Thu chục nghìn tỷ từ công nghiệp văn hóa: Ước mơ có dễ?

04/03/2021 - 18:30

PNO - Trong 10 năm tới, dự kiến các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp nhiều vào GDP. Nhưng hiện tại vẫn còn nhiều nỗi lo trước khi đề án được thông qua.

Từ trăm tỷ đến chục nghìn tỷ

Nhằm đưa văn hóa có đóng góp vào nền kinh tế chung theo định hướng của Nhà nước đến năm 2030, TPHCM đã đưa ra và dần hoàn thiện đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn này. 

Từ 2020-2025, tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân 17,5%. 5 năm sau, tốc độ này là 12,7%. Doanh thu của các ngành đóng góp 5% GRDP vào năm 2025, đến năm 2030 là 6%.

TPHCM chọn lựa 8/12 nhóm ngành được Nhà nước đưa ra để tập trung phát triển trong giai đoạn này, gồm: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa và thời trang.

Trong đó, ngành quảng cáo được đặt mục tiêu cao nhất, với doanh thu 33.010 tỷ đồng, đóng góp 2,27% vào GRDP vào năm 2025. Con số này sẽ lên khoảng 57.263 tỷ đồng vào năm 2030, đóng góp vào GRDP 2,68%.

Hai ngành được đặt mục tiêu thấp nhất là mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn. Con số được đưa ra chênh lệch rất lớn với ngành dẫn đầu.

Nghệ thuật biểu diễn sân khấu là một trong hai ngành được đặt chỉ tiêu thấp nhất trong 8 ngành được chọn
Nghệ thuật biểu diễn sân khấu là một trong hai ngành được đặt chỉ tiêu thấp nhất trong 8 ngành được chọn

Trong đó, nghệ thuật biểu diễn chỉ được đặt mục tiêu 987 tỷ đồng vào năm 2025, chiếm 0,07% GRDP (chưa được 3% so với ngành quảng cáo), sau đó tăng lên 1.078 tỷ đồng năm 2030, chiếm 0,08% GRDP. Ngành mỹ thuật đặt mục tiêu năm 2025 là 303 tỷ đồng, đóng góp 0,02% GRDP, và khoảng 550 tỷ đồng vào năm 2030, đóng góp 0,03% GRDP.

Các ngành còn lại mục tiêu đến 2025 dao động trong khoảng gần 2.000 tỷ đồng đến hơn 6.000 tỷ đồng. Những nội dung này được trình bày trong hội thảo diễn ra sáng ngày 4/3 tại Sở VH-TT TPHCM.

Những nỗi lo còn đó

Việc tạo doanh thu từ các ngành trên đã diễn ra từ lâu, tuy nhiên quy mô khác nhau và còn manh mún. Nay, chiến lược này mang tính chất thúc đẩy làm cho chúng phát triển mạnh hơn, với quy mô rộng lớn hơn. 

Công nghiệp văn hóa phải mang dấu ấn đặc trưng, tiêu biểu của TPHCM, rộng hơn là Nam Bộ khi đây là nơi tiếp nhận rất nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống như: cải lương, hát bội, kịch nói... Tuy nhiên, có thể thấy tỉ trọng đóng góp của lĩnh vực này được đặt mục tiêu không cao. 

Bà Lê Tú Cẩm, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT TPHCM đặt vấn đề: “Điều gì thuộc về di sản, truyền thống là không thể phát triển, làm công nghiệp hay sao?”. Hiện tại, khi đến TPHCM, gần như chỉ có À ố show được giới thiệu cho khách du lịch, trong khi điều kiện khai thác được còn nhiều hơn thế.

Công nghiệp phải gắn với thị trường và doanh thu. Tuy nhiên, sự phát triển này kéo theo những nỗi lo nhất định khi văn hóa là một thực thể đặc biệt, có ảnh hưởng lớn, chứ không phải một sản phẩm tiêu dùng thông thường.

Ông Võ Trọng Nam - PGĐ Sở VH-TT TPHCM trong buổi làm việc sáng 4/3
Ông Võ Trọng Nam - PGĐ Sở VH-TT TPHCM trong buổi làm việc sáng 4/3

Việc chạy theo doanh thu kéo theo nỗi lo đánh mất giá trị văn hóa chiều sâu trong cơ chế thị trường. Không cần đến tương lai, thực tế hiện tại một phần đang cho thấy điều đó. 

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng không nên đặt nặng áp lực doanh thu vào 5 năm đầu. Thay vì quy đổi giá trị bằng tiền tươi thóc thật, hãy đánh giá bằng số lượng khán giả, công chúng tiếp cận, sử dụng sản phẩm. Đây cũng là khoảng thời gian để đầu tư cho lớp nền vững, trước khi muốn xây thành cao.

Thị trường văn hóa hiện tại được phân nhánh rất rõ, đơn vị Nhà nước quản lý và đơn vị tư nhân. Họ chịu sự quản lý, có ý thức hoạt động tách biệt. Để có được sự bắt tay để cùng chung sức, liệu có dễ? Khi chưa có sự liên kết, đánh giá cụ thể về hai nhánh này sẽ kéo theo nỗi lo sự phân bổ đầu tư bên nặng bên nhẹ.

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra như: tuyên truyền định hướng, hoàn thiện cơ chế chính sách... nhưng tất cả đều chung chung. Ngay cả danh sách ưu tiên thực hiện cũng là những vấn đề được nhắc đi nhắc lại nhiều năm ròng rã. Trong khi điều cần là một lộ trình cụ thể. Trong 5 năm tới, cần làm gì, việc gì, lĩnh vực nào được ưu tiên hơn là những câu hỏi vẫn còn chưa có lời đáp. Không có mấu chốt cụ thể thì không gỡ được.

Trong hơn 1 năm qua, dịch bệnh đã làm đảo lộn, thay đổi nhiều giá trị trong ngành công nghiệp giải trí toàn cầu. Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Đề án dường như chưa bắt kịp được thực tế đó để đưa ra một phương hướng phát triển phù hợp hơn. Trong đó, công nghệ kỹ thuật số, 4.0 - những vấn đề được nhắc rất nhiều, có ảnh hưởng lớn với nghệ thuật trong thời điểm dịch bệnh - vẫn còn chưa được chú trọng.

Bất kể ngành nghề gì, muốn phát triển đến đâu thì yếu tố con người luôn giữ vai trò quyết định. Nhưng việc đào tạo nhân lực gồm người biểu diễn, quản lý, thậm chí khán giả... vẫn còn lửng lơ. Họ chính là yếu tố để quyết định chất lượng sản phẩm khi ra thị trường. Những con số doanh thu kỳ vọng được đưa ra cụ thể nhưng văn hóa có gì về nền tảng cơ sở, con người sau ngần ấy năm vẫn chưa thấy được.

Việc đào tạo con người, yếu tố nền tảng nhất vẫn khiến nhiều người băn khoăn trong đề án
Việc đào tạo con người, yếu tố nền tảng nhất vẫn khiến nhiều người băn khoăn trong đề án

Công nghiệp đi liền thị trường. Nhưng yếu tố này chưa được xem xét thận trọng trong đề án. Khi tạo ra sản phẩm nhưng không bán được thì lấy đâu ra những con số tiền tỷ như mong đợi? Những số liệu được đưa ra đến từ những báo cáo, hội thảo chứ chưa cho thấy được khảo sát thực tế thị trường, gồm: nhu cầu, thị hiếu khán giả, mức độ chi tiêu, đặc tính tiêu dùng... 

Nhìn vào mô hình công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc có thể thấy việc phát triển không chỉ tập trung vào nhóm ngành chính mà còn là thị trường của sản phẩm phụ trợ, ăn theo. Nhưng mảng này vẫn chưa xuất hiện trong đề án.

Nhiều vấn đề khác như: bản quyền, công nghệ 4.0... là những yếu tố góp phần tạo nên thị trường công nghiệp cũng được chỉ ra.

Đây là hội thảo lần thứ chín, và cũng gần như cuối cùng trước khi đề án này được thông qua để ban hành. Đã có những góp ý được đưa ra để điều chỉnh, nhưng phần lớn đều đến từ các chức sắc quản lý, hội nghề nghiệp. 

Hàng ghế khán phòng lại thiếu vắng rất nhiều gương mặt, đơn vị đang chi phối thị trường hiện tại trong 8 lĩnh vực trên. Có lẽ, để đề án được rõ ràng, cụ thể, bám sát thị trường hơn thì việc lắng nghe họ không là thừa.

Đại diện Sở, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết sẽ tiếp thu để điều chỉnh. Một sự thay đổi tích cực có lẽ là điều được mong chờ.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI