Thành công của lãnh đạo nữ trong cuộc chiến chống lại COVID-19

10/09/2020 - 06:04

PNO - Nhiều nhà lãnh đạo nữ trên thế giới đã và đang làm tốt nhiệm vụ chống dịch so với các đồng nghiệp của mình là nam giới. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra được câu trả lời từ góc nhìn khoa học.

Phụ nữ làm lãnh đạo bình thường vốn đã bị những áp lực nặng nề vô hình bởi định kiến về Giới. Phụ nữ là chính khách dẫn dắt cả quốc gia trong giai đoạn khủng hoảng bởi COVID-19 càng phải đối mặt với những khó khăn thách thức hơn bao giờ hết.

Thế nhưng, có một sự thật không thể phủ nhận, đó là trong suốt thời gian bất ổn vì đại dịch trong năm 2020, những nữ chính khách đứng ở vị trí cao nhất tại nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thể hiện khả năng lèo lái đất nước chiến đấu một cách hiệu quả với COVID-19.

Đây là nhận định của các nhà kinh tế ở Anh trong một công trình nghiên cứu mang tên "Các nhà lãnh đạo nữ làm tốt hơn (nam giới) trong việc chiến đấu với đại dịch" mới được công bố gần đây.

2 nhà nữ lãnh đạo của Đức (trái) và New Zealand (phải) trong một cuộc họp báo chung tổ chức ở Berlin, Đức vào tháng 4/2018 - Ảnh: Kay Nietfeld/dpa
2 nhà lãnh đạo nữ của Đức (trái) và New Zealand (phải) trong một cuộc họp báo chung tổ chức ở Berlin vào tháng 4/2018 - Ảnh: Kay Nietfeld/dpa

Thành công trong việc kiềm chế sự lây lan của dịch

Ngày 8/6 là một ngày hết sức có ý nghĩa đối với New Zealand khi Thủ tướng Jacinda Ardern chính thức công bố đất nước đã “hết COVID”. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có thể đưa ra được lời tuyên bố giá trị như vậy, sau khi vị nữ thủ tướng đã có những bước đi mạnh mẽ trong đối phó với đại dịch.

Còn tại Đức, trong khi các quốc gia láng giềng ở châu Âu đang phải chật vật đối phó với khủng hoảng gây ra bởi dịch bệnh thì Thủ tướng Angela Merkel đã thành công trong việc kiềm chế tốc độ lây lan của virus, và sau đó đã có thể tái mở cửa nền kinh tế của nước Đức sớm hơn bất cứ quốc gia nào khác thuộc khối Liên minh châu Âu.

Chỉ có 19 quốc gia trên toàn thế giới hiện đang được dẫn dắt bởi bàn tay của phụ nữ, và ngay trong vài tháng đầu tiên khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết những "bóng hồng" này đều có một điểm chung: họ đã thành công trong công cuộc chiến đấu chống lại COVID-19.

Từ Bangladesh cho tới Na Uy, rồi đến Iceland, các nhà khoa học đã phát hiện ra những điểm mấu chốt vốn là thế mạnh đặc thù của nữ giới kể cả khi họ thể hiện trong đời thường hay những khi đóng vai trò ở vị trí quyền lực nhất đất nước để chiến đấu với đại dịch, đó là: “Tầm nhìn rộng, khả năng thấu cảm, và sự mềm dẻo trong giao tiếp”, tiến sĩ kinh tế Uma Kambhampati tại Đại học Reading (Anh quốc) cho biết.

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã rất nỗ lực trong việc kiềm chế sự lây lan của coronavirus ở đất nước mình - Ảnh: Nikkei Asian Review
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã rất nỗ lực trong việc kiềm chế sự lây lan của coronavirus ở đất nước mình - Ảnh: Nikkei Asian Review

Sau khi chứng kiến sự bùng nổ của trào lưu meme (meme hay mim là một biểu tượng hoặc ý tưởng văn hóa trên mạng xã hội) đang được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội về hình ảnh những lãnh đạo là phụ nữ đã thành công trong việc chống COVID-19 gần đây, tiến sĩ Kambhampati cùng đồng nghiệp tại Đại học Liverpool (Anh quốc) đã quyết định tìm hiểu xem phát biểu của tiến sĩ Uma Kambhampati chính xác đến đâu.

Để thực hiện “bài tập lớn” này, họ ghép đôi mỗi quốc gia được phụ nữ lãnh đạo với một quốc gia láng giềng do nam giới "cầm cương", với những chỉ số tương đương như: dân số, độ tuổi, GDP bình quân trên đầu người, tuổi thọ và tình hình sức khỏe của người dân chúng...

Ví dụ: New Zealand được ghép đôi với Ireland trong khi Đức được bắt cặp với Anh. Kết quả cho thấy một bức tranh rõ ràng về tính hiệu quả của các chính sách và hành động do lãnh đạo là phụ nữ thực hiện so với đồng sự là nam giới. Và kể cả khi so sánh với những nước bên ngoài danh sách ghép đôi thì vẫn cho thấy phụ nữ làm tốt hơn nam giới rất nhiều trong phòng chống COVID-19.

Những hình ảnh theo trào lưu meme về các hình mẫu nữ lãnh đạo thành công trong xử lý coronavirus được lan truyền khắp mạng xã hội - Ảnh: Twitter
Những hình ảnh theo trào lưu meme như thế này về các nữ lãnh đạo thành công trong xử lý coronavirus được lan truyền khắp mạng xã hội - Ảnh: Twitter

Phong cách lãnh đạo "đặc quyền" của phụ nữ

Một trong các giả định mà nghiên cứu nêu ra là: phụ nữ thông thường có vẻ không thích rủi ro khi đưa ra các quyết định. Tuy nhiên, với trường hợp cụ thể của đại dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, phụ nữ thực sự không sẵn sàng đối mặt với rủi ro nếu chúng có tác động ảnh hưởng đến sinh mạng của người dân, và vì thế, họ quyết định “bế quan tỏa cảng” đất nước từ rất sớm so với các đồng nghiệp nam giới nhằm hạn chế dịch bệnh lây nhiễm khi thấy các trường hợp tử vong do dịch bắt đầu tăng. Nhưng ngược lại, khi cần phục hồi kinh tế cho đất nước, họ cũng rất nhanh chóng đưa ra các quyết sách phù hợp dù rủi ro do coronavirus vẫn còn đang lơ lửng trên đầu.

Theo tiến sĩ Garikipati, có rất nhiều điều đáng để chúng ta học hỏi từ kết quả nghiên cứu này. “Phụ nữ thường hay được khuyên bảo rằng họ nên học theo đàn ông để có thể đạt được thành công; thế nhưng giờ đây, có lẽ đã đến lúc cần thay đổi quan niệm đó. Đàn ông nên "bỏ túi" 2 bí quyết quan trọng mà bất cứ người phụ nữ nào cũng sẵn có, đó là: lòng trắc ẩn và phương thức giao tiếp rõ ràng”.

Tôi chắc rằng, trong một số trường hợp, lãnh đạo là nam giới có thể làm tốt hơn phụ nữ trong cách giải quyết vấn đề; nhưng cũng có những trường hợp ngược lại. Nghiên cứu này là lời kêu gọi sự đa dạng hóa và linh hoạt dành cho những nhà lãnh đạo với các phương thức lãnh đạo khác nhau trong các cách tiếp cận khác nhau cho từng hoàn cảnh và điều kiện khác nhau”, tiến sĩ Kambhampati nói.

Nguyễn Thuận 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI