Tại sao bệnh tim ở Đông Nam Á tăng kỷ lục?

28/05/2025 - 15:21

PNO - Theo nghiên cứu mới, số người mắc bệnh tim mạch ở Đông Nam Á đã tăng 148% trong 3 thập kỷ qua và tình trạng này trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật trong khu vực.

Tổng cộng có 37 triệu người ở Đông Nam Á mắc bệnh tim mạch vào năm 2021 và 1,7 triệu người chết vì bệnh này. ẢNH: ISTOCKPHOTO
Tổng cộng có 37 triệu người ở Đông Nam Á mắc bệnh tim mạch vào năm 2021 và 1,7 triệu người chết vì bệnh này - Ảnh: ISTOCKPHOTO

Những phát hiện của các nhà nghiên cứu tại Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IMHE) có trụ sở tại Seattle và Đại học Quốc gia Singapore (NUS) dựa trên phân tích dữ liệu y tế từ năm 1990 đến năm 2021 từ 10 quốc gia Đông Nam Á cho thấy, tổng cộng 37 triệu người trong khu vực bị bệnh tim mạch vào năm 2021 và 1,7 triệu người chết vì bệnh này.

Nghiên cứu này được The Lancet Public Health công bố trong tuần này nhằm nhấn mạnh gánh nặng ngày càng tăng của sức khỏe cộng đồng, bao gồm bệnh tim mạch, rối loạn tâm thần, hút thuốc và chấn thương trên đường.

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân chính góp phần gây ra bệnh tim mạch là huyết áp tâm thu cao, nguy cơ chế độ ăn uống, ô nhiễm không khí, cholesterol lipoprotein mật độ thấp cao và sử dụng thuốc lá.

Theo tiến sĩ Marie Ng, tác giả chính và phó giáo sư tại IMHE và phó giáo sư tại NUS, dân số già trong khu vực cũng góp phần vào bước nhảy vọt về số ca bệnh. "Nếu không có hành động ngay lập tức từ mỗi quốc gia, những tình trạng sức khỏe có thể phòng ngừa này sẽ trở nên tồi tệ hơn gây ra nhiều tử vong và tàn tật hơn trên khắp ASEAN", tiến sĩ Ng nói.

Điều đáng chú ý là trong đại dịch COVID-19, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch tăng nhiều hơn dự đoán và một nghiên cứu riêng từ năm 2023 đã cho thấy nguy cơ gia tăng bệnh tim mạch ở trẻ em sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm COVID-19 khi mang thai.

Nghiên cứu mới nhất được công bố trên The Lancet Public Health này còn cho thấy hơn 80 triệu người ở ASEAN bị rối loạn tâm thần nặng, cao hơn 70% so với năm 1990. Xem xét kỹ hơn theo độ tuổi cho thấy trẻ từ 15 đến 19 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh tăng mạnh nhất với gần 11%.

Hút thuốc vẫn là một mối quan tâm lớn về sức khỏe cộng đồng ở khu vực này. Kể từ năm 1990, số người hút thuốc ở mọi quốc gia ASEAN đã tăng lên, và tổng số người hút thuốc tăng 63% lên 137 triệu, mặc dù tỷ lệ hút thuốc đã giảm. Hút thuốc lá chiếm khoảng 11% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân trên toàn khu vực, với tỷ lệ tử vong dao động từ dưới 70 trên 100.000 nam giới ở Singapore phát triển đến cao hơn năm lần ở Campuchia.

Thương tích đã giết chết hàng trăm nghìn người vào năm 2021 trên khắp Đông Nam Á, trong đó tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu ở hầu hết các quốc gia, tiếp theo là té ngã, tự làm hại bản thân, đuối nước và bạo lực giữa các cá nhân. Chấn thương đường bộ đặc biệt nghiêm trọng ở Thái Lan, nơi có 30 ca tử vong trên 100.000 người được báo cáo vào năm 2021. Tỷ lệ tử vong trung bình toàn cầu là 15 trên 100.000.

Trọng Trí (theo Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI