Tâm lý đám đông, nhìn từ vụ ‘lộn xộn’ ở Công viên nước Hồ Tây

21/04/2015 - 07:55

PNO - PN - Hôm 19/4 vừa qua, Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) mở cửa miễn phí cho du khách vào vui chơi, tắm mát trong 2 tiếng đồng hồ (từ 8g đến 10g sáng). Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tiếng đồng hồ, các bể bơi đã quá tải và nêm kín người.

Ngay lập tức, ban tổ chức đã phát loa thông báo ngừng đón tiếp du khách. Ấy thế mà, bất chấp tất cả, các cậu thanh niên, các cô gái tuổi xuân thì, các bậc phụ huynh bồng bế con mình, nhốn nháo và liều lĩnh tìm cách băng vượt hàng rào sắt đầy hiểm nguy để vào khu vực hồ bơi.

Tam ly dam dong, nhin tu vu ‘lon xon’ o Cong vien nuoc Ho Tay

Thật không thể tưởng tượng nổi những hình ảnh ấy lại diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, ngay tại thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tất cả đã tạo nên một bức tranh bát nháo và đầy phản cảm, giống như việc hỗn chiến để tranh giành một thứ gì đó hơn là khao khát tìm đến một nơi vui chơi giải trí lành mạnh.

Người Việt mình có một điểm lý thú là hễ thấy thứ gì miễn phí là nhốn nháo cả lên. Một cửa hàng nọ mời khách đến ăn miễn phí thì đảm bảo người ta sẽ nườm nượp kéo tới, chen lấn và giành giật để tìm miếng ăn. Một siêu thị điện máy bán hàng giảm giá thì chắc chắn không tránh khỏi cảnh nhiều người sẵn sàng giẫm đạp lên nhau để tranh mua hàng.

Vấn đề đặt ra là cuộc sống bây giờ có khốn khó và lầm than đến mức người ta không thể mua nổi cái vé để vào công viên nước, không thể mua nổi những miếng ăn hay không có tiền mua những món hàng gia dụng? Xin thưa là không!

Tam ly dam dong, nhin tu vu ‘lon xon’ o Cong vien nuoc Ho Tay

Chẳng qua, theo cá nhân tôi, nó thể hiện quá rõ tâm lý đám đông của không ít người Việt.

Tâm lý đám đông là một hiện tượng mà trong đó cảm xúc, suy nghĩ, lời nói, thái độ và hành vi của một cá nhân bị tác động rất lớn bởi những người bên ngoài. Sự tác động đó lớn tới mức cá nhân có thể tự đánh mất chính mình, có những cảm xúc, thái độ, hành vi mà lúc ở một mình họ không thể nào có được.

Bản thân tâm lý đám đông là một hiện tượng tâm lý khách quan, nó không xấu mà cũng không tốt. Tâm lý này tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào việc chúng ta biết khai thác nó ở khía cạnh nào.

Nếu sử dụng tâm lý đám đông để khuyến khích mọi người tham gia làm việc thiện, có ích cho xã hội, thì điều đó là tốt. Ngược lại, lợi dụng nó để lôi kéo mọi người trong đám đông làm vịêc xấu, thì nó trở nên xấu.

Câu chuyện mà tôi nêu ra ở đầu bài viết cho thấy mặt trái của tâm lý đám đông. Cái gì không thực chất rồi nó cũng sẽ trở về đúng với giá trị của nó. Nhưng để ngăn chặn tình trạng này, chúng ta không thể lớn tiếng chỉ trích một cách cay nghiệt, vì khi đó chúng ta có thể bị những đám đông cuồng nộ phản pháo.

Theo tôi, để cảm hóa những người lạc đường, lao theo đám đông một cách tiêu cực, thì tốt nhất là hướng họ đi theo con đường khác, sáng sủa và tích cực hơn.

Bớt châm biếm, chửi rủa, tăng cường chỉ dẫn và động viên cũng là cách giáo dục có hiệu quả.

HUYỀN NGỌC (Bến Tre)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI