Thầy trò TPHCM tự tin xuất khẩu “đặc sản” giáo dục ra quốc tế

25/03/2023 - 07:15

PNO - Trường học hạnh phúc, chuyển đổi số - “đặc sản” giáo dục TPHCM được thầy trò tự tin “xuất khẩu” đến bạn bè quốc tế qua chương trình giao lưu hợp tác.

Học sinh trường thầy cô hạnh phúc quá!

“Điều tôi cảm nhận rõ nét nhất trong chuyến thăm trường và dự giờ các tiết học đó là niềm hạnh phúc của học sinh. Các em hạnh phúc quá, luôn vui cười, sôi nổi trong giờ học, tự tin khi giao tiếp. Tất cả rõ rệt và hiện hữu hơn so với những gì chúng tôi tưởng tượng trước khi đặt chân đến đây” - một chuyên gia giáo dục Singapore trong chuyến thăm Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đã chia sẻ với giáo viên và học sinh nhà trường. 

Tham dự vào những giờ học hạnh phúc
Tham dự vào những giờ học hạnh phúc

Trong chuyến thăm, các hướng dẫn viên nhí là học sinh đảm nhận nhiệm vụ… dẫn đoàn. Các em trong bộ quần áo đồng phục lớp nhiều màu sắc đã đưa những vị khách đặc biệt đến phòng thí nghiệm, thư viện, phòng học bộ môn, tham gia tiết học… 

Dự giờ tiết học khoa học tự nhiên lớp 6/1, những vị khách quốc tế được học sinh giới thiệu cách sử dụng điện thoại để tham dự trực tiếp vào trong tiết học, trả lời các câu hỏi tương tác cùng cả lớp trong giờ học…

“Em muốn thầy cô nước ngoài thấy được rằng giáo dục của Việt Nam đã có sự thay đổi, ứng dụng thêm công nghệ thông tin vào trong giờ học, học sinh Việt Nam không phải chỉ sử dụng điện thoại để vào Facebook, xem TikTok mà còn dùng điện thoại phục vụ mục đích học tập trong chính giờ học” - Thảo Vy - học sinh lớp 6/1 - tự tin chia sẻ.

Cô Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du - cho biết, khi tiếp đón chuyên gia giáo dục nước ngoài đến thăm, trường mong muốn mang đến những trải nghiệm thực tế nhất về công tác giáo dục, rèn luyện của trường nên thiết kế “tour” một ngày làm học sinh Trường THCS Nguyễn Du dành cho các vị khách này. Các giáo viên nước ngoài được cùng học, cùng chơi với học sinh, tham dự trực tiếp vào tiết học song không phải với tư cách là… khách dự giờ.

“Trong tiết học, những thầy cô nước ngoài được giáo viên, học sinh trong lớp hướng dẫn cách sử dụng điện thoại tham gia trực tiếp vào môn học, tương tác với bài giảng của giáo viên và các hoạt động trong lớp như những học sinh thực thụ. Thông qua việc học cùng, chơi cùng, các đặc sản của việc đổi mới giáo dục tại trường trong năm học này như chuyển đổi số giáo dục” - cô Trang cho hay.

Học sinh tự tin thể hiện với thầy cô giáo nước bạn
Học sinh tự tin thể hiện với thầy cô giáo nước bạn

Hiệu trưởng này chia sẻ thêm, hằng tuần nhà trường dành ngày thứ Sáu để học sinh các lớp được mặc trang phục tự do chứ không phải gò bó trong bộ đồng phục trường. Ngày này còn được học sinh trong trường gọi vui là “ngày hạnh phúc”. 

“Các vị khách nước ngoài đã rất ngạc nhiên khi mỗi lớp lại khoác lên một bộ đồng phục riêng biệt theo cá tính của từng lớp. Khi biết đây là đồng phục lớp do chính học sinh các lớp tự thiết kế, được nhà trường dành ra 1 ngày để các em mặc, thì các thầy cô nước ngoài đã vô cùng phấn khích. Họ nói rằng, học sinh trường thầy cô hạnh phúc quá…” - cô Trang hào hứng. 

Đặc sản đổi mới giáo dục 

Không khí đổi mới giáo dục với những giờ học sinh động, trải nghiệm thú vị lại là “đặc sản” được Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) giới thiệu đến đoàn chuyên gia giáo dục đến từ 14 trường tiểu học, THCS Singapore trong chuyến thăm trường lần này. 

Tham quan các phòng chức năng như phòng tư vấn tâm lý, phòng khoa học - công nghệ, thể thao đa năng, tham dự trực tiếp vào những tiết học - những trải nghiệm trực quan đã mang đến nhiều ngạc nhiên, bất ngờ cho thầy cô nước ngoài. 

Chứng kiến các nhóm học sinh làm việc nhóm để tạo ra dòng điện thắp sáng bóng đèn từ những vật dụng đơn giản trong tiết khoa học lớp 5, nhiều giáo viên nước ngoài thích thú đặt câu hỏi và dùng điện thoại ghi hình lại sản phẩm của học sinh. Mỗi câu hỏi của những vị khách đặc biệt, học sinh mạnh dạn trả lời khiến khách phải thốt lên ngỡ ngàng: “Thật ngạc nhiên, thật ngạc nhiên”.

“Khi thực hiện đổi mới giáo dục thì không chỉ ở các khối lớp triển khai Chương trình GDPT 2018 mới được nhà trường đổi mới giảng dạy theo hướng phát triển năng lực mà ngay các khối lớp khác thực hiện theo chương trình giáo dục hiện hành cũng được nhà trường thiết kế đổi mới giảng dạy theo hướng này. Không dừng ở việc truyền thụ kiến thức một chiều mà các tiết học, hoạt động giáo dục được làm mới thông qua các hoạt động trải nghiệm gắn kiến thức môn học với thực tiễn nên các giờ học rất sinh động, học sinh hào hứng…” - cô Trần Bé Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học - chia sẻ.

Đổi mới giáo dục là đặc sản được thầy trò Trường tiểu học Nguyễn Thái Học muốn giới thiệu đến các chuyên gia quốc tế
Đổi mới giáo dục là đặc sản được thầy trò Trường tiểu học Nguyễn Thái Học muốn giới thiệu đến các chuyên gia quốc tế

Cô Hồng Hạnh nhìn nhận, nếu so về cơ sở vật chất thì nhà trường có thể thua kém các trường nước bạn vì điều kiện mặt bằng chung còn khó khăn, nhưng về đổi mới giáo dục thì đây là niềm tự hào - là đặc sản mà nhà trường muốn các chuyên gia giáo dục nước ngoài cảm nhận được qua từng hoạt động giáo dục của trường.

“Thầy cô mạnh dạn đổi mới, học sinh nỗ lực trong giờ học đã mang đến diện mạo mới trong các hoạt động dạy và học nhà trường. Thành quả không hẳn là điểm số của học sinh mà thể hiện qua sự tự tin, mạnh dạn của các em khi mạnh dạn trò chuyện, dẫn dắt khách đến thăm trường bằng ngôn ngữ tiếng Anh. Khi về lại nước mình, chắc chắn những hình ảnh đổi mới giáo dục của nhà trường, sự tự tin của học sinh sẽ là câu chuyện được các thầy cô nước bạn truyền đi, xuất khẩu…” - cô Hạnh bày tỏ. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI