Doanh nghiệp cần sự đồng hành để sớm phục hồi sản xuất - Bài cuối:

Thu hút ngành sử dụng nhân lực chất lượng cao để phát triển

10/11/2021 - 06:51

PNO - Đầu tư công nghệ giúp doanh nghiệp tăng năng suất, nâng chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Chọn lọc và hỗ trợ để phát triển những ngành đòi hỏi sự đầu tư vào công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao là cách để TPHCM gia tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư, giải quyết bài toán thiếu lao động.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất, TPHCM cần đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược phát triển này. 

Không thể tách rời nhân lực và công nghệ 

Theo ông Nguyễn Chánh Phương  -  Phó  Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký  Hội  Mỹ nghệ và Chế biến  gỗ  TPHCM (HAWA) - chế biến gỗ là ngành có nhiều tiềm năng ứng dụng công nghệ để tăng năng suất. Theo chủ trương của UBND TPHCM, nhiều DN đã di dời nhà máy chế biến gỗ ra các tỉnh, thành. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin nên dù nhà máy nằm ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương nhưng bộ phận quản lý, nhân viên vẫn có thể làm việc, điều hành từ TPHCM. Nhờ đó, trong đợt giãn cách xã hội vừa qua, hoạt động của nhiều DN ngành gỗ không bị gián đoạn. 

Các DN ngành gỗ cũng đầu tư máy móc tiên tiến, tự động, như hệ thống máy CNC dùng cắt gỗ, điêu khắc, giúp tăng năng suất, giúp sản phẩm có độ chính xác, đồng đều cao hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư đòi hỏi chi phí rất lớn. Hơn nữa, thay đổi công nghệ, đầu tư máy móc vẫn là thứ yếu so với nguồn nhân lực giàu tính sáng tạo để thiết kế mẫu mới, bởi trong một sản phẩm, 70% giá trị nằm ở thiết kế; sản phẩm càng đẹp, càng độc đáo thì giá càng cao. 

Theo một lãnh đạo Công ty May Nhà Bè, dệt may vốn là ngành thâm dụng lao động phổ thông nhưng cũng đang cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện nhiều nhà máy nhuộm đã tự động hóa nhiều khâu, giúp giảm hơn 2/3 số lao động so với mười năm trước. Các chuyền may cũng dùng robot để khâu cắt, ráp  sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp (KCN) TPHCM (HBA) - cho rằng tiền thuê đất trong các khu chế xuất (KCX), KCN ở TPHCM cao, trong khi cơ sở hạ tầng lại không đáp ứng được nhu cầu các nhà đầu tư muốn đổi mới công nghệ. Do vậy, khoảng 70% dự án đầu tư nước ngoài vào đây phần lớn là gia công may mặc, giày da, lắp ráp điện tử, rất ít DN có công nghệ tiên tiến.

Nông nghiệp là ngành giàu tiềm năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ của TP.HCM. (Ảnh Phòng Cấy mô lan - Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) - ảnh: Quốc Thanh
Nông nghiệp là ngành giàu tiềm năng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ của TPHCM. (Ảnh Phòng Cấy mô lan - Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) - ảnh: Quốc Thanh

Gần đây, chính quyền TPHCM bắt đầu chọn lựa nhà đầu tư, ưu tiên những nhà đầu tư lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến. KCX Tân Thuận đã xây dựng nhà xưởng cao tầng để các nhà đầu tư Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất linh kiện ô tô, dược phẩm, làm dịch vụ với lượng lao động ít nhưng giá trị sản phẩm lại cao. Hiện công ty quản lý KCX Tân Thuận đang hướng đến việc hình thành cụm công nghệ cao để thu hút đầu tư về công nghệ. KCX Linh Trung cũng đã chuyển đổi thành công bảy dự án cũ với những ngành nghề nhiều lao động (sản xuất bút bi, gỗ gia dụng, mũ nón, bao bì nhựa) sang các dự án mới với ngành nghề sản xuất robot, thiết bị y tế, chế tạo máy móc, linh kiện cơ khí, sản xuất và lắp ráp sản phẩm công nghệ thông tin. 

Phương thức làm việc có thể đổi từ cách truyền thống hiện nay sang ứng dụng các nền tảng công nghệ để làm việc từ xa, không chỉ tiết kiệm tối đa chi phí vận hành mà còn giải quyết công việc nhanh chóng và hiệu quả. Để vận hành công việc trơn tru, đòi hỏi có đội ngũ nhân sự đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao. Thạc sĩ kinh doanh quốc tế Lê Vũ Hoàng Nguyên nhận định: “Chúng ta bàn nhiều về việc nguồn nhân lực chất lượng cao có thể đem lại lợi ích gì cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhưng lại chưa trả lời được câu hỏi: phải làm sao để có được nguồn lực đó?”.

Theo ông Lê Vũ Hoàng Nguyên, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng mọi yêu cầu của DN hay một ngành nghề hầu như không sẵn có mà cần phải trải qua thời gian đào tạo, rèn luyện để ngày càng có chiều sâu chuyên môn. Thực tế là, không có nhiều DN Việt Nam áp dụng việc chuyển đổi số. Trong khi đó, hầu hết các công ty đi theo mô hình này lại hoạt động chủ yếu trên thị trường nước ngoài. Các sàn thương mại hàng đầu ở Việt Nam hiện nay như Tiki, Shopee… có nhiều nhân sự người nước ngoài tham gia đảm trách hệ thống vận hành e-business hay cả quá trình logistics khổng lồ này.

Vì vậy, những gì mà chính quyền TPHCM đã và đang làm để thu hút các ngành nghề có nhân sự chất lượng cao là đúng, nhưng chưa đủ. Để dần thay đổi và kích thích các ngành nghề cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao phát triển, DN cần có những chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng và lộ trình đào tạo nhân viên, trang bị nhiều công cụ hay nền tảng công nghệ mới; chính quyền thành phố cần có những chính sách, định hướng và lộ trình cụ thể cho từng ngành nghề, DN. 

“Dù hiện nay đã có nhiều hình thức đào tạo về việc dịch chuyển công nghệ số trong thương mại, vận hành DN nhưng hầu hết chưa thực sự tác động tới cả cộng đồng. Do đó, cần định hướng phát triển từ lãnh đạo thành phố, đồng thời tổ chức những khóa đào tạo, cung cấp cho các DN hệ thống thực hiện việc chuyển đổi số một cách đồng bộ” - ông Lê Vũ Hoàng Nguyên góp ý.

Chọn lọc ngành nghề để hỗ trợ phát triển

Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thư - giảng viên quản trị nguồn nhân lực và khởi nghiệp Trường đại học RMIT - cho rằng hầu hết các ngành công nghiệp sẽ cần nguồn nhân lực chất lượng cao nếu TPHCM chuyển sang nền kinh tế định hướng năng suất cao và giàu tính cạnh tranh. Phát triển và thúc đẩy lực lượng lao động dựa trên tri thức và sáng tạo là điều quan trọng đối với nhiều ngành công nghiệp để phát triển hàng hóa và dịch vụ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, địa phương. Đó là những bài học từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

“Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện các chính sách nhằm xây dựng các ngành công nghiệp sáng tạo trở thành ngành mạnh, có thể xuất khẩu các sản phẩm văn hóa như K-pop và phim. Chính quyền TP.HCM có thể chọn đầu tư, hỗ trợ để các ngành công nghiệp trò chơi, giải trí hoặc thời trang phát triển hơn nữa, trở thành ngành công nghiệp mạnh, tạo ra giá trị gia tăng cho thành phố” - bà nói.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thư, UBND TPHCM cần đầu tư vào con người, chú trọng phát triển tài năng, đặc biệt là giới trẻ bằng cách xây dựng một hệ thống giáo dục coi trọng hơn sự sáng tạo, đổi mới và tinh thần kinh doanh, thúc đẩy hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp với sự tham gia nhiều hơn từ chính phủ, các tổ chức giáo dục, các nhà đầu tư và những người hỗ trợ khác, thúc đẩy sự hợp tác giữa ngành và trường đại học, cho phép các hoạt động nghiên cứu, phát triển (R&D) được thương mại hóa: “Tôi lấy ví dụ, đại dịch COVID-19 đã dẫn đến những thay đổi trong cách dạy và học trên toàn thế giới và chúng ta có thể nhân đó thúc đẩy sự hợp tác giữa các trường đại học và ngành công nghiệp để giới thiệu thêm phương pháp sư phạm dựa trên công nghệ trong giáo dục, như dựa trên trò chơi hoặc mô phỏng phục vụ cho việc giảng dạy các khóa học trực tuyến”.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TPHCM cần có điều kiện ngân sách tốt hơn để cải thiện hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin cho các lĩnh vực công nghệ sinh học, giáo dục. Quốc hội cần lưu tâm dành nhiều nguồn vốn hơn cho TPHCM. Thành phố cũng rất cần những nguồn nhân lực giúp thiết kế, thực thi chính sách, xây dựng những chiến lược phát triển cho tương lai. Tuy nhiên, TPHCM không thể làm nhiều thứ cùng lúc mà phải chọn lọc lần lượt ngành nghề và có lộ trình cho những ngành nghề khác nhau, đồng thời có chính sách ưu đãi cho những ngành nghề đó. Với những ngành nghề gắn kết với nhau, cần thực hiện song song cùng lúc. Chẳng hạn, không thể đổ hết tiền vào hạ tầng mà bỏ qua việc phát triển nguồn nhân lực. Có hệ thống hạ tầng tốt mà không có nguồn nhân lực giỏi thì cũng khó thành công. 

Đặc biệt, con người phải có năng lực chuyên môn cao và được sử dụng đúng chỗ, trả lương cao để họ có sự tập trung cao, tránh “chân trong chân ngoài”, lợi ích nhóm. Yếu tố con người phải luôn luôn gắn với các dự án phát triển thành phố. “Chọn ngành nghề, dịch vụ nào trước thì phải tính toán dựa trên cơ sở năng lực và chiến lược phát triển của mình, phải có các chuyên gia cùng nhau tư vấn, huy động các DN cùng tham gia vào các chính sách ưu đãi thích đáng cho họ. Phải làm sao để khi DN lớn tham gia, sẽ có tác động lan tỏa đến các DN vừa và nhỏ chứ không phải gạt bỏ các DN vừa và nhỏ, bởi cơ hội về công nghệ cho phép cả DN vừa và nhỏ cũng có thể tham gia hiệu quả các dự án lớn chứ không chỉ DN lớn mới làm được” - bà Phạm Chi Lan nói. 

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa - Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI