Thị trường bất động sản sau giãn cách chủ yếu phục hồi… niềm tin

19/12/2021 - 13:24

PNO - Sau hơn một tháng bước vào trạng thái “bình thường mới”, thị trường bất động sản TPHCM đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn lo ngại khó hồi phục tốt do nhiều vướng mắc pháp lý chậm tháo gỡ.

Thị trường chuyển biến tốt hơn nhưng khó sôi động

Bà Nguyễn Hương - tổng Giám đốc Đại Phúc Land chia sẻ: “Đại Phúc cũng như nhiều doanh nghiệp khác đều gặp khó khăn trong dịch bệnh nhưng đang tái khởi động sau giãn cách và đã chuẩn bị tâm thế cho tình hình mới. Hiện công ty đã khôi phục khoảng 70% hoạt động ở công trường do thiếu công nhân. Doanh nghiệp luôn trong tâm thế xác định dịch bệnh còn kéo dài, có thể phải đối mặt những đợt bùng phát sắp tới, cần tìm giải pháp ứng phó linh hoạt, vượt qua được giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, ưu tiên duy trì nguồn nhân lực, hoạt động của tập đoàn, việc đầu tư phát triển trở lại trong quý IV. Năm nay, điểm sáng về mặt pháp lý điều chỉnh nhiều luật như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư. Hy vọng việc thực thi nhanh chóng, thuận lợi, giúp giảm thiểu lệch pha về cung cầu.

Theo ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc Nghiên cứu và phát triển DKRA Việt Nam, trong quý 4/2021 thị trường có thể sôi động và phục hồi hơn so với quý 3 nhưng khó gọi là bùng nổ giao dịch. Sức mua những tháng cuối năm có thể bằng hoặc tăng nhẹ so với quý 3, nhưng vẫn suy giảm so với quý 1 hoặc cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân do người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác đang thận trọng quan sát. Thị trường thứ cấp chưa tích cực nên gây tác động đến sức mua của thị trường. 

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản TPHCM
Theo các chuyên gia, pháp lý vẫn là rào cản lớn nhất của thị trường bất động sản TPHCM

Cũng theo ông Hoàng, dù hiện thị trường đã có tâm lý tích cực, niềm tin ngày càng cao, nhưng cũng phải nhìn thẳng vào những khó khăn, thách thức thị trường đã và đang đối mặt trong thời gian qua và sắp tới vẫn lớn. Cụ thể, nguồn cung mới vẫn hạn chế, nhiều dự án chưa được tháo gỡ vướng mắc về pháp lý. Một số vấn đề về pháp lý vẫn chưa theo kịp sự thay đổi và phát triển của thị trường, dễ thấy nhất là loại hình condotel vẫn chưa có quy định rõ ràng, cụ thể trong văn bản luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sở hữu cũng như những quy định về trách nhiệm của các bên liên quan. Phân khúc nhà ở vừa túi tiền gần như đã biến mất hai năm trở lại đây, trong khi đó giá bất động sản liên tục tăng ở mọi phân khúc, thậm chí là kỷ lục mặt bằng giá luôn bị xô đổ, dù thị trường bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Pháp lý vẫn là lực cản lớn nhất của thị trường  

Theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, hiện thủ tục về đầu tư, xây dựng, nhất là thủ tục tiếp cận đất đai, dù đã được tiết giảm nhưng vẫn rất phức tạp. Vì vậy, còn rất nhiều dư địa để chúng ta cải thiện. Thực tế, từ tháng 5/2020, khi có Nghị quyết 68 về cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025 nhưng trong 1,5 năm qua vẫn chưa làm được nhiều, vẫn còn nhiều ách tắc, lãng phí. Tại TPHCM hiện có hơn 100 dự án bị ách tắc vì vướng đất xen cài là ví dụ điển hình.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM chia sẻ: “Chúng tôi khẳng định thị trường có khả năng tự phục hồi. Doanh nghiệp bất động sản không xin hỗ trợ tiền chỉ xin cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn là có thể bật dậy mạnh mẽ, nhưng việc này làm quá chậm. Dù cuối năm 2020 vướng mắc đất công xen cài chính thức được các cơ quan chức năng bắt tay tháo gỡ, nhưng khâu tổ chức thực hiện chậm, đến nay mới chỉ có 10 tỉnh ban hành quyết định. Có những quy trình về đầu tư xây dựng UBND TP.HCM đã chỉ đạo sở ngành tháo gỡ nhưng nay vẫn chưa làm, hồ sơ dự án vẫn tắc, giảm nguồn cung dự án, sản phẩm, dẫn tới giá tăng bất hợp lý”.

“Khi xây dựng Luật Đầu tư 2020, có dự án có đất y tế, giáo dục trước đây không doanh nghiệp nào muốn đầu tư nhưng nay lại là loại đất kinh doanh có hiệu quả. Doanh nghiệp muốn đầu tư liên kết xây dựng trường quốc tế nhưng không giải quyết được thủ tục đầu tư do chưa có quy định rõ ràng. Luật Đầu tư có cơ chế chủ đầu tư được quyền đề xuất đất y tế, giáo dục là giữ lại hay bàn giao nhà nước. Nhưng các sở ngành lại làm văn bản hỏi ý kiến về thủ tục đầu tư, yêu cầu doanh nghiệp trình bày này kia trong khi vấn đề này đã được quy định rồi, làm vụ việc xoay long vòng không có lối ra” – ông Lê Hoàng Châu nói thêm.

Theo TS Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, hiện nay, hội đồng tư vấn đang kiến nghị với TPHCM trong chương trình trung hạn phục hồi kinh tế, xem phục hồi thị trường bất động sản là bước đột phá để dẫn dắt, kích thích sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và TPHCM nói riêng.

“Đối với TPHCM, bất động sản là một trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực để phát triển. Giờ hỗ trợ doanh nghiệp lại cần nhóm chính sách như: tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tất cả nút thắt, thắt chỗ nào phải gỡ để doanh nghiệp bung lên, đơn cử như hơn 100 dự án tồn đọng, cần tháo gỡ để cho họ hoạt động. Nhưng khổ là mỗi dự án vướng khác nhau thì phải có hướng xử lý khác nhau, dù vậy, nhất quyết phải gỡ bởi đây là bước khởi động đầu tiên để cho thị trường phát triển”- ông Trần Du Lịch nhận định. 

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI