Thêm thông tin đáng chú ý về bức họa “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ”

01/03/2013 - 17:35

PNO - PNO - Câu chuyện bức họa thủy mặc “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” bắt đầu từ bản sao, được rao bán đấu giá 1,8 triệu USD vào tháng 4/2012 từng làm giới nghiên cứu lịch sử, hội họa, báo chí trong và ngoài nước tốn không ít...

Những khúc mắc về bức tranh quý liên quan đến Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông…đã phần nào được nhà nghiên cứu văn hóa Phật giáoTrần Đình Sơn lí giải trong buổi nói chuyện về đề tài Giới thiệu một sử liệu quan trọng liên quan đến Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông: "Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ” nhân chuyến ông về thăm quê nhà vào chiều 27/2 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (số 15A, Lê Lợi, TP. Huế). Qua buổi nói chuyện, phần nào những bí mật về bức tranh cổ dần dần được công chúng biết đến nhiều hơn.

Them thong tin dang chu y ve buc hoa “Truc Lam dai si xuat son do”

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn giới thiệu phiên bản bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ tại buổi nói chuyện

Theo diễn giả Trần Đình Sơn, bức họa đồ Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ do họa sư Trần Giám Như hoàn thành năm 1363, sau được các danh sĩ đời Minh viết nối thêm lời bình dẫn, tôn vinh Trúc Lâm đại sĩ. Thư pháp đặc sắc của họ hợp cùng họa phẩm tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật thư - họa, có tổng chiều dài hơn 9m. Khoảng năm 1922, hoàng đế cuối cùng nhà Thanh là Phổ Nghi tuy đã thoái vị nhưng vẫn ở trong Tử cấm thành, thời kỳ này nhiều bảo vật được bí mật “tuồn” ra ngoài, trong đó có bức thư họa nói trên. Lưu lạc đến năm 1949, số báu vật này mới được đưa vào Bảo tàng Đông Bắc (nay là Bảo tàng Liêu Ninh), công chúng không mấy dịp được chiêm ngưỡng. Bức Trúc Lâm đại sĩ cũng vì thế mà biệt tích. 

Them thong tin dang chu y ve buc hoa “Truc Lam dai si xuat son do”

Một phần bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ

Năm 2004, Bảo tàng Liêu Ninh triển lãm và công bố các báu vật bị thất tán thời Phổ Nghi, nhưng phải đợi đến cuộc đấu giá ấn tượng tháng 4/2012, lần đầu tiên công chúng mới được diện kiến ảnh tượng Phật Hoàng (ngồi cáng) an nhiên mà sinh động xuống núi khởi sự giáo hóa chúng sinh. Đặc biệt, sự kiện bán đấu giá bức tranh phó bản tại Bắc Kinh vào năm 2012 với giá lên đến 1,8 triệu đô la đã thu hút sự quan tâm của công luận.

Tại Việt Nam, bức họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ được người yêu tranh biết đến từ bản sao, được chụp lại trên mạng với những thông tin từ bài thuyết trình của thạc sỹ Phạm Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Cùng với những ý kiến đóng góp của các chuyên gia mỹ thuật, sử học, bức họa đã được tái hiện lại một cách đầy đủ cả giá trị nghệ thuật và lịch sử. Nhân vật trung tâm trong bức họa là vua Trần Nhân Tông (1258 - 1309), đại sĩ của thiền phái Trúc Lâm. Vị vua này đã hoàn toàn dứt bỏ gia tư và triều chính để tu từ năm 1299, đại giác và trở thành đệ nhất tổ của thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam.

Với Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ, lần đầu tiên người xem được diện kiến ảnh tượng Phật Hoàng (ngồi cáng) an nhiên mà sinh động, xuống núi khởi sự giáo hóa chúng sinh. Đây là bức ảnh độc đáo, không tìm thấy trong kho tư liệu về Trần Nhân Tông. Hiện di ảnh Trần Nhân Tông được lưu giữ đến nay chỉ còn vài bức họa và tôn tượng nên bức họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ là một tư liệu quý giá, không chỉ có giá trị về một sự kiện lịch sử mà còn hé lộ chân dung vốn rất hiếm hoi của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, con gái và Hoàng đế Trần Anh Tông (1267 - 1320).

Them thong tin dang chu y ve buc hoa “Truc Lam dai si xuat son do”

Các nhà nghiên cứu, trí thức Huế được tận mắt thưởng lãm phiên bản
“Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, bức thư họa có tổng chiều dài 9,61m trong đó 3,1m là phần lòng tranh, còn lại là triện đầu tranh và các bài bạt tựa phía sau tranh được cho là của họa gia Trần Giám Như. Các sử gia, chuyên gia mỹ thuật Việt Nam đang đặt dấu hỏi về tác giả thực của bức thư họa. Bởi một giám thưởng gia ở thời kỳ nhà Minh, làm sao biết được vua Trần Nhân Tông dứt bỏ bụi trần, lên núi tu hành để họa bức thư họa có giá trị lịch sử và nghệ thuật đến thế? Có thể, vì những lý do chưa rõ ràng, nên bức thư họa vẫn lưu lạc, lang thang?

Diễn giả Trần Đình Sơn đã nói về hoàn cảnh và nguyên nhân sáng tác của bức thư - họa: Trần Giám Như là ai, người Việt hay người Trung Quốc, bức thư họa được vẽ trong hoàn cảnh nào, tại Trung Quốc hay tại Việt Nam, vì sao lại có những bài bình và tác giả của những bài bình trên bức thư họa?...Vì sao lại lấy Trúc Lâm đại sĩ làm chủ đề cho tác phẩm? Bức thư- họa này còn có khả năng liên quan đến một cộng đồng người Việt họ Trần lưu lạc sang Trung nguyên thời ấy...

Kết thúc buổi nói chuyện, diễn giả Trần Đình Sơn nói: Câu chuyện bức thư họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ cho thấy nhiều tư liệu phản ánh lịch sử, nhận biết và sưu tầm kịp thời bức tranh này (dù chỉ là phiên bản) đã góp phần phục dựng bức tranh quá khứ của đất nước. Diễn giả rất may mắn có được phiên bản trọn vẹn của tác phẩm này, ông hi vọng mọi người cùng chia sẻ, cùng nghiên cứu những nhận biết của mình về bức tranh để sớm có được những thông tin chính xác về sử liệu đặc biệt quan trọng này.

Nhà giáo Trần Viết Điền và nhà Huế học Phan Thuận An đã đặt vấn đề liên quan đến các bức tranh gương thời Nguyễn với đề tài "Thần Kinh Nhị Thập Cảnh" của vua Thiệu Trị, do các họa sĩ Trung Quốc vẽ theo đơn đặt hàng của triều đình, trong đó toàn bộ cảnh quan, hoa lá, cây cối, nhà cửa cung điện và cả con người...đều toát lên phong thái Trung Quốc mà ít mang những đặc trưng "Nhị thập cảnh của Việt Nam". Theo ông Phan Thuận An, bức thưhọa này "chất liệu Việt" rất mạnh mẽ, từ phong cảnh đến con người. Ông lưu ý nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chú ý đến chi tiết này để tiếp tục nghiên cứu về bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ.


Bài và ảnh: THUẬN HOÁ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI