“Siết” quy định để người nổi tiếng không thể quảng cáo vô tội vạ

05/12/2024 - 08:24

PNO - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo có quy định người nổi tiếng khi đăng tải nội dung quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải là “người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm”. Nhiều người tiêu dùng rất ủng hộ đề xuất này, trước thực tế quảng cáo bát nháo như hiện nay.

Nhiều người nổi tiếng đã phải xin lỗi

Tại kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa XV vừa kết thúc, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định này là cần thiết bởi thời gian qua, trên mạng xã hội và truyền thông xuất hiện tình trạng không ít người nổi tiếng, nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ vô tội vạ. Khoảng 4-5 năm trước, một loạt nghệ sĩ trong nước phải xin lỗi về các nội dung đã quảng cáo. Một MC nổi tiếng, hay làm thiện nguyện, từng quảng cáo cho một sản phẩm có “công dụng hỗ trợ điều trị tận gốc các tế bào ung thư, giúp điều trị vết loét và điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường’’. Nam MC này sau đó bị cộng đồng mạng cho là nói khống, thổi phồng chức năng của sản phẩm. Trước sức ép từ dư luận và tự nhận thấy mình sai, nam MC này đã phải xin lỗi.

Không ít người nổi tiếng phải xin lỗi khi nói quá về công dụng của sản phẩm
Không ít người nổi tiếng phải xin lỗi khi nói quá về công dụng của sản phẩm

Trong các quảng cáo từng bị chỉ trích mạnh, có trường hợp quảng cáo thần dược trị viêm gan của một diễn viên kỳ cựu. Nam diễn viên này vào vai một bệnh nhân mắc bệnh viêm gan, đến một bệnh viện để thăm khám, điều trị. Sau khi uống thuốc tây từ bệnh viện không khỏi, “cứ uống là bụng sôi, nóng rực”, ông vô tình tìm được sản phẩm hỗ trợ, dùng vài tháng thì “men gan trở về mức ổn định”. Đại diện bệnh viện được nhắc tên trong quảng cáo đã phủ nhận sự việc, chỉ ra nhiều điểm sai, có dấu hiệu làm giả giấy tờ của bệnh viện trong đoạn clip. Sự việc lúc đó đã gây phẫn nộ lớn trong cộng đồng vì nghệ sĩ kiếm tiền bằng cách quảng cáo vô tội vạ, xem thường sức khỏe người tiêu dùng.

Những vụ việc như vậy khiến đề xuất siết hoạt động quảng cáo từ người nổi tiếng nhận được sự đồng tình. Điều mà công chúng băn khoăn là khi đề xuất này được thông qua, làm sao để có thể giám sát người nổi tiếng có thật sự đã sử dụng sản phẩm hay họ chỉ nói để đối phó, nói cho đúng quy định? Bên cạnh sự tự giác của người nổi tiếng cần có thêm các biện pháp kỹ thuật giám sát để phát huy hiệu quả của quy định trên thực tế.

Phải tự ý thức, trách nhiệm

Các gương mặt quảng cáo hiện tại không chỉ tập trung vào diễn viên, ca sĩ, người đẹp mà còn là những cá nhân có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội như tiktoker, facebooker, youtuber… Việc “siết” quy định nhằm tăng trách nhiệm của người tham gia quảng cáo là điều nên làm.

Người nổi tiếng tham gia quảng cáo ở nhiều mặt hàng khác nhau.
Người nổi tiếng tham gia quảng cáo ở nhiều mặt hàng khác nhau.

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, diễn viên Thanh Thúy cho biết trong nhiều năm làm nghề, khi nhận được các lời mời quảng cáo, chị đều cân nhắc rất kỹ: “Tôi rất vui khi các nhãn hàng nhớ đến để mời sử dụng, chia sẻ về sản phẩm. Bao nhiêu năm làm nghề, tôi chỉ nhận quảng cáo khi bản thân có trải nghiệm với sản phẩm. Một khi đã sử dụng qua, thấy được công dụng hay còn hạn chế nào, cách mình chia sẻ về sản phẩm đó cũng chi tiết, chân thật hơn. Bạn chỉ cần nhìn qua cách người đó quảng cáo, bạn sẽ biết là họ có sử dụng qua hay không. Dù biết nhiều hợp đồng quảng cáo có kinh phí lớn, nhưng với trách nhiệm của nghệ sĩ, cũng là người tiêu dùng, tôi không nhận PR nếu chưa sử dụng”.

Thanh Thúy cho biết thêm, nhiều năm về trước, việc nghệ sĩ tham gia bán hàng qua mạng sẽ nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí có khán giả không đồng tình vì cho rằng nghệ sĩ chỉ nên xuất hiện ở các sân khấu, dự án phim ảnh, nghệ thuật, không nên buôn bán ồn ào, ảnh hưởng hình tượng. Nhưng nay, quan niệm về người nổi tiếng kinh doanh, bán hàng cũng đã thay đổi. Khán giả ngày càng tin tưởng nghệ sĩ nên mua sắm các sản phẩm mà họ quảng cáo, bán trong các buổi live stream, vì vậy sản phẩm phải thật sự có chất lượng để đảm bảo sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng.

Ca sĩ Nguyễn Phi Hùng hiện cũng đang điều hành thương hiệu thực phẩm, chăm sóc sức khỏe riêng. Anh cho biết, quy định mới liên quan việc người nổi tiếng quảng cáo cũng nhằm tăng thêm trách nhiệm của người có sức ảnh hưởng với sức khỏe của cộng đồng. Anh cho rằng, không dễ để một cá nhân được công chúng tin tưởng, yêu thương, nên một khi tham gia quảng cáo, cần kiểm tra chứng từ của sản phẩm, tự trải nghiệm chất lượng và chia sẻ theo cảm nhận cá nhân. Anh tin rằng, người nổi tiếng tự giác và có trách nhiệm sẽ biết cách để không làm ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, cộng đồng.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang trong quá trình hoàn thiện. Hy vọng khi luật được thông qua, cơ quan quản lý có thể kiểm soát, giám sát, xử lý triệt để các trường hợp người nổi tiếng vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo, bảo vệ hiệu quả người tiêu dùng.

An Trịnh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI