Thi tuyển sinh lớp Mười bao giờ mới hết căng thẳng?

22/03/2023 - 06:00

PNO - Sở GD-ĐT TP Hà Nội vừa công bố tỉ lệ tuyển sinh vào lớp Mười công lập năm học 2023-2024 là 55,7%, giảm so với 60% của năm học 2022-2023 và 64,7% của năm học 2021-2022. Ở nhiều tỉnh thành khác, tỉ lệ tuyển vào lớp Mười công lập cũng chỉ 60 - 70%. Điều này khiến kỳ thi tuyển sinh lớp Mười trên cả nước rất căng thẳng.

Áp lực dồn lên vai học sinh nghèo 

2 năm trước, sau khi biết điểm thi vào lớp Mười của con trai, chị Hà Anh (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) kiệt quệ tinh thần. Chị kể, trưa hôm đó, khi Sở GD-ĐT TP Hà Nội công bố điểm chuẩn, xem xong điểm chuẩn 3 trường mà con trai chọn, chị bỗng hoảng loạn. 

Học sinh thi tuyển vào lớp Mười ở TPHCM năm học 2022-2023 - ẢNH: P.T.
Học sinh thi tuyển vào lớp Mười ở TPHCM năm học 2022-2023 - Ảnh: P.T.

Suốt 9 năm qua, vợ chồng chị đều đặn nhận tin con đạt học sinh giỏi. Thế nhưng, đến mốc quan trọng thì con trai chị bị trượt dù chỉ cần thêm 0,25 điểm là đỗ vào trường gần nhà. Trước đó, chị không hề chủ quan, thậm chí còn xem kỳ thi này còn quan trọng hơn thi vào đại học. Khi chọn nguyện vọng, chị cùng con chọn trường ở nhóm vừa sức để không trượt. Khi biết kết quả thi, cả chị và con đều sốc vì điểm chuẩn tăng 3 điểm so với những năm trước.

Do dịch COVID-19, thu nhập của vợ chồng chị đều sụt giảm. Cho con học ở trung tâm giáo dục thường xuyên thì sợ môi trường không phù hợp, vào trường tư thì không đủ tiền nên cuối cùng, vợ chồng chị đành cho con đi học nghề hàn xì. Đến giờ, chị vẫn còn tiếc. Giá như chỉ tiêu tuyển vào lớp Mười công lập nhiều hơn một chút thì con chị đã có cơ hội, giá như gia đình chị khá giả thì con cũng được học trường tư tốt…

Cùng chung cảnh có con trượt lớp Mười công lập do chỉ tiêu ít, anh Ngô Hữu Trí (quận Hà Đông, TP Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi biết điểm chuẩn và biết mình trượt, con gái tôi đã bị sốc, dùng dao cắt tay bởi năm nào cháu cũng thi học sinh giỏi. 1 năm trôi qua, tôi vẫn không hiểu sao ở thủ đô mà con lại không thể đi học khi có nhu cầu và lực học. Dù động viên thế nào, con tôi cũng không học trường tư. Cháu quyết định mở một quán trà chanh nhỏ ngay trước cửa nhà. Nhiều khi nhìn con mà thương vô cùng”.

Trong năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TP Hà Nội dự kiến tuyển vào lớp Mười trường công lập khoảng 72.000 học sinh, tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023, chiếm tỉ lệ 55,7% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS, số còn lại sẽ vào trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp. Tỉ lệ này giảm khoảng 4,3% so với năm học 2022-2023 và giảm khoảng 9% so với năm học 2021-2022 dù số học sinh tốt nghiệp THCS tăng hằng năm.

Tăng quỹ đất và kinh phí cho giáo dục

Theo tiến sĩ Trần Xuân Lượng - giảng viên chuyên ngành bất động sản, Trường đại học Kinh tế quốc dân - để

Năm học 2023-2024, tỉ lệ tuyển vào lớp Mười công lập của tỉnh Vĩnh Phúc là 63%, tỉnh Bình Dương là 70%, tỉnh Đồng Tháp 70%, TP Cần Thơ là 66 - 76% tùy khu vực, tỉnh Vĩnh Long là 73% trên tổng số học sinh tốt nghiệp THCS.

xảy ra tình trạng trên là do nhiều nguyên nhân: khách quan là do quy hoạch, dự báo quy hoạch, tầm nhìn quy hoạch đều “có vấn đề”, vừa quy hoạch xong đã quá tải, lạc hậu; chủ quan là do quỹ đất xây trường lớp quá hạn chế hoặc ở các vị trí không thuận lợi. Ông nói: “Các nước dành quỹ đất cho y tế, giáo dục rất lớn và họ có tầm nhìn rất xa. Chúng ta phải học hỏi điều đó”.

Học sinh ở TP Hà Nội dự kỳ thi vào lớp Mười năm học 2022-2023 - ẢNH: ĐẠI MINH
Học sinh ở TP Hà Nội dự kỳ thi vào lớp Mười năm học 2022-2023 - Ảnh: Đại Minh

Theo ông, giải pháp lâu dài là phải cụ thể hóa quỹ đất cho giáo dục. Ở thủ đô mà trẻ em lại không có nơi để học thì không thể gọi là phát triển bền vững được. Do thiếu quy định rõ ràng về quy hoạch như trách nhiệm, tiến độ triển khai nên mới xảy ra tình trạng ôm đất xây trường học rồi bỏ hoang. Do đó, cần có quy định cụ thể về đất giáo dục, tương xứng với ý nghĩa “quốc sách hàng đầu”, ưu tiên quy hoạch đất xây dựng trường học vào những vị trí thuận lợi, dễ giải phóng mặt bằng, không quy hoạch vào những chỗ “xương” như nhà dân, nghĩa trang.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) - cho rằng, ở các địa phương nào, nhu cầu học tập của người dân cần phải được chính quyền quan tâm đúng mức, con em phải được đi học theo nhu cầu. Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật, công nghệ phát triển như hiện nay, rất cần đội ngũ nhân lực có khả năng học tập suốt đời mà tốt nghiệp THPT là một trong những điều kiện cần. Học sinh cần có nền tảng học vấn THPT để trau dồi và rèn luyện sau này. 

Cũng theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, chỉ 55,7% học sinh lớp Chín có cơ hội đỗ vào lớp Mười công lập là tỉ lệ quá thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này không phản ánh đúng xu hướng phát triển giáo dục trên thế giới, thể hiện sự thiếu quan tâm của chính quyền thành phố với việc học của người dân và lãnh đạo thành phố chưa có tầm nhìn xa. Người lao động ở trình độ trung học là nguồn quý giá để đào tạo lao động có kỹ năng ở bậc đại học, mới có điều kiện phát triển cơ hội đổi mới sáng tạo. 

Theo ông, để giải quyết áp lực tuyển sinh lớp Mười, về lâu dài, cần huy động nguồn lực xã hội, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở trường tư. Khi có nhiều trường tư thì học sinh có thêm nhiều lựa chọn và khi cung vượt quá cầu thì học phí chắc chắn giảm. Hiện nay, TP Hà Nội cũng có trường tư nhưng chưa nhiều và học phí thì cao ngất ngưởng, con nhà nghèo không thể có cơ hội vào trường tư. Chính quyền thành phố nên nghiên cứu thí điểm chuyển trung tâm giáo dục thường xuyên thành trường THPT từ đó giảm áp lực thi tuyển đầu vào cho bậc học này.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói: “Nếu học sinh không muốn học hoặc không có khả năng học thì cho đi học nghề sớm. Không thể vì thiếu trường lớp mà dồn học sinh sang học nghề, sang trung tâm giáo dục thường xuyên hay trường tư rồi nói đó là phân luồng. Như thế là sai bản chất. Chúng ta phải hiểu cho đúng, phân luồng là để học sinh có kỹ năng và làm việc được. Muốn thế thì phải tạo điều kiện cho học sinh học. Thời cuộc có nhiều thay đổi nên cần có sự đổi mới nhận thức về việc này trong quá trình hoạch định chính sách”.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI