Thế giới thất bại với việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ

26/09/2022 - 06:25

PNO - Kết quả một khảo sát sức khỏe phụ nữ toàn cầu do Viện Gallup thực hiện cho thấy, không có quốc gia nào đạt hơn 70 điểm.

Đối với phụ nữ trên toàn cầu, năm thứ hai của đại dịch COVID-19 mang lại nhiều thách thức về sức khỏe hơn năm đầu tiên.

Kết quả một khảo sát sức khỏe phụ nữ toàn cầu do Viện Gallup (công ty tư vấn và phân tích có trụ sở ở Mỹ) thực hiện để đánh giá mức độ đáp ứng nhu cầu sức khỏe của phụ nữ trong năm qua cho thấy, không có quốc gia nào đạt hơn 70 điểm. Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc), Latvia, Áo và Đan Mạch đứng ở các vị trí đầu bảng. Ba quốc gia có ít hơn 40 điểm là Afghanistan, Congo và Venezuela. 

Năm 2021, trên toàn cầu có khoảng 1,5 tỷ phụ nữ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe - ẢNH: HEALTHCARE
Năm 2021, trên toàn cầu có khoảng 1,5 tỷ phụ nữ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe - Ảnh: HealthCare 

Các quốc gia được chấm điểm dựa trên câu trả lời của phụ nữ về các câu hỏi trong năm hạng mục: sức khỏe tổng quát, chăm sóc phòng ngừa, sức khỏe tâm thần, sự an toàn, và các nhu cầu cơ bản như thực phẩm và chỗ ở. “Gánh nặng kinh tế và tâm lý của đại dịch đè nặng lên nhiều hộ gia đình, và chúng tôi biết rằng nó đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ” - Gertraud Stadler - Giám đốc Viện Y học giới tại Bệnh viện Charite ở Berlin - nhận định.

Theo Viện Gallup, 2021 là năm mà phụ nữ căng thẳng, lo lắng, buồn bã và bất lực hơn bất kỳ thời điểm nào trong thập niên trước. “Nhìn chung, dữ liệu này rất nghiêm túc và tất cả chúng ta hiểu rằng phụ nữ cần được tham gia vào các vấn đề chăm sóc sức khỏe” - tiến sĩ Susan Harvey - Phó Chủ tịch phụ trách y tế toàn cầu tại Hologic - cho biết.

Theo Hologic và Gallup, năm lĩnh vực quan trọng được đánh giá trong chỉ số sức khỏe phụ nữ toàn cầu có thể giải thích hầu hết sự thay đổi trong tuổi thọ của phụ nữ và kết quả khảo sát cho thấy thế giới đang thất bại trong việc chăm sóc phòng ngừa cho phụ nữ. Năm 2021, khoảng 1,5 tỷ phụ nữ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc dự phòng. Trên toàn cầu, chỉ có khoảng 1/8 phụ nữ được tầm soát ung thư.

Mặc dù cách khắc phục khuyết điểm này không quá khó nhưng các chuyên gia cho rằng nó thực sự phản ánh nhiều tầng thách thức mà phụ nữ phải đối mặt. “Phụ nữ luôn là người chăm sóc bản thân sau cùng”, Katie Schubert, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội Nghiên cứu sức khỏe phụ nữ, một nhóm hoạt động có trụ sở tại Mỹ cho biết.

Bà nói thêm: “Điều này phản ánh nhiều gánh nặng khác nhau mà phụ nữ đang phải gánh chịu. Điển hình như phụ nữ có xu hướng đi khám sức khỏe cho con mình nhiều hơn là đi khám cho mình. Ở những nước nghèo, phụ nữ thường nhường tất cả vấn đề y tế, thực phẩm, tiền của cho con cái và gia đình hơn là dành cho chính họ”.

Theo một báo cáo của Quỹ Phát triển phụ nữ và Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên Hiệp Quốc công bố trong tháng này cho thấy, với tốc độ như hiện nay, bình đẳng giới sẽ không đạt được vào năm 2030 như dự kiến, thay vào đó, nó sẽ mất hàng thế kỷ. “Điều quan trọng là chúng ta phải tập hợp đầu tư vào phụ nữ và trẻ em gái để cải tạo và đẩy nhanh tiến độ” - Sima Bahous - Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển phụ nữ - nói. 

Tìm hướng giải quyết vấn đề này, các chuyên gia đồng ý rằng cần cải thiện sức khỏe phụ nữ, bởi nâng cao sức khỏe cho phái nữ chính là nâng cao toàn xã hội. “Phụ nữ thường có vai trò quản lý sức khỏe trong gia đình, vì vậy chồng con, cha mẹ cũng được hưởng lợi từ sức khỏe của phụ nữ. Nếu không có sức khỏe nền tảng này, chúng ta sẽ không thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào liên quan đến ổn định kinh tế hoặc xã hội. Hy vọng là sau khi đại dịch đang lùi dần thì sức khỏe phụ nữ càng được nâng cao” - bà Katie Schubert nói. 

Lệ Chi (theo CNN, UN Women)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI