Tạo niềm tin giúp trẻ không rối loạn tâm lý trong mùa thi

04/07/2022 - 06:09

PNO - Với các em học sinh, mỗi kỳ thi đều là cột mốc quan trọng, không chỉ để lên lớp, mà còn là sự khẳng định bản thân với bạn bè, người thân. Tuy nhiên, chính áp lực thi cử đã khiến không ít trẻ bị… đóng băng cảm xúc, giận dữ, cáu gắt vì các rối loạn về sức khỏe tâm thần, cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế, cha mẹ.

Trẻ ngoan thành trẻ hư... trước kỳ thi

Càng gần tới ngày thi tuyển sinh vào lớp 10, em T.H.N. (ở quận Phú Nhuận, TPHCM) càng bị mẹ than phiền vì chơi game quá nhiều. Thậm chí có khi hơn 2g sáng, chị nhìn qua phòng của con, vẫn thấy em ngồi ở bàn học để… chơi game. Khi chị nhắc nhở, N. tắt điện thoại nhưng tự chơi xếp giấy, rút gỗ chứ không học bài.

“Tôi nói nếu con không học được thì đi ngủ chứ chơi suốt ngày đêm như vậy làm sao còn sức để học. Cháu liền giận dữ lớn tiếng với mẹ. Ba của cháu thấy vậy la thì cháu cãi nhau luôn với ba. Chưa bao giờ con trai tôi lại đáng sợ như vậy”, mẹ của N. nói.

Trẻ rối loạn tâm lý được chuyên viên tâm lý hướng dẫn nhận diện cảm xúc hiện tại của mình qua lựa chọn biểu hiện các gương mặt - ẢNH: PHẠM AN
Trẻ rối loạn tâm lý được chuyên viên tâm lý hướng dẫn nhận diện cảm xúc hiện tại của mình qua lựa chọn biểu hiện các gương mặt - Ảnh: Phạm An

Trong một lần cố gắng nói chuyện với con, chị phát hiện các đầu ngón tay của N. rướm máu, ở cẳng tay có nhiều vết thương, gia đình lo lắng đưa con đến bệnh viện. Bác sĩ cho biết, sức khỏe em N. bình thường, không bị bệnh mà có thể mắc vấn đề về sức khỏe tâm thần, cần được hỗ trợ tâm lý.

Gần cuối phiên trị liệu tâm lý, N. bật khóc nói với các chuyên viên tâm lý: “Em sắp thi, em không muốn chơi game nhưng em không học được, em không thể thi tốt được. Em rất nhức đầu, cứ nhắm mắt lại thì bài tập lại hiện ra. Em chơi game mà em vẫn thấy phải học bài, nhưng em thực sự không học được”.

Đợi N. “bùng nổ cảm xúc” xong, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên - Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - từ từ an ủi N. rồi lấy một tấm bảng, ở đó có nhiều mảnh giấy nhỏ ghi lại các cảm xúc giận dữ, lo lắng, sợ hãi, mệt mỏi… cho N. chọn. Sau đó, em đánh giá từng thang điểm cho những cảm xúc của mình, ghép chúng vào các ngày trong tuần. Lúc này, thạc sĩ Hải Uyên nhận ra, N. chơi game nhiều là để giấu đi nỗi lo, căng thẳng của mình bởi kỳ thi đang tới gần, mà có môn em nghĩ mình học chưa tốt.

Sau đó, chị hướng dẫn em các bài tập thư giãn như hít thở, uống nước theo từng ngụm, cách bộc lộ nỗi sợ với gia đình… Cùng N. sắp xếp thời gian biểu trong ngày cũng như nhờ cha mẹ em phối hợp điều trị cho em. “Sau vài lần trị liệu, con trai tôi mới dám tin là mình sẽ học và thi được môn toán và tiếng Anh. Quan trọng là con đã nói được với tôi điều con sợ hãi, chứ không la hét như lần trước”, mẹ của N. kể.

Cũng có trường hợp các em đang học, bỗng nhiên cáu gắt, đập phá đồ đạc, xé tập vở rồi đóng kín cửa khóc mặc dù cha mẹ không ép buộc. Khi được hỗ trợ tâm lý mới biết các em bị căng thẳng quá độ vì lo lắng cho kỳ thi cuối cấp sắp tới.

Cha mẹ cần bình tĩnh giúp trẻ lấy lại cân bằng

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên, càng gần đến mùa thi càng có nhiều trẻ bị rối loạn tâm lý được đưa đến bệnh viện. Hầu như mỗi ngày, Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu đều tiếp nhận trẻ mắc rối loạn lo âu, stress nặng… nhất là ở học sinh sắp thi chuyển cấp. “Với trẻ ở độ tuổi đi học, các em rất xem trọng về thi học kỳ, chuyển cấp. Vì vậy, sự lo lắng là một trong những cảm xúc phù hợp và cần thiết thúc đẩy trẻ chuẩn bị kiến thức cần thiết cho kỳ thi. Tuy nhiên, nếu cảm xúc diễn ra quá mức sẽ dẫn đến vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là rối loạn lo âu”, thạc sĩ Nguyễn Hải Uyên cho biết.

Những rối loạn này thường thấy ở trẻ từ cuối tiểu học trở lên, nguyên nhân có thể do chính trẻ tự tạo áp lực cho bản thân mình. Theo đó, trẻ sẽ tự tạo cho mình một ngưỡng chấp nhận về kết quả học tập, có trẻ cảm thấy điểm 8 là phù hợp, có trẻ đặt ra “chỉ tiêu” cao hơn như 9 điểm, 10 điểm. Nếu trẻ càng có mức độ kỳ vọng cao so với khả năng thực tế thì áp lực càng cao. Song song đó là sự tác động về điểm số từ gia đình, nhà trường cũng gây nhiều ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ. “Tuy nhiên, nếu chỉ áp lực từ nhà trường sẽ không đủ để làm học sinh rơi vào rối loạn mà có thể bản thân trẻ đã có những khó khăn từ trước nhưng chưa bộc lộ hoặc đang có sẵn những rối loạn tâm lý”, thạc sĩ Nguyễn Hải Uyên nhấn mạnh.

Sau một thời gian lo lắng, căng thẳng, trẻ bắt đầu có những nhận thức không còn phù hợp với thực tế như sợ ăn... canh bí vì nghĩ sẽ không thể làm bài, luôn nghi ngờ bản thân sẽ không thể làm tốt bài thi. Từ đó, trẻ khó tập trung vào ôn luyện, dễ quên bài học, hồi hộp, né tránh lời thăm hỏi của người lớn, hoặc phản ứng gay gắt, lớn tiếng, cãi lại cha mẹ. Cũng có trẻ tìm cách trì hoãn việc học, có trẻ lại lao vào học rất nhiều, thiếu cân bằng trong sinh hoạt hằng ngày, thu rút không giao tiếp, mất hứng thú với một số hoạt động khác ngoài việc học… Thậm chí, quá khủng hoảng, trẻ bị tâm lý tác động lên thực thể như đau bụng, đau đầu, chảy mồ hôi tay, nóng sốt, xé da tay… mỗi khi ngồi vào bàn học. Cha mẹ nghĩ con mình giả bộ bởi khi đưa trẻ đi khám bệnh, bác sĩ không tìm thấy nguyên nhân bởi trẻ bị rối loạn tâm lý chuyển dạng cơ thể.

Lúc này, thay vì không tin tưởng, cha mẹ hãy bình tĩnh giúp trẻ lấy lại cân bằng. Ngoài việc cùng con tập các bài tập thư giãn, cha mẹ cũng có thể phối hợp với chuyên gia tâm lý tạo ra niềm tin mới cho con, bằng việc ghi nhận sự nỗ lực của con thay vì thành tích. 

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hải Uyên khẳng định, những áp lực điểm số cha mẹ tạo nên cho con cũng bởi yêu thương trẻ, muốn trẻ học giỏi để lớn lên có công việc tốt hơn, dễ thành công hơn trong cuộc sống. Nhưng cách thể hiện tình yêu thương đó đang không được trẻ đón nhận bởi trẻ chưa đủ lớn để hiểu được.

Thậm chí, có trẻ còn nói với chuyên viên tâm lý đây là một sự bạo hành về tinh thần bởi con muốn cha mẹ lắng nghe, chia sẻ hơn là cứ bắt học. Do đó, chuyên viên tâm lý không chỉ điều trị cho trẻ mà các thành viên trong gia đình cũng cần được hỗ trợ để lấy lại cân bằng.

Phạm An

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI