Điều phi thường của yêu thương

Những sẻ chia từ yêu thương của người nữ khoa học 32 năm săn tìm vi-rút

04/03/2021 - 12:46

PNO - Lần thứ 2 phân lập được loại vi-rút nguy hiểm chết người, trên khuôn mặt của nhà nữ khoa học là khoảng lặng, rất lâu. Sau này, bà giải thích đó là nỗi âu lo về sự sống cho mỗi sinh mạng con người.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư - tiến sĩ (GS-TS) Lê Thị Quỳnh Mai là nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam phân lập được vi-rút corona gây dịch SARS vào năm 2003. 17 năm sau, như một cơ duyên nào đó, nhóm của GS-TS Lê Thị Quỳnh Mai tiếp tục là nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam phân lập được vi-rút SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Đó là vào ngày 7/2/2020, Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới  nuôi cấy, phân lập thành công vi-rút SARS-CoV-2, xác định tên vi-rút, đặc tính vi-rút, độc lực, cơ chế gây bệnh, cung cấp thêm thông tin để có các phương pháp điều trị thích hợp...

GS-TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: Kênh 14
GS-TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ảnh: Kênh 14

Người 2 lần chạm trán vi-rút Corona

Trong căn phòng xét nghiệm, nhóm các nhà khoa học nữ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương không giấu được niềm vui khi lần đầu tiên phân lập được vi-rút SARS-CoV-2. Đó là vào thời điểm tháng 1/2020 - thời điểm dịch viêm phổi cấp do vi-rút Corona chủng mới (nCoV) sau này có tên là COVID-19 vẫn còn là căn bệnh đầy bí ẩn. Vì bí ẩn, dịch bệnh càng trở nên đáng sợ. GS-TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - “thủ lĩnh” của nhóm các nhà nữ khoa học tại đây cũng có mặt. Nhưng thay vì vui mừng, trên khuôn mặt của bà là khoảng lặng, rất lâu.

Khi được hỏi về cảm xúc tại thời điểm ấy, GS-TS Quỳnh Mai chia sẻ, khi đó nỗi âu lo đến nhanh hơn cả niềm vui. Đó là nỗi âu lo về sinh mạng con người, về những gì không hay có thể xảy ra cho mỗi sự sống trên đất nước này. Khoảng lặng đó cũng là sự băn khoăn khôn nguôi trước câu hỏi: “Trong quá trình phân lập mọi thứ liệu có đảm bảo an toàn sinh học tốt chưa?”. Chỉ cần một sơ suất, chỉ cần một lỗi nhỏ, sự lây nhiễm sẽ xảy ra, mình có thể là nguồn bệnh và có khả năng tràn đi khắp nơi, vượt quá sự kiểm soát của con người.

Chia sẻ sau hai lần “chạm trán” với vi-rút Corona (SARS-CoV gây dịch SARS; SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19) - chủng vi-rút gây chết người và lây nhiễm dễ dàng qua đường không khí, bà nói rất thẳng thắn: “Sợ thì cũng hơi sợ vì lúc đó đã biết nó rất nguy hiểm nhưng lo thì nhiều hơn. Với vi-rút, mình không thể nào mất cảnh giác được đâu, phải hết sức cẩn thận. Vì đó là mối hiểm nguy mà con người không nhìn thấy được, không thể biết rõ được. Lúc phân lập được vi-rút SARS-CoV-2, chúng tôi phải lo lắng với câu hỏi những biện pháp an toàn như thế đã đủ ngăn sự lây lan chưa; bản thân mình và đồng nghiệp đã đủ an toàn chưa”.

Năm 2003, ở tuổi 36, GS-TS Lê Thị Quỳnh Mai cũng từng chạm trán với vi-rút Corona, chủng vi-rút gây trận dịch SARS chết người trên thế giới và tại Việt Nam. Đó là thời điểm mà bà đã gần như “phó mặc” chuyện gia đình để tập trung với công việc “săn tìm” vi-rút Corona. Nhớ lại, GS Quỳnh Mai nói rằng chính gia đình đã giúp bà rất nhiều, để bản thân có thể toàn tâm toàn ý chống dịch, từ thời điểm hàng chục năm về trước cho đến tận bây giờ.

GS-TS Quỳnh Mai chuẩn bị vào làm việc tại phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3  (Ảnh: Kênh 14)
GS-TS Quỳnh Mai chuẩn bị vào làm việc tại phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III. Ảnh: Kênh 14

Nhóm GS-TS Lê Thị Quỳnh Mai là nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam phân lập được vi-rút Corona trong dịch SARS 2003; là nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam xác nhận cúm A (H5N1) có thể gây bệnh ở người; đóng góp quan trọng trong mô tả đặc điểm của vi-rút cúm H5N1. GS Quỳnh Mai được giao trách nhiệm theo dõi Mạng lưới giám sát dịch cúm quốc gia tại Việt Nam, nâng cao năng lực các phòng xét nghiệm; tập trung vào nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi, dịch tễ học phân tử, miễn dịch và phát triển vắc-xin. Năm 2019, GS-TS Lê Thị Quỳnh Mai và các cộng sự vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia -  giải thưởng danh giá dành các nhà khoa học nữ. 

Nhóm GS-TS Lê Thị Quỳnh Mai là nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam phân lập được vi-rút Corona trong dịch SARS 2003; là nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam xác nhận cúm A (H5N1) có thể gây bệnh ở người; đóng góp quan trọng trong mô tả đặc điểm của vi-rút cúm H5N1. GS Quỳnh Mai được giao trách nhiệm theo dõi Mạng lưới giám sát dịch cúm quốc gia tại Việt Nam, nâng cao năng lực các phòng xét nghiệm; tập trung vào nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi, dịch tễ học phân tử, miễn dịch và phát triển vắc-xin. Năm 2019, GS-TS Lê Thị Quỳnh Mai và các cộng sự vinh dự được nhận Giải thưởng Kovalevskaia -  giải thưởng danh giá dành các nhà khoa học nữ.

 

 

 

Người truyền lửa cho thế hệ sau

32 năm gắn bó với nghề dường như đã đủ... lâu để GS-TS Quỳnh Mai nhận ra trong mình có một tình yêu rất lớn dành cho phòng thí nghiệm, cho công tác xét nghiệm, cho cả hệ y tế dự phòng. Điều mà những thời gian đầu, đã có lúc bà tự hỏi mình: “Có bao giờ mình biết chán công việc này không nhỉ, suốt ngày làm việc trong không gian lặng lẽ, với máy móc, với bệnh phẩm, với các loại vi-rút, nơi dung dịch tiệt trùng lúc nào cũng sẵn nhiều hơn nước uống ”.

Vì lẽ đó, nhắc về chuyện chống dịch COVID-19 vừa qua, bà trở nên kiệm lời về mình, dành nhiều hơn để nhắc về những đồng nghiệp, những đàn em tại cơ quan, tại các tỉnh thành khác cũng đã căng mình với những mẫu bệnh phẩm đêm đêm: “Khi đối mặt với dịch bệnh, dù là bệnh nguy hiểm đến đâu, tôi thấy tất cả những đồng nghiệp quanh mình đều đã quên hết chuyện cá nhân để tập trung tốt hết cho công việc. Không chỉ là ở phòng thí nghiệm của chúng tôi đâu mà tất cả những người tham gia chống dịch COVID-19 vừa qua, từ Đà Nẵng cho đến đợt dịch ở Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) lần này... Đến giờ phút này, thật sự tôi vẫn thấy mọi người rất vất vả, nhất là những người phụ nữ. Bởi lẽ trong chống dịch, ai cũng phải hy sinh, từ gia đình thậm chí cho đến tính mạng của mình, vẫn phải làm, vì đó là chọn lựa, chọn lựa của cuộc đời”.

Nhắc về những đồng nghiệp - thế hệ đàn em của mình tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, GS-TS Quỳnh Mai giọng trở nên trầm hơn, có lẽ hơn ai, bà hiểu thấu những nỗi vất vả của những phụ nữ làm công việc nghiên cứu khoa học. Đã có những thời điểm ai cũng dồn sức làm việc với công sức bỏ ra gấp 3-4 lần ngày thường. Trong những thời điểm ấy, bà “xắn tay áo” vào cùng hỗ trợ đồng nghiệp. Đã có lần, bà đã thấy đôi mắt âu lo của một đồng nghiệp nữ khi phải để 2 con còn nhỏ ở nhà, quan sát các con chăm sóc nhau qua camera từ xa... Thấy hết, hiểu hết nhưng lúc đó bà không biết phải nói gì, phải làm gì nữa.

Hỏi vì sao, GS Mai nói thật: “Công việc vất vả như thế đấy. Mình hỏi xong có giúp các em không? Tôi thường nói với các em khi đề xuất một vấn đề gì thì phải luôn kèm theo giải pháp, để từ đó bàn luận. Nếu lúc đó tôi hỏi các em: Tình hình ở nhà có tốt không thì liệu tôi có giúp được gì cho các em hay không? Tôi nghĩ là tôi sẽ không giúp được”. Cách giúp đỡ, cách cảm thông theo cách của GS-TS Quỳnh Mai ở vào những thời điểm ai cũng phải hy sinh một phần cá nhân, chính là “xắn tay áo” cùng làm chung.

Có một giai thoại thú vị chúng tôi nghe được từ những cộng sự của GS Mai, đó là bà luôn cố gắng là người đầu tiên nhận lấy mẫu bệnh phẩm có chứa vi-rút SARS-CoV-2. Bà xác nhận “tin đồn” này là có thật và bật cười: “Cái đó cũng có thật vì tôi nhiều tuổi rồi mà. Tôi có nhiều kinh nghiệm hơn nên phải được “ưu tiên” nhận lấy phần nguy hiểm này chứ”.

Mặc dù bà không tự nhận và cũng không cho rằng những điều mình làm là phi thường, nhưng đối với chúng tôi và những người đồng nghiệp sát cánh bên cạnh GS-TS Quỳnh Mai, cái cách bà nhận phần “nguy” về mình với mong muốn âm thầm giảm bớt sự nguy hiểm cho đồng nghiệp trẻ chính là một hành động phi thường mà không phải ai cũng có thể làm được.

“Điều phi thường của yêu thương” là chương trình do Công ty PNJ khởi xướng, bằng tất cả sự trân quý và ngưỡng mộ chân thành dành cho những người phụ nữ nhân dịp 8/3 năm nay. Bởi PNJ tin rằng, chính tình yêu và sự hy sinh phi thường của họ là những điều kỳ diệu nhất tạo nên một thế giới của đong đầy yêu thương.

H.Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI