Sống lắt lay sau khi nhà bị lũ quét trôi

24/11/2020 - 07:57

PNO - Gió núi cứ thổi ràn rạt, hất tung bạt trên các ngôi nhà tạm khiến những người bên trong phải ngồi co về một góc. Gần một tháng trôi qua sau trận lũ kinh hoàng, nhiều người dân ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục sống tạm bên đỉnh núi.

 

Dựng nhà để dân ở tạm tại xã Trà Leng, H.Nam Trà My
Dựng nhà để dân ở tạm tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My

Tạm trú ở trạm y tế

Ngôi nhà tạm của 15 hộ dân là Trạm y tế xã Phước Thành. Hơn 70 người chia nhau từng phòng bệnh để tạm trú. Trước đó, dòng nước lũ mang theo những hòn đá tảng to bằng cả ngôi nhà đổ xuống va vào nhau nổ như sấm rền đã làm 104 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có 49 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 55 ngôi nhà bị hư hỏng nặng. 

Gần một tháng nay, những người mất nhà phải sống lay lắt trong nhà người thân hoặc trạm y tế. “Giờ ở đâu cũng có nguy cơ sạt lở nên chưa biết bố trí khu vực nào để cho người dân dựng nhà tạm. Do vậy, ai có nhà người thân thì ở tạm, số còn lại ở trong trạm y tế xã” - ông Nguyễn Doãn Tuấn, cán bộ phụ trách văn phòng UBND xã Phước Thành, cho biết.

Sau 20 ngày bị cô lập, hơn 1.800 người dân xã Phước Thành phải vượt ngọn núi dựng đứng, ra phía đầu xã Phước Kim để nhận hàng cứu trợ rồi cõng về, chia nhau từng ký gạo, mớ cá khô… Hơn 20 ngày ròng rã, bữa cơm chỉ có cá khô, nồi canh lỏng bỏng nước. Nơi từng được mệnh danh là “thủ phủ vàng” của huyện Phước Sơn nay chẳng còn gì ngoài một đống đổ nát, hoang tàn. 

“Mọi thứ đều bị cuốn trôi hết. Bộ áo quần đang mang trên người cũng là của người ta cho. Quá nửa đời người rồi, gặp biến cố như vậy thì làm sao gượng dậy nổi. Hết sức rồi” - bà Nguyễn Thị Lê, 54 tuổi, ở thôn 2, xã Phước Thành, buồn bã.

Nắng đã bắt đầu gay gắt sau những ngày mưa to. Những người ở đây lại kéo nhau ra phía con suối Nước Méc để nhặt nhạnh những gì còn sót lại, từ tấm tôn, cây gỗ đến bất cứ thứ gì có thể tận dụng được. Tương lai vô định. Cuộc sống vẫn quẩn quanh với những bữa cơm chan đầy nước mắt. Họ không biết phải bắt đầu lại từ đâu khi ngôi nhà cũng chẳng còn để mà nương náu.
 

Những ngôi nhà còn sót lại cũng đang mấp mé bên miệng vực
Những ngôi nhà còn sót lại cũng đang mấp mé bên miệng vực

Cách xã Phước Thành khoảng 7km là xã Phước Lộc - nơi mới được thông đường vào đến trung tâm xã. Những người bị mất nhà bắt đầu dựng nhà tạm ngay trong khuôn viên của trụ sở UBND xã. Những cây tre được dựng thành từng phên, phía trên che bằng tấm bạt mỏng để tạm trú trong những ngày tiếp theo. 

“Những ngọn núi đã no nước có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào, nên không thể dựng nhà tạm gần núi được. Do đó, phải chờ cho đến khi nắng ráo hẳn, UBND huyện mới nghiên cứu, quyết định bố trí lại nhà cho người dân ở khu vực an toàn” - ông Lưu Huyền Thoại, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, cho hay.

Tái định cư: bài toán khó

Tái thiết sau lũ là điều chắc chắn phải tính đến, nhưng bắt đầu từ đâu lại là điều hoàn toàn khác. Tất thảy đều đã bị vùi trong đống bùn đất. Một ngôi làng nổi tiếng với nghề nuôi ong bộng trứ danh như thôn 6, xã Phước Lộc cũng đã trở thành bình địa chỉ sau một trận lũ quét. 

Ngày thông được đường vào hai xã bị cô lập sau 21 ngày, nét hân hoan hiện rõ trên từng gương mặt, từng đôi mắt của người dân. Họ trút được những bao gạo, nhu yếu phẩm nặng ì ở trên lưng xuống yên xe máy.

“Thông được đường thì mới sửa chữa được điện, rồi từ đó mới tính đến các chuyện khác. Hơn 20 ngày rồi, xã chỉ có một máy nổ, mỗi ngày chỉ dùng được hai giờ, dành chuyển những văn bản báo cáo quan trọng cho huyện. Cứ hai, ba ngày, lại lo chạy một cơn bão, không còn thời gian để nghĩ đến chuyện khác nữa” - ông Nguyễn Doãn Tuấn cho hay.
 

Hàng trăm người đang phải sống lay lắt trong những ngôi nhà tạm
Hàng trăm người đang phải sống lay lắt trong những ngôi nhà tạm

Thoát khỏi cảnh bị cô lập, nhưng người dân vẫn tiếp tục bị vây trong bao khó khăn chất chồng phía trước. Ông Nguyễn Quảng - Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - cho biết sau những giải pháp tạm thời, sắp tới, UBND huyện sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể, mời các nhà khoa học đánh giá tổng quan tình hình các khu vực, đảm bảo chọn được vị trí an toàn để xây dựng các khu tái định cư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cho dân ở được lâu bền nhất.

Ở phía bên kia là xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, người dân cũng chịu vô vàn khó khăn. Việc tái định cư cho dân vẫn là bài toán mà chính quyền nơi đây chưa tìm được lời giải phù hợp. Theo ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết nóc Ông Đề hiện nay có tám hộ đang phải lấy trường học làm nơi ở tạm, số còn lại đang ở nhà người thân. Riêng làng Tăk Pát bị cuốn trôi sạch, giờ đang dựng 60 ngôi nhà tạm cho dân tạm trú qua ngày. 

“Đó là giải pháp tạm thời khi chưa đủ nguồn lực để tái thiết cuộc sống. Khó nhất hiện nay là nhà người dân phải có gỗ để làm, như lâu nay vẫn thế. Nhưng gỗ giờ kiếm đâu ra nữa? Hơn nữa, với 40 triệu đồng/nhà từ nguồn kinh phí của Nhà nước thì không thể dựng được một ngôi nhà vững chãi cho họ được. Vì vậy, phải tranh thủ từ nguồn xã hội hóa, mà như thế thì sẽ còn rất lâu” - ông Dũng nói. 

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI