Thời của công nghệ trẻ hóa dung mạo diễn viên

18/12/2019 - 11:58

PNO - Không có ai càng ngày càng trẻ, nhưng công nghệ phim ảnh Hollywood lại có thể biến hóa dung mạo của các diễn viên trở về thời thanh xuân, để họ có thể đảm nhận xuyên suốt một vai diễn qua nhiều giai đoạn.

Tuy nhiên điều gì cũng có tính hai mặt, công nghệ tuy giúp diễn viên dù già vẫn vào được vai thời trẻ, nhưng cũng có thể khiến họ trở nên thất nghiệp, bởi giờ đây máy tính có thể làm thay tất cả mà không cần diễn viên thật phải ra trường quay!

Cải lão hoàn đồng, hồi sinh người chết

Nếu như hơn chục năm trước, khán giả từng ồ à chứng kiến Patrick Stewart và Ian McKellen xuất hiện với khuôn mặt trẻ hơn tuổi rất nhiều trong X-Men: The Last Stand (2006) hay một Brad Pitt “lão hóa ngược” trong The curious case of Benjamin Button (2008) nhờ công nghệ CGI (viết tắt từ Computer Generated Imagery, mô phỏng hình ảnh bằng máy tính), thì gần đây hiện tượng trẻ hóa diễn viên trên màn ảnh ngày càng nhiều, cao điểm nhất là năm 2019.

Từ đầu năm đến nay, hết Arnold Schwarzenegger (phim Terminator: Dark Fate), Samuel L. Jackson (phim Captain Marvel) đến Will Smith (phim Gemini Man), Robert De Niro, Joe Pecsi, Al Pacino (phim The Irishman) xuất hiện trên phim với dung mạo trẻ hơn vài chục tuổi. Ngay dàn diễn viên tuổi teen trong phim It 2 vì lớn nhanh quá nên cũng được kỹ xảo kéo lùi tuổi cho hợp với những phân cảnh hồi tưởng trong quá khứ. 

Thoi cua cong nghe tre hoa dung mao dien vien
Will Smith dùng thiết bị hỗ trợ cho công nghệ bắt chuyển động, để ê-kíp hậu kỳ xử lý công đoạn trẻ hóa nhân vật trong phim Gemini Man

Trong số các phim này, ấn tượng nhất là kỹ thuật trẻ hóa Will Smith trong phim Gemini Man. Trong phim, tài tử này hóa thân thành hai nhân vật khác nhau, một là Henry Brogan - sát thủ tuổi xế chiều và hai là Junior - phiên bản 23 tuổi của chính Henry Brogan. Vai Junior hoàn toàn là sản phẩm của công nghệ được tạo ra bằng cách cho Will Smith mặc bộ đồ chuyên dụng và phủ kín khuôn mặt bằng những dấu chấm để bắt từng hành động, biểu cảm của anh, rồi chuyển thể chúng vào Junior.

Trong The Irishman, việc xử lý “trẻ hóa” những ngôi sao lão thành Robert De Niro, Joe Pesci, Al Pacino còn chẳng cần nhờ đến các dụng cụ hỗ trợ như mũ gắn camera, hay các thiết bị cảm biến nhỏ trên mặt (facial maker) cho diễn viên, bởi Industrial Light & Magic - đơn vị phụ trách kỹ xảo - có hệ thống camera và phần mềm thiết kế riêng ghi lại những biểu cảm gương mặt trên trường quay, sau đó chỉ việc chuyển phần biểu diễn này thành các phiên bản CGI trẻ hơn.

Tuần rồi, Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ công bố 20 phim có kỹ xảo tốt nhất trong năm không thể thiếu Gemini Man, The Irishman và đây cũng là hai ứng viên “nặng ký” nhất hạng mục Kỹ xảo xuất sắc tại giải Oscar tới.

Thoi cua cong nghe tre hoa dung mao dien vien
CGI biến ngoại hình của Robert De Niro phù hợp với từng giai đoạn trong phim

Không chỉ “hồi xuân” diễn viên mà chẳng cần nhờ đến phương pháp thủ công truyền thống là hóa trang, hoặc tìm người trẻ có ngoại hình tương đồng vào đóng thế, các nhà làm phim còn tạo ra bước đột phá về công nghệ bằng cách đưa một diễn viên đã khuất trở lại trong một tác phẩm mới, như trường hợp nam diễn viên quá cố Paul Walker (phim The Fate of the Furious, 2015) và sắp tới là James Dean (phim Finding Jack sẽ trình làng cuối năm 2020).

Trong phim, phần hình của Paul Walker là do chuyên gia tẩy diện mạo, hình thể của các diễn viên đóng thế để khớp với hình ảnh thật của Paul Walker, còn giọng nói thì sử dụng giọng thật của Paul Walker lẫn em trai Paul Walker - một trong những người đóng thế Paul Walker. Còn với James Dean, Magic City Films tái tạo ông từ những bức ảnh, băng ghi hình cũ kết hợp cùng công nghệ máy tính chiếu lên diễn viên đóng thế, phần tiếng nói do diễn viên lồng tiếng đảm nhiệm. 

Tốn kém và gây tranh cãi

Công nghệ trong phim ảnh luôn đi kèm với sự tốn kém, kỹ xảo trẻ hóa diễn viên một cách đỉnh cao như Gemini Man hay The Irishman càng ngốn tiền bạc lẫn thời gian. The Irishman của đạo diễn Martin Scorsese mất tới bốn năm mới hoàn thiện khâu hậu kỳ “trẻ hóa” Robert De Niro, Al Pacino, Joe Pesci, khiến kinh phí phim nhảy vọt lên đến 160 triệu USD.

Còn với Gemini Man, hơn 500 họa sĩ của công ty Weta Digital đã mất hai năm để tạo ra nhân vật Junior hoàn toàn bằng máy tính như trên màn ảnh. Sự công phu này cộng với kỹ thuật quay phim phức tạp - sử dụng máy quay có độ phân giải 4K kết hợp công nghệ 3D với tỷ lệ 120 khung hình/giây - khiến Gemini Man tiêu tốn đến 138 triệu USD. 

Thoi cua cong nghe tre hoa dung mao dien vien
Với CGI việc một diễn viên có thể đảm nhận trọn vai diễn qua các thời kỳ không còn khó nhưng đây là cuộc chơi tốn kém

Việc có thể tạo ra một nhân vật bằng kỹ thuật số mà không cần đến người thật đóng mang lại trải nghiệm điện ảnh mới mẻ, thú vị, đỉnh cao, nhưng cũng có không ít lời chê bai về tính hiệu quả. Dễ thấy nhất là gương mặt trẻ hóa của các nhân vật bị thiếu “hồn”, “đơ” cứng như người mới phẫu thuật thẩm mỹ, như trường hợp Robert Downey Jr. (phim Captain America: Civil War), Michael Douglas (Ant-Man), Michelle Pfeiffer (Ant-Man and the Wasp), Kurt Russell (Guardians of the Galaxy, Vol. 2)… 

Công nghệ CGI làm trẻ hóa diễn viên, không chỉ vậy, còn tiềm ẩn nguy cơ thất nghiệp cho người thật. Đơn cử, ngay trong Gemini Man, thay vì thuê một người có ngoại hình giống Will Smith để vào vai Junior, thì đoàn phim hoàn toàn có thể tạo nên một Junior bằng máy tính. Đó cũng chính là lý do dư luận phản đối khi Magic City Films công bố tài tử quá cố James Dean sẽ tái xuất với vai Rogan trong phim Finding Jack ra rạp năm sau, thay vì chọn một diễn viên đóng vai này.

Khán giả không ai muốn thưởng thức những biểu cảm ảo trên phim, còn diễn viên không ai muốn bị thất nghiệp bởi máy tính. Tuy vậy, tạm thời mối lo này có lẽ cũng chỉ là lo xa, vì chi phí tạo ra nhân vật không phải người thật đóng tốn kém gấp nhiều lần so với thù lao diễn viên. Như đạo diễn Lý An từng tiết lộ, tạo ra Junior tốn gấp đôi lương trả cho Will Smith. 

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI