Thịt heo dội chợ, tiểu thương giảm 20.000 đồng/kg vẫn ế

08/10/2020 - 17:12

PNO - Giá heo hơi và giá thịt bán lẻ đang giảm mạnh, nhiều tiểu thương, doanh nghiệp phải hạ giá, bán lỗ để đẩy hàng đi vì lo ế.

Gần 5g sáng tại Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, chị Ngọc, chủ dậu (sạp) heo mảnh tại đây cho biết, vẫn còn khá nhiều thịt chưa bán được. Chỉ còn hơn tiếng đồng hồ nữa là phiên chợ kết thúc, chị tìm mọi cách để bán hàng ra: giảm giá, bán chịu cho khách quen, thậm chí năn nỉ một số mối lấy hàng thêm so với lượng họ đặt trước đó. Cả tuần qua, lượng thịt tiêu thụ của sạp chị Ngọc đã giảm gần 30% so với trước.

Thịt về chợ đầu mối nông sản Hóc Môn những ngày gần đây rất dồi dào nhưng lượng bán ra khá chậm.
Thịt về chợ đầu mối nông sản Hóc Môn những ngày gần đây rất dồi dào nhưng lượng bán ra khá chậm

Theo các thương nhân, thịt heo những ngày gần đây ế ẩm trong khi lượng heo về chợ tăng lên nhiều so với cách đây 3 tháng. Vì nguồn cung dồi dào, nhưng sức mua lại kém nên các sạp thịt đều phải giảm giá bán.

Đầu phiên chợ, chị Ngọc bán heo mảnh loại ngon nhất với giá 100.000 đồng/kg, tuy nhiên, loại này rất ít. Còn lại, heo ngon cũng chỉ bán được quanh mức giá 90.000 đồng/kg. Càng về sáng, giá heo càng giảm, có lúc giảm xuống dưới mức 80.000 đồng/kg. Cứ vài chục phút trôi qua, giá thịt heo lại giảm thêm vài nghìn đồng mỗi kg.

Đồng cảnh ngộ, chị Lan, chủ sạp heo pha lóc tại đây cho biết, nhiều phiên lực bán chậm nên phải chịu lỗ để đẩy hàng đi, vì chợ không cho bán hàng đông lạnh. Có ngày phải bán tới gần 8h sáng mới hết thịt, trong khi thông thường, 5 – 6g sáng là đã kết thúc rồi”, chị Lan than thở.

Theo đại diện Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn, trong tháng 9, tổng lượng heo về chợ khoảng 390 tấn. So với quý 2, lượng thịt heo về chợ trong quý 3 vừa qua bắt đầu tăng mạnh.

Cụ thể, hồi tháng 3, lượng heo về chợ chỉ khoảng 254 tấn/đêm, đến tháng 4, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội nên lượng heo về chợ giảm chỉ còn khoảng 217 tấn/đêm. Đến tháng 7, lượng heo bắt đầu về chợ tăng nhanh, đạt khoảng 390 tấn/đêm và ổn định cho đến nay.

Điều này được giải thích là nhờ nguồn cung thịt heo trong dân tăng giúp lượng heo về chợ tăng. Hơn nữa, nhu cầu thịt heo cũng tăng khi TPHCM nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho mở cửa lại trường học, quán ăn. Các công ty, xí nghiệp cho công nhân đi làm lại nên lượng tiêu thụ thịt heo cũng tăng lên.

Nguồn cung heo thịt phục hồi nhanh khiến giá giảm
Nguồn cung heo thịt phục hồi trong khi thịt đông lạnh nhập khẩu tăng khiến giá giảm

“Tuy nhiên, hàng bán ra tại chợ rất chậm. Heo về chợ thì tiểu thương phải lấy chợ các mối thôi nhưng rất khó bán ra. Nhiều tiểu thương đến cuối phiên chợ vẫn còn tồn lượng hàng lớn nên phải tìm đủ mọi cách để đẩy hàng đi như bán chịu, giảm giá sâu hoặc ép mối sỉ”, chị Mỹ Hạnh, Chuyên viên  Phòng Kinh doanh, Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối Hóc Môn nhận định.

Theo chị Hạnh, vẫn rất khó đoán định lượng mua và giá cả thịt heo trong dịp tết năm nay. Nguyên nhân là dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế chung của người tiêu dùng. Hơn nữa, thời điểm cuối năm 2019 đầu năm 2020, giá heo tăng cao, nhiều người tập thói quen sử dụng các thực phẩm khác thay thế thịt heo nên lượng tiêu thụ thịt heo cũng giảm. Tuy nhiên, Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn sẽ đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường trong mùa tết, không để xảy ra khan hàng, sốt giá.

Không chỉ tại chợ đầu mối, giá bán thịt heo của một số doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản cũng đã “hạ nhiệt”. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) thông tin, hồi tháng 9, công ty đã có văn bản đề xuất với Sở Tài chính TPHCM giảm giá các mặt hàng thịt heo tham gia chương trình bình ổn thị trường với mức giảm từ 5% - 8%. Nguyên nhân là do giá heo hơi VISSAN mua vào đã giảm xuống mức 78.000 – 78.500 đồng/kg.

Theo ông An, giá heo đầu vào cao đã khiến doanh nghiệp này lỗ 87 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, vẫn rất khó đoán được sức tiêu thụ và giá cả của thị trường tươi sống trong những tháng cuối năm. Nếu giá heo hơi giảm về mức 70.000 đồng/kg như cam kết của Bộ NN&PTNT thì vẫn còn khó khăn cho cả người kinh doanh và người tiêu dùng trong dịp tết này.

Nhập khẩu thịt tăng mạnh

Trái ngược với tình hình tiêu thụ chậm tại các chợ đầu mối, lượng thịt heo nhập khẩu về trong 8 tháng qua tăng rất mạnh. Giá thịt heo nhập khẩu thấp hơn nhiều so với giá thịt nội địa nên nhiều quán ăn, nhà hàng, các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp đã chọn mua từ nguồn này, thay vì dùng heo trong nước. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 64.700 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá hơn 152,5 triệu USD, tăng 272,6% về lượng và tăng 352,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Nga, Brazil, Canada, Hoa Kỳ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020.

Hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Trong đó, có hơn 800 doanh nghiệp từ 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.

Phi Yến

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI