Sự êm ả "Nơi dòng sông chảy qua"

03/10/2021 - 07:04

PNO - Cuộc sống càng bất trắc, người ta càng tìm kiếm những điều xưa cũ, như thể đó là nơi an trú. Có lẽ đó là lý do để "Nơi dòng sông chảy qua" trở thành tác phẩm xoa dịu được ca ngợi nhất nước Mỹ ngay từ lúc vừa ra đời.

Ngày 9/10/1992, bộ phim Nơi dòng sông chảy qua (A River Runs Through It) ra rạp tại Mỹ và tạo tiếng vang lớn, đặc biệt với diễn xuất ấn tượng của Brad Pitt trong vai chính điện ảnh đầu tiên của anh - Paul.

Phim được chuyển thể từ cuốn sách nổi tiếng cùng tên của nhà văn Norman Maclean, kể về hai người con trai của một mục sư gốc Scotland lớn lên ở vùng nông thôn phía tây bang Montana. Đây cũng là một sự nối tiếp thành công trong sự nghiệp của đạo diễn Robert Redford sau các giải Oscar cho Ordinary People (Người bình thường) và The Milagro Beanfield War (Cuộc chiến bãi đậu Milagro). 

“Bản giao hưởng của ánh sáng và dòng sông”

Lấy bối cảnh vùng nông thôn Montana giữa những năm 1910 và 1935, phim tái hiện cuộc sống của hai anh em Norman và Paul (Craig Sheffer và Brad Pitt) - những người đàn ông có đức tính ngay thẳng, mạnh mẽ được nuôi dạy bởi người cha nghiêm khắc (Tom Skerritt thủ vai) và người mẹ kiêu hãnh (do Brenda Blethyn đảm nhiệm). Xuất phát điểm đó đã khiến anh em nhà Maclean khó lòng thừa nhận sự yếu đuối hay bộc lộ thứ người ta gọi là cảm xúc. 

Trở ngại lớn nhất trong quá trình thực hiện bộ phim chính là... Norman Maclean, một người đàn ông khó tính hay hoài nghi. Đạo diễn Redford đã hết sức kiên nhẫn gặp Norman nhiều lần để tạo niềm tin nơi ông. Cuối cùng, hai bên đã thực hiện một thỏa thuận: Redford sẽ giao một kịch bản và Norman có thể từ chối. Nhưng nếu Norman chấp thuận nó, ông sẽ để Redford làm phim mà không can thiệp. Norman sau cùng chấp thuận và nhường bước.

Tuy nhiên, Norman Maclean qua đời năm 1990, hưởng thọ 87 tuổi, khi bộ phim chưa khởi quay. Redford đã nói với Newsweek vào năm 1995 rằng ông “có cảm xúc mâu thuẫn” khi Maclean không còn sống để chứng kiến điều đó. “Một phần tôi rất tiếc vì ông ấy không thể kiểm chứng hay hài lòng rằng tôi đã làm tốt công việc. Mặt khác, nó có thể không bao giờ tốt như ông ấy từng lo ngại. Bạn hiếm khi làm hài lòng một nhà văn dù họ đã trao cuốn sách để biến nó thành một bộ phim. Có những thứ anh ấy viết không có ở đó. Sẽ có một khuôn mặt khác cho một nhân vật. Nó có thể khiến các nhà văn phát điên vì họ thấy cuốn sách bị tước đoạt khỏi tay mình”, Redford nói. 

Họ dường như chỉ có thể thể hiện sự thân thiết khi người cha và hai con trai đến sông Big Blackfoot - nơi hợp lưu của các con sông đầy cá hồi ở miền tây bang Montana tươi đẹp - để chia sẻ niềm yêu thích câu cá, một niềm đam mê giống như thiền định đối với họ. Sự thân thiết được mô tả một cách thú vị bằng hình ảnh: vung cần theo nhịp 4 của âm nhạc từ góc 10 giờ đến góc hai giờ và người cha “sẽ không cho phép ai không biết câu cá dám “làm nhục” cá bằng cách câu chúng”. Không còn là câu cá nữa, mà đó là một thứ nghệ thuật thực thụ.

Và thời gian cũng trôi qua như dòng chảy của con sông, hai anh em quyết định đi theo những con đường khác nhau. Norman lớn tuổi hơn, nghiêm túc hơn, thừa hưởng chính tình yêu với ngôn từ của cha mình, trở thành một giáo sư tiếng Anh; trong khi Paul tự do, lôi cuốn, trở thành một người viết báo thành công, đồng thời là kiểu người hay giao du với các phần tử sai trái.

Redford đã lựa chọn diễn viên hết sức tinh tế, như thể không ai ngoài Craig Sheffer và Brad Pitt phù hợp với các vai diễn đó. Nếu Sheffer thể hiện trí thông minh trầm lặng, có kiểm soát thì chàng diễn viên trẻ đẹp trai Brad Pitt tỏa ra thứ ánh sáng lấp lánh đầy tinh nghịch, mang những nét tương đồng của Paul, người em trong câu chuyện.

Trong vai trò đạo diễn, Redford đã chỉ đạo bộ phim với sự duyên dáng, uyển chuyển hiếm có và rất ăn ý với Philippe Rousselot - đạo diễn hình ảnh từng được đề cử Oscar - để từ đó tạo thành một bộ phim xuất chúng, ghi lại bầu không khí bình dị, đẫm ánh sáng từ ký ức thời thơ ấu của Maclean. Ngay cả những phân cảnh câu cá bằng mồi giả, tưởng như không có gì thú vị, khi lên phim cũng mang không khí vô cùng kỳ diệu, đẹp như một bản giao hưởng của ánh sáng và dòng sông.

Sau gần 30 năm, bộ phim
Sau gần 30 năm, bộ phim Nơi dòng sông chảy qua đã vượt khỏi biên giới văn hóa Mỹ với câu hỏi thống thiết về tình yêu thương trong bối cảnh thế giới tràn ngập bất trắc

“Chừng nào cá vẫn còn bơi thì sách Nơi dòng sông chảy qua vẫn còn được in”

“Đó là một trong những câu chuyện hiếm hoi thật sự vĩ đại về tính phúng dụ, tính bi ai và chất hồi ký trong văn học Mỹ; quá mạnh mẽ và rộng lớn về tính biểu trưng, sự hối tiếc về thời gian đã mất và người em đã khuất, về cái chết của con người và ý thức về cái đẹp, đến nỗi nó trở thành một phần của những trải nghiệm cuộc đời của người đọc và trở nên không thể nào quên”, Annie Proulx, nữ nhà văn nổi tiếng với tác phẩm Brokeback Mountain, đã viết trong lời giới thiệu về cuốn sách và bà nói thêm: “Norman Maclean mất năm 1990 nhưng trong lòng hàng trăm ngàn độc giả, ông vẫn còn sống mãi. Chừng nào cá vẫn còn bơi thì sách vẫn còn được in”. 

Norman Maclean (1902-1990) bắt đầu viết A River Runs Through It lúc ông đã ngoài 70 tuổi, nghỉ hưu sau thời gian giảng dạy ngôn ngữ Anh tại Đại học Chicago. Ông viết sách này với sự khích lệ lớn từ hai người con và đặc biệt từ lời nói ám ảnh lúc cuối đời của cha ông: “Norman, một ngày nào đó, con hãy kể cho con cháu nghe chuyện về gia đình mình nhưng chỉ khi nào con hiểu được chuyện xảy ra và lý do của nó”. 

Trailer Nơi dòng sông chảy qua:

Cuốn sách duy nhất Norman Maclean xuất bản trong đời, A River Runs Through It, đã trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất và đạt vị trí vĩnh viễn trong danh mục sách kinh điển của văn học Mỹ. Vào năm 1977, cuốn sách này còn nhận được đề cử cho giải Pulitzer dành cho tiểu thuyết hay nhất.

Sự tương đồng giữa câu chuyện của Norman với “di sản Scotland-Ireland” chính là điều thôi thúc đạo diễn Redford đến với tác phẩm. “Cuốn sách này là một phần cuộc đời tôi trước khi tôi đọc nó. Tôi quan tâm đến rất nhiều yếu tố của nó: thời gian, ký ức, tình yêu, sự hiểu biết, sự gắn kết, vai trò của thiên nhiên và cách nó định hình cuộc sống của chúng ta” - Redford  nói. 

Thông qua việc gặp gỡ và trò chuyện với tác giả cuốn sách cũng như đọc những bức thư mà tác giả viết trong nhiều thập kỷ cho người vợ, Redford đã chèn thêm vào phim các chi tiết về cuộc sống của Norman mà nhà văn đã không đề cập trong sách. Đạo diễn cũng sử dụng thủ pháp tự sự để giữ lại cách kể chuyện tài tình của tác giả cuốn sách cho bộ phim.

Điều bất ngờ là, đạo diễn chọn Brad Pitt vào vai Paul vì anh... quá giống ông thời trẻ.

Sự lựa chọn ngỡ phi lý nhưng lại hiệu quả đến mức khó tin. Với Brad Pitt, đó còn là sự lựa chọn đầy cảm kích vì bộ phim như thể mang anh trở về thời niên thiếu mà anh đã đánh mất, nơi những người đàn ông trong gia đình vô cùng kiệm lời và “hoàn toàn có thể yêu thương nhau mà không cần hoàn toàn hiểu nhau”. Sau phim, hễ có thời gian rảnh rỗi, Pitt lại rời Los Angeles về miền tây Montana, nơi anh cảm thấy yên bình. 

Những cảnh quay tuyệt đẹp trong phim đã khiến du khách khắp thế giới đổ về Montana. Một nghiên cứu năm 2006 của Đại học Montana cho thấy du lịch tiểu bang đã tăng “từ 2 triệu du khách vào năm 1988 lên 10  triệu vào năm 2005” nhờ phim.

Sau gần 30 năm, bộ phim đã vượt ra ngoài biên giới văn hóa Mỹ với câu hỏi thống thiết về tình yêu thương trong bối cảnh thế giới tràn ngập bất trắc. Làm thế nào để giúp đỡ một ai đó? Làm thế nào để yêu cầu được giúp đỡ? Người ta cho đi phần nào của bản thân? Tất cả cuộn thành một câu hỏi lớn về tình yêu thương, sự giúp đỡ và thấu hiểu lẫn nhau. Liệu có thể yêu thương hoàn toàn một ai đó mà không cần hiểu rõ họ? Vượt ra ngoài câu chuyện về gia đình Maclean, bộ phim sẽ làm thay đổi chúng ta mãi mãi sau khi xem. 

 

Hoàng Tuấn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI