Thị trường bất động sản cần sớm khắc phục tình trạng không ai dám quyết

29/10/2021 - 18:30

PNO - Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Triển vọng thị trường bất động sản sau đại dịch COVID-19” do Báo Tiền Phong tổ chức.

TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chửng lại của doanh nghiệp bất động sản trong khoảng 2 năm qua đã tạo ra mất cân đối cung cầu và khiến thị trường bất động sản Việt Nam méo mó. Vì vậy, cần vai trò điều tiết, can thiệp của cơ quan chức năng. TP HCM là một trong những điểm như vậy.

“Vấn đề hiện nay là phải hoàn thiện, phục hồi làm sao tăng dự án bất động sản như thời gian trước khi bị chững lại. Để thực hiện việc này, cần thay đổi cơ chế về mối quan hệ trong thực thi các cơ chế chính sách, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Về mặt khoa học đó chính là phân cấp, phân quyền. Mọi phân quyền trong lĩnh vực bất động sản sẽ có những thay đổi lớn. Hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng không ai dám quyết và gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản” – ông Ánh nhận định.

Thị t
"Nên khắc phục được tình trạng không ai dám quyết và gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản” - các chuyên gia nhận định 

Theo một lãnh đạo của Tập đoàn Hưng Thịnh, tuy dịch bệnh kéo dài gây nhiều tổn thất nhưng giá bất động sản đều tăng rất cao, nhất là các sản phẩm để ở và bất động sản vùng ven do quỹ đất không còn. Các tỉnh vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương cũng không còn quỹ đất tốt, có pháp lý hoàn thiện nên các doanh nghiệp phải ra xa nữa mới tìm kiếm được quỹ đất để phát triển dự án. Điều này khiến các quỹ đất eo hẹp và giá vì thế cũng tăng giá cao.

Không những thế, các chi phí vốn, xây dựng, tiền sử dụng đất cũng tăng mạnh khiến giá bất động sản tăng theo. Thực tế hiện nay phát triển bất động sản ở các tỉnh không chỉ dựa vào TPHCM mà ở nơi đây đều có các trung tâm để thu hút dân về, ngay cả TPHCM cũng không còn lấy quận 1, 3 là trung tâm mà có các trung tâm đã dời về các quận, từng quận là từng trung tâm riêng. Các tỉnh vệ tinh của TP cũng có các trung tâm nên giá cũng tăng nhiều. 

Các tỉnh vệ tinh hiện nay cũng kết nối hạ tầng khá tốt vào trung tâm TP.HCM, giúp kéo gần khoảng cách di chuyển, khiến thị trường bất động sản tăng trưởng tốt.

Ngoài ra, nhìn lại các ngành thì bất động sản vẫn là một kênh đầu tư an toàn, được người dân Việt Nam ưa chuộng nhất, nên dịch bệnh càng lấy lan, người dân càng chọn bất động sản làm kênh trú ẩn, đầu tư an toàn và dài hạn. Đây là điều khiến thị trường bất động sản nhanh chóng hồi phục khi mà các địa phương nới lõng giãn cách, được đi lại. 

Ông Nguyễn Thanh Quyền - Tổng giám đốc Tập đoàn địa ốc Thắng Lợi, cho rằng, qua nghiên cứu, khảo sát trên 1.500 khách hàng giao dịch với công ty trong những tháng gần đây cho thấy trên 62% khách hàng mua đầu tư, 23% khách mua để ở, xuất hiện nhóm phân vân không biết nên ở hay đầu tư khoảng 15%. Trong nhóm khách hàng mua để ở thì có hơn 51% mua ở ngay và số còn lại trả lời ở một số ngày cuối tuần, ở thử nghiệm trước rồi tính sau.

Ngoài ra, qua khảo sát thì có 78% khách hàng mua bất động sản vùng ven đến từ TP.HCM, số còn lại đến từ các địa phương khác. Như vậy đã bắt đầu xuất hiện các khách hàng đến từ các địa phương khác. 

Theo ông Quyền, sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát 2 năm qua đã xuất hiện xu hướng mua căn nhà thứ 2 để chống dịch, để làm nơi trú ẩn an toàn và khách hàng chấp nhận đi xa để mua nhà tại các dự án có không gian sống xanh, an toàn, tiện ích. 

Ông Huỳnh Phước Nghĩa - Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, chuyên gia tư vấn GIBC cho rằng, dịch COVID-19 bùng phát đã chuyển nguồn lực vào nền kinh tế trọng yếu, doanh nghiệp tái cấu trúc kinh doanh để thích ứng với thực tế. Vùng TPHCM vẫn bị tắt hạ tầng trọng yếu, những ưu tiên về hạ tầng cần phải dài hạn. Trong khoảng 10 năm qua, một vài chủ đầu tư cũng chuyển đổi mô hình qua tích hợp kinh tế cho doanh nghiệp chứ không riêng đầu tư bất động sản. Đòn bẩy tài chính của chủ đầu tư cho những dự án lớn có thể bị ảnh hưởng, vì vậy sẽ tăng trái phiếu và M&A. Động lực về phát triển công nghiệp và công nghiệp đô thị, công nghiệp xanh, công nghiệp thông minh sẽ tạo điều kiện kéo thị trường bất động sản lên. “Không có nhu cầu hài hòa giữa cung và cầu, sự mất cân đối sẽ còn kéo dài trong 5-10 năm tới” – ông Nghĩa nói.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI