Sốt cao, viêm tấy chân, bé gái 6 tuổi phát hiện mắc bệnh Whitmore

04/03/2021 - 14:40

PNO - Vào viện trong tình trạng sốt cao, tấy viêm vùng bàn chân, đùi trái, bé gái 6 tuổi bất ngờ được phát hiện mắc phải căn bệnh nguy hiểm Whitmore.

 

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán, hỗ trợ
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán, hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện tuyến dưới

Ngày 4/3, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thông qua Đề án Khám chữa bệnh từ xa (Telehealth), Bệnh viện này vừa hỗ trợ, tư vấn điều trị thành công một bé gái 6 tuổi bị mắc Whitmore.

Theo đó, bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) trong tình trạng sốt cao, viêm tấy bàn chân và đùi trái. Sau 1 ngày nhập viện, tình trạng viêm tấy lan ra nhiều nơi trong cơ thể, tạo ra các ổ áp-xe. Các bác sĩ tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới đã sử dụng kháng sinh, trích dẫn lưu mổ áp-xe, làm các xét nghiệm, nuôi cấy dịch mủ xác định được vi khuẩn gây bệnh chính là Burkholderia Pseudomalei (bệnh Whitmore).

Tuy nhiên, do lo ngại về vấn đề sử dụng kháng sinh kéo dài, bệnh tái đi tái lại, ngày 22/2, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới đã xin hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Nhi Trung ương để khẳng định chẩn đoán, hướng điều trị tiếp theo nhằm tránh tái phát và các biến chứng cho bệnh nhi.

Sau khi đánh giá và hội chẩn, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định chẩn đoán đồng thời hướng dẫn các bác sĩ tuyến dưới theo dõi và lưu ý liệu trình điều trị kháng sinh cho người mắc bệnh Whitmore.

Đến nay, cùng với tư vấn, phác đồ điều trị của Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi đã được điều trị ổn định, kết thúc giai đoạn tấn công. Bệnh nhi cũng đã ra viện, tiếp tục điều trị ngoại trú liên tục trong 3 tháng. Sau đó, trẻ sẽ được khám định kỳ để đánh giá, phòng ngừa tái phát, biến chứng...

Bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở người có bệnh mạn tính
Bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở người có bệnh mạn tính

Theo các chuyên gia, bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei.

Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da. Bệnh khó lây truyền từ người sang người. Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mạn tính.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI