Tập “sống chung” với F0

16/03/2022 - 21:18

PNO - Người dân đã xác định việc “sống chung” với F0 là định hướng lâu dài. Tuy nhiên không phải ai cũng sớm thích ứng.

Mua thuốc điều trị COVID-19 cần có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ.
Mua thuốc điều trị COVID-19 cần có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ

Stress vì… “bất tử”

Chị Như Ngọc (Hà Nội) cảm thấy thật sự “sụp đổ” khi tất cả nhân viên của công ty đều "dính COVID-19". Sau thời gian dài tắc biên, số hàng may mặc và thủ công chị đặt từ Trung Quốc mới về đến, hoạt động của shop bận rộn hơn bao giờ hết thì nhân viên lần lượt phải nghỉ cách ly. Một mình chị phải kiểm kê, phân hàng, tiếp thị mẫu và kiêm luôn tay giao hàng.

“Những shipper quen hay giao hàng giúp mình từ những đợt cao điểm nay gọi cũng thuộc diện cách ly. Khách hàng liên tục phàn nàn vì trễ hẹn cũng đành năn nỉ, xin lỗi chứ mình khó có thể xoay sở khi xung quanh toàn là người bệnh”, chị Như Ngọc chia sẻ.

Tuy nhiên, điều làm chị lo sợ nhất chính là vô tình mang mầm bệnh về lây cho cha mẹ ở nhà. Đợt sau tết, liên tiếp nhận được tin các khách hàng ghé qua shop đều nhiễm bệnh, dù đã tiêm 3 liều vắc xin và luôn mang khẩu trang khi tiếp khách, chị Ngọc vẫn thấy hoang mang, lo lắng. Kết quả test nhanh bình thường nhưng chị vẫn dọn ra nhà kho sau nhà để tránh rủi ro cho người thân.

Ấy thế mà “người tính không bằng trời tính”, dù luôn trên tinh thần là “bệnh nhân dự bị” và hết sức giữ gìn cho người nhà thì cha mẹ chị vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2. Vừa quay cuồng với công việc vừa chăm bệnh cho 2 vị phụ huynh lại luôn canh cánh mình có thể nhiễm bệnh bất cứ lúc nào, đôi khi chị Ngọc cũng nghĩ “thà bệnh luôn cho nó… xong”.

Tình trạng các văn phòng trống vắng vì gia tăng số lượng F0 thời gian qua.
Tình trạng các văn phòng trống vắng vì gia tăng số lượng người nhiễm bệnh thời gian qua

Tương tự, đôi lúc chị Thanh Hiền cũng mong lên “2 vạch” để được “nghỉ xả hơi”. Cả tuần nay, chị Thanh Hiền - đang làm việc tại một công ty kinh doanh các sản phẩm thực phẩm chức năng và dược liệu làm đẹp (quận 1) - chỉ rời khỏi chỗ làm khi đã qua 9g đêm. “Công ty có 120 nhân viên thì hiện chỉ còn 20 người khỏe. 6 người ở bộ phận hành chính - nhân sự thì 5 người lần lượt nhiễm bệnh, chỉ còn tôi chạy đủ công việc sổ sách giấy tờ. COVID-19 chưa tới tôi đã “đuối” vì quá tải” - Thanh Hiền than thở.

Còn chị Phương Uyên (quận Tân Bình) thì luôn trong nỗi ám ảnh “tái nhiễm” vì có người nhà làm ngành y mỗi ngày tiếp xúc hàng chục đến cả trăm F0. “Cả tháng nay tôi từ chối hết các cuộc tụ họp cà phê, ăn uống cùng bạn bè cũng như các buổi tiệc. Sau khi nhiễm lần đầu, sức khỏe của tôi có sa sút nên cẩn thận vẫn hơn” - Phương Uyên chia sẻ.

Phải tự thích nghi

Chị Ái Liên (quận 1) cho biết công ty mình có quy trình kiểm soát F0 khá chặt chẽ và cơ chế làm việc linh hoạt cho những F0 tự điều trị tại nhà cũng như chính sách, chế độ động viên nhân viên nhiễm bệnh khá đầy đủ nên dù thời gian qua số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng nhưng hiệu quả công việc vẫn duy trì khá ổn định. Chị Liên và nhiều nhân viên cũng không còn tâm lý “mặc kệ”, “rồi ai cũng là F0” nữa vì quy trình xác nhận dương tính để nghỉ làm việc tại nhà đến khi âm tính có thể đi làm trở lại khá quy củ và nhiêu khê. “Tốt nhất vẫn là không nên bệnh, chúng tôi chủ động giữ gìn sức khỏe cũng như luôn nâng cao ý thức phòng, chống dịch”, chị Liên cho biết.

Những loại thuốc chị Kim Tuyết sử dụng điều trị F0 qua tư vấn của nhiều cựu F0 và tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình.
Những loại thuốc chị Kim Tuyết sử dụng điều trị bệnh qua tư vấn của nhiều "cựu F0" và tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình

Với việc “xung quanh toàn là F0”, chị Kim Tuyết (TP. Thủ Đức) cho rằng không cần hoang mang mà còn xem đây là nguồn… tư vấn kinh nghiệm. Cho nên, khi nhiễm bệnh cách đây một tuần, chị Tuyết ứng phó khá bình tĩnh. “Tôi nhận được nhiều loại thuốc từ bạn bè, người quen từng mắc COVID-19 gửi đến, có cả thuốc đông tây y. Tuy nhiên, qua những lần trò chuyện, hỏi thăm kinh nghiệm trước đó, tôi ý thức không có “toa thuốc” nào dùng chung mà phải tùy theo thể trạng từng người nên đã hỏi ý kiến bác sĩ gia đình và được tư vấn đầy đủ”, chị Kim Tuyết cho biết.

Từ kinh nghiệm trong bệnh viện dã chiến đợt tết Tây, chị Thanh Tâm (quận 11) chú ý chăm lo tăng đề kháng cho gia đình, chủ yếu qua việc ăn uống đủ dinh dưỡng, uống mật ong, ăn nhiều trái cây, bổ sung C. “Có bệnh thì cứ canh theo triệu chứng mà trị, còn lại chủ động súc miệng nước muối, tăng đề kháng mỗi ngày, chú ý vệ sinh tay chân và thay đồ mỗi khi ra ngoài về”, chị nói. Theo chị Thanh Tâm, đã xác định “sống chung” thì phải thích ứng cho phù hợp, không lơ là cảnh giác nhưng cũng không nên hoang mang, lo lắng.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Hòa (công tác tại một bệnh viện tư ở TP. Thủ Đức), mặc dù người dân đang dần thích nghi với việc “sống chung” với dịch bệnh nhưng một số vẫn còn tâm lý lo lắng khi trở thành F0 cách ly, điều trị tại nhà, nhất là người cao tuổi. Những người bệnh này cần được trấn an để lạc quan, nâng cao tinh thần. Khi cách ly tại nhà, một không gian sinh hoạt riêng và thoải mái cho F0 là cần thiết, cùng với đó là sự quan tâm, động viên từ người thân.

Trong nhiều chương trình tư vấn, bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi đồng 1) thường xuyên nhắc nhở, với độ phủ vắc xin cao như hiện nay và phác đồ điều trị đã rõ ràng thì các F0 không nên tự ý sử dụng thuốc, chỉ cần chú ý tăng cường sức đề kháng qua chế độ ăn uống khoa học bổ sung các vitamin cần thiết cho cơ thể. Và việc ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, tập thể dục, giữ một tinh thần thư giãn, thoái mái chính là cách chiến thắng COVID-19 và bảo vệ chính mình hiệu quả nhất.

Như vậy, chính mỗi người phải tự thay đổi nhận thức, tự thích nghi từ tâm lý, tinh thần đến phương thức sinh hoạt, làm việc để có thể “sống chung” hiệu quả với F0.

Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI