Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Tam đảo II có nhiều chữ ký khống

21/10/2019 - 05:30

PNO - Quay trở lại chuyện tiếp cận bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Tam Đảo II thuộc Tập đoàn Sun Group, cuối cùng, chúng tôi đành chấp nhận thực tế: không thể lấy đầy đủ, nguyên vẹn bản báo cáo này.

Xem clip:

 

Sau rất nhiều lần “mặc cả” lấy chỗ này, không lấy chỗ khác, đặc biệt là không được lấy phần ý kiến phản biện của các nhà khoa học, chúng tôi mới được cho phép chụp khoảng hơn 100 trang tài liệu bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường biên tập, kiểm duyệt kỹ càng. Suốt quá trình “mặc cả” này, chúng tôi được tiếp xúc với một cán bộ đã trực tiếp thẩm định báo cáo ĐTM của dự án Tam Đảo II.

Sự tử tế hiếm hoi

Các bộ chưa nhận được thiết kế cơ sở của dự án Tam Đảo II

Trả lời về việc thẩm định ĐTM dự án du lịch sinh thái Tam Đảo II trong cuộc họp báo ngày 14/10 tại Bộ TN-MT, ông Hoàng Văn Thức - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT - cho biết, Bộ TN-MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chưa nhận được thiết kế cơ sở của dự án.

“Đây là dự án liên quan đến rừng của Vườn Quốc gia Tam Đảo nên quá trình thẩm định của Bộ TN-MT cẩn thận, chặt chẽ, phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế để đánh giá về đa dạng sinh học tại các khu vực mà chủ dự án đưa ra có thể đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Bộ TN-MT đã tổ chức chỉ đạo xem xét rất cẩn thận và đảm bảo pháp luật. Cụ thể, thành phần tham gia là các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ NN-PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Vườn Quốc gia Tam Đảo, Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Thái Nguyên, mời các chuyên gia trong các lĩnh vực sinh thái” - ông Thức nói.

Theo ông Thức, trước khi phê duyệt, hội đồng thẩm định đã yêu cầu, quy mô, kiến trúc các công trình của dự án khi xây dựng phải phù hợp với mục tiêu du lịch sinh thái, sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, đảm bảo chiều cao các công trình xây dựng không quá 12m; yêu cầu bắt buộc lập thiết kế cơ sở xây dựng công trình, đảm bảo các hạng mục xây dựng phải được thực hiện chủ yếu ở các khoảng trống không có rừng, dưới tán rừng, hạn chế tối đa việc chặt hạ cây rừng; xác định rõ vị trí, tọa độ, diện tích chiếm đất của từng hạng mục công trình, số lượng, chủng loại cây, đưa ra phương án trồng đền bù với những cây chặt hạ; sau đó phải gửi dự án cho Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT xem xét trước khi tiến hành. Nhưng đến nay, Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT chưa nhận được bản thiết kế của chủ đầu tư để hoàn thiện ĐTM, dù dự án đã được khởi công từ 3 năm trước.

Khoảng lần thứ ba gặp vị cán bộ nói trên ở trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), chúng tôi được vị này chia sẻ: “Các em lấy ĐTM của dự án Tam Đảo II bây giờ cũng chẳng có giá trị gì đâu. Bản này hầu như đã được làm sạch hết rồi”.

“Vậy khi chưa sạch thì nó ra sao?” - chúng tôi hỏi. Vị cán bộ này nói: “Anh còn nhớ, khi bắt đầu cầm hồ sơ này thì nó chẳng có nội dung gì giá trị cả. Đến hội đồng khoa học, họ còn lập khống lên, anh hỏi ai cũng ngớ người ra, không biết sao tên mình lại được nêu trong đó. Anh giật mình khi xem dự án, thấy họ nêu những dãy biệt thự shophouse 4 tầng, rồi dãy nhà trung tâm, gọi là công trình điểm nhấn cao 9 tầng... mà những thứ ấy người ta lại xây trên “phân khu phục hồi sinh thái trong rừng đặc dụng” và “phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng”. Không luật nào cho phép làm những thứ như thế này cả”.

Vị cán bộ này nói tiếp: “Họ đã lách điều luật “dưới 50ha” để không phải trình dự án ra Quốc hội. Anh đã chỉ rất rõ điều này trong báo cáo của mình, yêu cầu làm rõ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 935/BKHĐT-KTNN ngày 12/2/2015, trong đó dẫn Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010, quy định công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50ha trở lên cần báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư (trong Báo cáo ĐTM này, với tổng diện tích khu vực Bến Tắm (131.741m2) và khu vực Tam Đảo II (367.108m2) là 498.849m2, xấp xỉ 50ha và chưa bao gồm diện tích đất có thể phải chuyển đổi của các dự án riêng không thuộc phạm vi của báo cáo ĐTM”. Cục trưởng của anh trước là anh Lợi gạch hết đề xuất của anh. Mọi người trong cơ quan đều biết”.

Chúng tôi hỏi: “Sao anh không dừng lại mà vẫn tiếp tục làm bản báo cáo này?”. Vị cán bộ đáp: “Anh không dừng được, có rất nhiều sức ép, không làm không được. Dự án đã có ngày khởi công, quan khách cao cấp đã được mời, không còn cách nào khác, anh đành phải “đẩy xe bò lên dốc vậy”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Vậy anh chấp nhận mình làm sai?”. Vị này liền mở tủ lấy một tập tài liệu đưa cho chúng tôi và nói: “Đây là tất cả những ý kiến đánh giá của anh đối với dự án Tam Đảo II. Nó chỉ ra rằng, dự án này không thể thực hiện được vì vi phạm quá nhiều luật định. Các em cầm lấy mà nghiên cứu”. Chúng tôi hỏi: “Anh đã chuyển tài liệu này đi đâu chưa?”. Vị này trả lời: “Để tự bảo vệ mình, anh đã gửi nó qua email cho các lãnh đạo”.

Cầm trên tay tập tài liệu của một người tốt hiếm hoi, chúng tôi biết, những dòng chữ đầy trách nhiệm này đã nằm trong email của các lãnh đạo Bộ TN-MT. Có thể, những nội dung phản biện đúng đắn của anh chưa hoàn thành được sứ mệnh của nó, nhưng ít nhất, nó đã giúp chúng tôi thấy ấm áp hơn, hy vọng hơn và có động lực để đi tiếp...

Bao cao danh gia tac dong moi truong cua du an Tam dao II  co nhieu chu ky khong
Đường mòn vào Tam Đảo II được một người đi rừng chụp năm 2007 - Ảnh: Lê Triều Dương

Bất chấp tất cả

Nếu đúng như vị cán bộ trên nói “bản ĐTM của dự án Tam Đảo II hiện nay đã được làm sạch”, thì hơn 100 trang tài liệu mà chúng tôi được tiếp cận chắc chắn là “sạch” nhất.

Với hơn 100 trang tài liệu lộn xộn, không đầy đủ này, chúng tôi quyết định đi sâu vào kiểm tra những yếu tố có tác động đến con người trong đó. Theo Luật Bảo vệ môi trường, đối với dự án lớn như Tam Đảo II, phải thực hiện việc tham vấn cộng đồng. Nghĩa là, một trong những điều kiện quan trọng nhất của ĐTM là phải lấy ý kiến của những người dân chịu tác động của dự án, sống xung quanh dự án. Người dân phải được biết rõ về dự án, được tham gia ý kiến, đồng ý, không đồng ý, hoặc những ý kiến khác thông qua những cuộc họp công khai về dự án...

Bao cao danh gia tac dong moi truong cua du an Tam dao II  co nhieu chu ky khong
Chữ ký của người dân bị ngụy tạo và chữ ký thật được ký bên cạnh

Trong hơn 100 trang tài liệu mà chúng tôi có được, chúng tôi thấy có biên bản gồm 6 xã đã lấy ý kiến của người dân xung quanh dự án Tam Đảo II. Theo chi tiết tài liệu, xã lấy ý kiến ít nhất là của 9 người dân, xã lấy ý kiến nhiều nhất là của 13 người. Kết thúc cuộc họp, những người dân được lấy ý kiến đều đồng thuận tuyệt đối với dự án. Có 3 xã chỉ đề tên người dân tham dự cuộc họp mà không có chữ ký, còn 3 xã khác thì có đầy đủ tên tuổi, kèm chữ ký xác nhận. Biên bản các cuộc họp với ý kiến của các cá nhân đều na ná nhau.

Nhóm phóng viên chúng tôi đã lặn lội đến 6 xã được nêu trong tài liệu, gồm Quân Chu, Cát Nê, Ký Phú (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Tam Quan, Đạo Trù, Đại Đình (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Tiếp cận tất cả người dân có tên trong danh sách lấy ý kiến tham vấn cộng đồng, thật bất ngờ, tất cả người dân có tên trong bản danh sách ấy đều không biết gì về dự án Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 như biên bản đã ghi. Kể cả những người có chữ ký hoặc không có chữ ký xác nhận, mặc dù trong biên bản ghi là đã có ý kiến đồng thuận với dự án nhưng khi được hỏi, họ khẳng định chưa từng nghe đến cái tên của dự án, chứ nói gì đến việc được tham gia họp bàn và có ý kiến.

Các nhà báo đã tìm đến các địa phương, nơi có những người dân được cho là đã ký tên trong biên bản lấy ý kiến để hoàn thành thủ tục ĐTM và những người dân đó cho biết họ không hề biết đến, chưa tham gia bất cứ cuộc họp nào và cũng không ký vào bất kỳ văn bản nào như nhà báo nêu. Trong sự việc này, cơ quan điều tra cần vào cuộc để làm rõ. Nếu đúng là những giấy tờ này được các cán bộ địa phương lập khống để hoàn thiện hồ sơ thủ tục dẫn đến triển khai dự án không phù hợp quy định pháp luật, thì hành vi này có dấu hiệu của tội giả mạo trong công tác, được quy định tại điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Trương Anh Tú
(Đoàn Luật sư TP.Hà Nội)

Khi chúng tôi chìa biên bản có chữ ký của khoảng 30 người dân ra, ai nấy đều ngạc nhiên tột độ khi thấy chữ ký “của mình”. Một trưởng thôn còn nói với chúng tôi: “Đây không phải chữ ký của bà con đâu. Đa phần người dân ở đây chỉ học hết lớp Hai, lớp Ba, viết tên mình còn không nổi, huống hồ là ký đẹp thế này”. Thậm chí, một số người dân còn tự ký tên mình ngay cạnh chữ ký được cho là của họ trong bản ĐTM của dự án Tam Đảo II để chứng minh chữ ký đó không phải của mình.

Ngày 27/12/2016, dự án Tam Đảo II được Tập đoàn Sun group tổ chức lễ khởi công hoành tráng với sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao. Truyền thông đưa tin rầm rộ về buổi lễ khởi công dự án có giá trị 25.000 tỷ đồng này. Trước đó chỉ một ngày, tức ngày 26/12/2016, Bộ TN-MT mới chính thức ký quyết định phê  duyệt ĐTM của dự án này. Theo quy định pháp luật, sau khi có ĐTM, các cơ quan chức năng mới có căn cứ để thẩm định hồ sơ, sau đó mới cấp phép xây dựng. Đến đây, có thể thấy rằng, dự án Tam Đảo II đã khởi công khi chưa có giấy phép xây dựng.

Điều này cũng là câu trả lời cho câu hỏi, vì sao suốt quá trình đi tìm giấy phép xây dựng của dự án này, các cơ quan chức năng đều tìm cách né tránh. Theo luật định, bất cứ một dự án nào cũng buộc phải có đủ giấy phép, nhất là giấy phép xây dựng, mới được làm lễ khởi công. Còn nếu làm lễ khởi công mà thiếu các giấy phép nghĩa là vi phạm pháp luật.

Bao cao danh gia tac dong moi truong cua du an Tam dao II  co nhieu chu ky khong
Khu ga cáp treo đã được Sun Group khởi công ngay sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp cho Sông Hồng Thủ đô một ngày

Dự án Tam Đảo II của Sun Group gần đây đã làm dấy lên những tranh luận trái chiều của nhiều tầng lớp trong xã hội. Đây là một việc lớn, hệ trọng, có ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều thế hệ, rất cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ nêu những sai phạm rõ ràng, không thể biện minh của dự án Tam Đảo II. Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm trả lời những câu hỏi: Tại sao một dự án lớn như Tam Đảo II, được tổ chức khởi công trái phép mà đến nay, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử phạt? Tại sao một dự án lớn như vậy lại dám dựng lên danh sách giả của hơn 60 con người để từ đó hợp thức hóa những giấy phép quan trọng của dự án, thậm chí, có hơn 30 người đã bị làm giả cả chữ ký? Những con người cụ thể, có địa chỉ hẳn hoi mà còn bị làm giả ý kiến, quan điểm, chữ ký thì những thông tin quan trọng hơn liệu còn bao nhiêu điều khuất tất?

Cài định vị theo dõi phóng viên

Khi loạt bài Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo được đăng tải, nhóm phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã bị theo dõi, bám sát. Những đối tượng theo dõi cố ý gây ra những va quệt xe nhằm đe dọa nhóm phóng viên.

Sau nhiều lần cố gắng “cắt đuôi” các đối tượng theo dõi không thành, nhóm phóng viên đã kiểm tra ô tô tại một gara thì phát hiện thiết bị nghe lén, định vị chuyên dụng được đặt ở dưới gầm chiếc ô tô mà nhóm phóng viên thường dùng để đi tác nghiệp. Ngày 18/10, chúng tôi đã gửi đơn đến Cục Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) đề nghị điều tra vụ việc này.

Bao cao danh gia tac dong moi truong cua du an Tam dao II  co nhieu chu ky khong
Chiếc xe “bám đuôi” nhóm phóng viên từ Quảng Ninh về Hà Nội

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI