Thanh kiếm và cái khiên 75 tuổi ở góc rừng…

31/08/2020 - 07:48

PNO - Làng A Chia, thôn Nar, xã Lăng ở trên ngọn núi cao 900m so với mặt nước biển. Muốn đến đó, người ta chỉ còn cách đi bộ. Mùa khô thì xe máy quăng quật bám đường mòn nhảy rêm người vì đá đến chân núi, nhưng mùa mưa thì hãy coi chừng, vì làng ở ngay đầu nguồn sông A Vương vốn hung dữ và đầy bất trắc bởi những cơn lũ rừng.

Tôi đến tìm gặp những người ở đó. Người dẫn đường là ông Briu Quân, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội H.Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cháu trưởng họ đời thứ tám của tộc Briu, một trong những tộc lớn của người Cơ Tu vùng Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Ông đã phải hẹn trước, vì người lớn đi rẫy hết, đến đột ngột là không gặp được.

Bà Bnước Bhươi và tấm khiên
Bà Bnước Bhươi và tấm khiên

Trước mặt tôi là bà Bnước Bhươi, gương mặt in dấu thời gian gay gắt, hai dái tai với hai cái khuyên bằng bạc khá to thòng xuống, dấu tích một thuở cà răng căng tai, đang ngồi bên bếp lửa giữa nhà. Bà không nói được tiếng Kinh. Mấy người đàn ông đứng quanh cãi nhau về tuổi của mẹ, bà nội, bác. Người nói 106 tuổi, kẻ nói chỉ hơn 100 tuổi thôi. Bà là vợ thứ hai của ông Briu Bhang. Già như cổ thụ, như viên đá núi xám gió và mưa nắng đại ngàn, rêu phong đã đóng… logo rồi. 

Tôi ngó quanh, làng có 11 ngôi nhà, mỗi nhà bà là nhà sàn truyền thống với những cây gỗ đã long chân, còn lại đều làm như người Kinh. Ông Briu Bhứ, con trai út, nay hơn 50 tuổi, nói: “Trước đây là nhà dài của họ Briu, có từ hồi Pháp thuộc kia, hư rồi. Nhưng mẹ không cho làm mới, làm khác, bà không ngủ được ở nhà như người Kinh”. Hẳn bà đã quen, cũng là không muốn đánh mất ký ức…

Biết khách có ý xem, ông Bhứ quay vào nhà trò chuyện với bà. Nghe xong, ông nói: “Mẹ tôi đồng ý”. Ông Briu Quân nói với tôi: “Không ai được phép biết chỗ cất đồ đó”. Lát sau, ông mang ra một thanh kiếm dài chừng hơn một mét và một cái khiên bằng gỗ.

Chuyện rằng, tộc Briu ở Tây Giang là cái gai trong mắt người Pháp, bởi sự kiên cường, gai góc của họ. Nơi đây, Pháp đã lập đồn Zơ Mớ theo tiếng Cơ Tu (Pháp gọi là đồn Samu vào hai năm 1937-1938 mà tác giả Lepichon trong cuốn Những kẻ săn máu đã tả) để đàn áp và bóc lột họ. Chính tộc người này đã phát động những người khác, có sự tham gia lãnh đạo của cán bộ Việt Minh, bí mật đánh phá liên tục đồn Zơ Mớ vào năm 1940 và xây dựng chính quyền thôn, xã, đoàn kết tộc họ.

Sau khi Pháp không chịu nổi phải bỏ đồn ra đi, thì tộc Bhơriu do sáu anh em, con cháu nhà Briu Bhin cầm đầu, đã đứng ra vận động các dòng tộc khác, đi khắp các vùng có đồng bào Cơ Tu sinh sống để tập trung củng cố, xây dựng chính quyền thôn, xã, hình thành cán bộ người Cơ Tu dưới sự hỗ trợ từ cán bộ người Kinh lên xây dựng vùng Tr’hy (gồm bốn xã vùng cao của H.Tây Giang).

Rồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như thác lũ, người vùng cao không đứng ngoài cuộc. Ngày 25/8/1945, anh em nhà ông Briu Bhin dẫn 200 người Cơ Tu kéo về thôn Đầu Gò, xã Đại Sơn, H.Đại Lộc dự mít-tinh, biểu dương lực lượng. Tại đây, chính quyền Việt Minh tỉnh Quảng Nam đã tặng họ kiếm, khiên và nhiều hiện vật khác.

 Tôi đón cây kiếm từ tay ông Bhứ. Nước thép còn sáng, bén ngọt, trĩu nặng trên tay tôi. Ngay cả vỏ kiếm đan bằng mây rừng, cũng còn nguyên từ thuở được tặng. Cả tấm khiên bằng gỗ quý, chỉ sứt mẻ chút xíu ngoài vành.

Nể phục thay, chừng đó thời gian, sống ở rừng bao lần dời làng vì cực quá, rồi tao loạn hết Pháp đến Mỹ, bom dội bay nhà nát rừng, thế mà họ vẫn giữ kỷ vật như bảo bối gia truyền. Đáp lại chút áy náy của tôi, rằng đồ quý mà như thế này, liệu có sao không? Ông Quân nói rằng, không ai được chạm đến nó, chỗ cất cũng kín đáo. Tôi hỏi ông Briu Cơ Loi, chủ ngôi nhà xem ra cứng nhất trong làng, là sao ông không giữ? 

“Không được, bà lớn nhất tộc, còn có con trai, không đưa cho ai được đâu. Muốn đưa người khác, phải họp mọi người lại thống nhất mới được. Con trai bà đang giữ, sau này là cháu…”. Ông Quân nói rằng, ông đang làm nhà thờ tộc Briu ở trung tâm xã Lăng, sẽ đưa nó về trưng bày và được bà nội đồng ý. 

Khi ông Bhứ đưa cái khiên về phía mẹ, nói rằng cho khách chụp tấm ảnh, phải rất lâu bà mới ngước nhìn lên, khi bàn tay già nua, nứt nẻ cứ vuốt ve mãi mặt khiên rồi vành khiên. Từ hồng tâm đến những tia tạo nên hoa văn mặt trời trên khiên, như cái nhìn tập trung và thẳng băng của người ở rừng.

Nụ cười móm mém bất chợt hiện lên từ người đàn bà, lúc đó đã có chồng con, chứng kiến giờ phút anh em, bà con mình nhận hiện vật khen thưởng từ tay cán bộ Việt Minh, về làng săn thú mở tiệc mừng, nay đã đi qua 75 mùa rẫy. Làm sao để biết, để diễn đạt điều gì trong đôi mắt già đục ấy và nụ cười như cái chớp mắt thời gian ấy? 

Chịu, không thể biết được bà đang nghĩ gì. Con cháu bà giữ gìn khiên, kiếm vì đó là của cha ông để lại, là bóng dáng của một thuở hào hùng. Họ tự hào vì đã góp cánh tay rừng để giành tự do. Người ở rừng trung trinh, không nói hai lời, không khuất phục trước bạo quyền, không cong lưng làm tôi đòi… chuyện đó vốn dĩ ở trong máu họ. 

Tôi nhìn cây kiếm và tấm khiên theo chân ông Bhứ mất hút sau cánh cửa nhà sàn, nghĩ về khát vọng lồng lộng trời xanh một thuở. Làm dân ai cũng cần tự do, áo cơm, độc lập thật sự, khi trong họ sự chung thủy, đoàn kết và tự hào dân tộc, yêu lẽ phải, công bằng luôn cuộn chảy, lúc hiển lộ, lúc kín đáo và chưa bao giờ mất đi, dù họ ở đâu, làm gì. Họ không bao giờ quên ngày hôm qua, nhưng cần lắm ước mơ và những lời hứa một thuở thành hiện thực.

Ở cái làng này, điện thì có nhưng nước thì không; mùa mưa, lũ lớn mà ốm nặng thì chỉ có bó gối chờ chết. Cái ăn phụ thuộc hết vào ông trời, thời tiết thuận thì có gạo, còn không thì chỉ có ăn sắn. Thanh niên đi hết, bởi ở lại thì đất không có mà làm, chẳng biết lấy cái gì để ăn. Nhưng người già thì không bỏ làng bỏ đất được, dù biết phải ngụp lặn trong vô vàn gian khó. 

“Trước đây rẫy lúa còn tốt, nhưng từ năm 1989-1990, Nhà nước cho đào đãi vàng, họ đổ sạn lấp hết đất tốt rồi, không làm gì được nữa, nên chỉ còn rẫy. Mùa này phải ăn sắn thôi rồi đi rừng kiếm mật ong về đổi gạo, muối…”, ông Cơ Loi nói… 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI