguyễn Thị Cẩm ngụ ấp 1, xã Tân Nghĩa bức xúc: “Nhà tôi có một chiếc xe ba gác dùng để chở nước qua cầu. Mỗi tháng tôi phải bỏ ra 300.000đ để mua vé. Hôm nào tôi chở củi hay gạo qua cầu, họ vẫn thu 15.000đ/lượt. Hiện tại, nhà tôi có một xe ba gác và ba xe máy, với mức phí hiện tại thì mỗi năm tôi phải bỏ ra hơn 6 triệu đồng để đóng phí qua cầu. Đây là số tiền quá lớn đối với người dân nghèo chúng tôi”.

Những bất cập trong việc thu phí không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn ảnh hưởng đến cả học sinh, sinh viên. Theo người dân địa phương, dù đã có quy định miễn phí qua cầu đối với đối tượng này nhưng trên thực tế, việc thu phí đối với học sinh, sinh viên vẫn diễn ra tại cầu Tân Nghĩa. Thậm chí, đã có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên bị người thu phí chửi bới, dọa đánh.

Sinh viên B.H. ngụ tại xã Tân Nghĩa kể: “Có lần, em trình thẻ sinh viên để xin miễn thu phí thì bị người thu phí phớt lờ, có hôm em vặn hỏi lại thì bị họ chửi bới, dọa đánh. Các em học sinh trong xã đi qua cầu cũng thường xuyên bị người thu phí rượt theo đòi tiền. Họ lấy cớ là tụi em không chứng minh được là đang đi học hay đi chơi nên phải đóng tiền”.

Theo quy định, các đối tượng chính sách như thương binh, bệnh binh hoặc người điều khiển phương tiện chở thương binh, bệnh binh qua cầu Tân Nghĩa sẽ được miễn phí khi qua cầu nhưng từ trước đến nay, quy định này không được phổ biến và áp dụng. Anh Lê Hữu Chiến, 49 tuổi, ngụ ấp 5, xã Phong Mỹ bức xúc: “Khi xây cầu bằng hình thức BOT, chúng tôi không được hỏi ý kiến gì cả. Đến nay, theo tôi biết thì đơn vị đầu tư đã hoàn vốn, tại sao lại cho thu phí thêm 5 năm nữa?”.

Bất ngờ tăng phí gấp ba lần

Trong khi những bức xúc của người dân chưa được giải đáp thì mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản số 65/2016/QĐ-UBND về việc định giá dịch vụ qua cầu Tân Nghĩa. Theo đó, từ ngày 1/1/2017, giá vé tháng qua cầu Tân Nghĩa sẽ tăng gấp ba lần so với trước. Theo đó, giá vé tháng đối với xe máy trước đây là 20.000đ thì nay tăng lên 60.000đ; xe 5 chỗ ngồi, xe có trọng tải dưới hai tấn tăng lên 300.000đ/tháng.

Anh Lê Văn Bưu, ngụ ấp 7, xã Phong Mỹ than: “Chúng tôi chủ yếu là người nghèo, bao nhiêu năm nay gồng gánh mức phí 20.000đ/tháng đã quá khổ rồi, nay lại tăng lên gấp ba lần. Đã vậy, hàng tháng, người thu phí còn ép chúng tôi đóng thêm 5.000đ tiền làm vé tháng nữa”. Hiện tại, một số người dân địa phương đã chọn giải pháp đi bộ, thay vì chạy xe máy qua cầu.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc thu phí ở cầu Tân Nghĩa, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa cho biết: “Bản thân tôi cũng nắm bắt được là người dân bị sốc với quyết định tăng mức thu phí qua cầu Tân Nghĩa. Tuy nhiên, văn bản tăng mức thu là do UBND tỉnh ban hành nên các đơn vị phải thực hiện, phía UBND xã chúng tôi không thể can thiệp”.

Theo bà Thảo, UBND xã cũng đã tiếp nhận phản ánh về việc người trực thu phí ở cầu Tân Nghĩa có một số lời lẽ, thái độ phục vụ chưa chuẩn mực và sẽ tổ chức cho đơn vị thu phí xin lỗi người dân về thái độ phục vụ của nhân viên, đồng thời xã sẽ có kế hoạch hỗ trợ để việc bán vé tháng thuận tiện hơn cho người dân.

Trả lời phóng viên báo Phụ Nữ về những bất cập trong việc thu phí qua cầu Tân Nghĩa, bà Nguyễn Kim Hoa, Giám đốc Công ty cổ phần thu phí cầu đường Đồng Tháp thuộc Công ty TNHH BOT xây dựng Đồng Tháp - đơn vị thu phí cầu Tân Nghĩa, cho biết: “Do trước đây, UBND tỉnh không có quy định về việc thu vé tháng nên chúng tôi mới có quy định thu vé tháng theo người và cả biển số xe. Tuy nhiên, vừa qua, sau khi người dân phản ánh, phía công ty đã có buổi làm việc với UBND huyện Cao Lãnh và đã đi đến quyết định là sắp tới sẽ bán vé theo người”.

Về phản ánh đơn vị thu phí qua cầu Tân Nghĩa chỉ thu tiền mặt mà không giao vé lượt cho người dân, bà Hoa cho biết, việc thu phí ở cầu Tân Nghĩa hiện tại do ông Nguyễn Văn Hương đứng ra thầu và đảm nhiệm thu phí, hợp đồng giữa người đảm nhiệm thu phí và công ty là khoán doanh thu nên cơ quan thuế không bắt buộc phải xé vé cho người qua cầu theo lượt.

Chiều 10/2, phóng viên báo Phụ Nữ đã liên hệ với UBND tỉnh Đồng Tháp để tìm hiểu thông tin liên quan đến việc tăng mức phí qua cầu Tân Nghĩa nhưng sau khi tiếp xúc với chúng tôi và gọi điện xin ý kiến, nhân viên trực ở đây cho biết, hiện lãnh đạo tỉnh đang bận họp và yêu cầu liên hệ lại sau.

“Chẳng ai lại đi làm cầu BOT ở nông thôn”

Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia ngành giao thông vận tải tại TP.HCM cho rằng, trên thực tế thì hình thức BOT chỉ nên áp dụng cho những dự án lớn như tỉnh lộ trở lên. Còn đối với những dự án cầu nông thôn mà áp dụng hình thức BOT thì không khả thi. Khi làm dự án BOT ở đường nông thôn thì rất khó thu phí và việc đóng phí cho dự án đó sẽ trở thành gánh nặng cho người dân. Việc xây dựng cầu nông thôn liên xã như trường hợp ở Đồng Tháp thì chỉ nên xây dựng bằng vốn ngân sách hoặc với hình thức từ thiện, tự nguyện đóng góp.

Chẳng ai lại đi làm cầu BOT ở nông thôn cả. Cầu ở nông thôn thì phương tiện chủ yếu là xe hai bánh nên rất khó thu phí để thu hồi lại vốn, mà lâu hoàn vốn rồi cứ thu phí mãi như vậy là dân khổ. Ngoài ra, muốn xây dựng cầu bằng hình thức BOT thì nguyên tắc là chính quyền phải thông qua và được sự đồng ý của người dân. Xây cầu mà không tham khảo ý kiến người dân rồi sau đó bắt họ đóng góp phí là không được. Ngoài ra, khi xây cầu thì chính quyền cũng phải công khai về thời hạn, mức giá thu phí rõ ràng chứ không phải muốn xây rồi thu bao nhiêu, thời hạn bao lâu cũng được.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI