Tận khi vợ đổ bệnh, chồng mới "nhúc nhích"

11/03/2023 - 06:14

PNO - Trong khi chị đầu tắt mặt tối lo kiếm tiền, chồng vẫn thong dong bằng lòng với công việc hiện tại.

Vợ chồng chị lại cãi nhau, lý do cũng xoay quanh chuyện tiền bạc. Con cần tiền đóng học phí, chị hỏi anh có thêm khoản nào thì phụ một ít. Vậy mà anh sừng sộ: “Lương anh chỉ có thế, anh có in được tiền đâu mà em cứ đòi, không lo được thì cho nó nghỉ học đi”. Chị thực sự bất lực trước "lý sự cùn" của anh mỗi lần nhắc đến chuyện tiền bạc.

Chồng chị làm lái xe trong một cơ quan nhà nước dưới dạng nhân viên hợp đồng có đóng tiền bảo hiểm hàng tháng. Anh bằng lòng với công việc đó đã hơn 10 năm với mức lương 4 triệu 200 ngàn đồng. Hàng ngày, anh đi từ sáng sớm đến tối khuya mới về với lý do ngoài giờ hành chính phải chở sếp đi ngoại giao.

Chồng an phận với công việc có thu nhập thấp, vợ chồng chị cãi nhau liên tục về chuyện tiền bạc. Ảnh minh họa
Vợ chồng chị cãi nhau liên tục về chuyện tiền bạc (Ảnh minh họa)

Việc nhà chăm sóc con cái đều do chị đảm nhận, anh không phụ giúp được gì. Nhiều lần chị khuyên chồng kiếm thêm việc làm để tăng thu nhập, nhưng anh đều lảng tránh.

Anh nói ngại thay đổi, sống vậy là được rồi, mưu cầu gì giàu có. Nhưng anh đâu có lo chuyện con cái ngày càng lớn, chi phí càng tăng, chưa kể lạm phát khiến đồng tiền mất giá. Anh chỉ nghĩ ổn định với công việc hiện tại, khi về hưu sẽ có lương.

Ngôi nhà của gia đình chị mua cách đây đã lâu, giờ đã xuống cấp nhiều, mùa hè thì nóng, mùa mưa thì dột. Chị muốn gom góp để xây mới hoặc sửa chữa lại nhưng nhiều lần bàn bạc với chồng đều không thành.

Anh luôn thủng thẳng: “Ở vậy được rồi, xây nhà to rồi con cái lớn đi xa lại dư phòng, cũng phí”. Chị chỉ biết lắc đầu, chờ con lớn cũng gần chục năm nữa mà hiện tại chỗ học hành, ngủ nghỉ chật chột. Chưa kể, mỗi lần mưa to, nước dột khắp nhà, ba mẹ con hì hục kê đồ đạc, còn chồng đang ở một nơi nào đó chưa về.

Để gồng gánh chi phí sinh hoạt cho cả nhà, ngoài công việc kế toán ở công ty may mặc, chị còn nhận thêm sổ sách về làm ở nhà. Công việc thực sự áp lực rất căng thẳng, nhưng không làm thì lấy gì nuôi con. Trong khi chị đầu tắt mặt tối lo kiếm tiền, chồng chị vẫn thong dong, chẳng bận tâm bất cứ gì.

Ở độ tuổi của vợ chồng chị, bạn bè đều cật lực làm việc để kiếm tiền tích lũy, làm một lúc vài công việc. Như một người chồng bạn chị cũng là lái xe hợp đồng cho công ty, cuối tuần anh tranh thủ cuối tuần chạy xe dịch vụ; buổi tối và trưa những ngày thưa việc, nhận ship hàng cho một cửa hàng bán online. Đôi lần chị cũng gợi ý chồng làm thêm nhưng anh cứ gạt đi, lấy lý do không có thời gian.

Chị thấy mệt mỏi khi gồng gánh hết chi phí cho cả gia đình trong khi chồng cứ thong dong. Ảnh minh họa
Chị mệt mỏi khi gồng gánh hết chi phí trong khi chồng thong dong, nhàn nhã (Ảnh minh họa)

Mỗi lần vợ chồng cãi cọ liên quan đến tiền bạc, chị lại tìm đến tôi để tâm sự. Tôi hỏi đùa: “Biết tính anh thế, sao ngày xưa chị vẫn yêu rồi lấy?”. Chị cười buồn kể: ngày xưa chị yêu anh vì sự năng động, tháo vát, cứ nghĩ anh sẽ trở thành chỗ dựa cho vợ sau này. Anh từng nuôi mơ ước làm chủ, từng mở xưởng sản xuất cà phê rồi đi buôn gỗ... Nào ngờ, sau vài lần góp tiền cùng bạn bè làm ăn rồi vừa thua lỗ vừa mất bạn, anh bị triệt tiêu mọi ý chí phấn đấu, trở thành người an phận thủ thường. Tôi chẳng biết khuyên chị thế nào, anh đã mặc định mình không thể kiếm được tiền và trở nên an phận thì nói nhiều cũng chẳng tác dụng gì.

Một thời gian sau, tôi nghe tin chị nhập viện vì tức ngực, khó thở. Vào thăm chị, tôi được chị cho biết bệnh viện kết luận đó là một cơn nghẽn mạch vành nhẹ. Bác sĩ cảnh báo, nếu chị không nghỉ ngơi mà liên tục làm việc với áp lực công việc cao, chị có nguy cơ nhồi máu cơ tim, tử vong bất cứ lúc nào.

Khi biết tin sức khỏe của vợ, chồng chị bỗng sợ hãi, suy sụp. Lo vợ có thể ra đi bất ngờ, anh bắt đầu nhắn khắp bạn bè, người thân để tìm việc làm thêm. Con người ỳ trệ của anh trở nên khác hẳn, anh nói sẽ không nề hà việc gì, miễn là kiếm được tiền, để vợ nhàn nhã.

Hôm qua, chị khoe với tôi rằng anh vừa hỏi chị có nên nghỉ việc ở chỗ cũ, xin vào làm ở một nhà xe chở khách chạy đường dài với mức lương gấp 4 lần nếu tăng ca đều đặn hay không. Thấy chồng chủ động gánh vác gia đình, chị mừng rỡ: "Trong cái rủi có cái may, giờ mình mới thấy lại người đàn ông đáng yêu của ngày trước". 

Diệu Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI