Sẽ không có vùng đất nghĩa tình nếu...

18/03/2020 - 07:56

PNO - Ngày 17/3, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến trong buổi phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Giữa những xáo trộn do dịch bệnh, giá trị nền tảng và sức mạnh dân tộc chính là truyền thống “thương người như thể thương thân”.

Khi nghe kể về nhóm du khách nước ngoài phải lang thang trong đêm vì bị khách sạn từ chối phục vụ, người ta dễ hình dung ra cảnh người mệt mỏi, bơ vơ, bế tắc. Mọi người có lòng nhân đều sẽ động lòng với cảnh này.

Thế nhưng, dịch bệnh đã khiến người ta quá bận rộn với sợ hãi, cảnh giác mà không nhìn thấy điều này. Họ né tránh, rồi “chỉ điểm” để cùng nhau xa lánh “nơi có người nước ngoài”.

Ở phường 6, quận 8, TPHCM, mới tuần trước, dì tôi tuyên bố “không xuống tập thể dục nữa” vì sáng hôm đó, mọi người nhặt được chiếc ví có giấy tờ của một người Hàn Quốc “chứng tỏ chung cư này có người Hàn ở”. Họ không còn nhìn thấy “du khách”, những “thường trú nhân” người nước ngoài. Họ chỉ nhìn thấy ở những hình dáng này một nguy cơ lây bệnh. 

Khi dì tôi quyết định xa lánh khu tập thể dục, bà chỉ nghĩ rằng bà đang từ bỏ quyền lợi rèn luyện sức khỏe của mình, để phòng bệnh. Khi những khách sạn từ chối, xua đuổi khách, họ chỉ nghĩ họ đang đánh đổi lợi ích kinh tế của bản thân để phòng bệnh. Thế nhưng, chính cái lúc người dân nghĩ rằng họ “chỉ đang từ bỏ quyền lợi cá nhân”, lại cũng là lúc họ sập cửa trước khách hàng, trước đồng loại.

Đó không phải lựa chọn cá nhân, khi lựa chọn đó khiến một người không chốn dung thân, khiến một người khác phải bơ vơ, đói khát. Đó là sự bỏ mặc. Khi tưởng chỉ đang “tự vệ”, họ đã chọn một thái độ, họ “trình diễn” một tính cách, họ không còn “thân thiện, thuần hậu, nghĩa tình” như cách người Việt vẫn thường “tự bạch”.

Giúp đỡ nhau cùng vượt qua dịch bệnh
Giúp đỡ nhau cùng vượt qua dịch bệnh- Ảnh minh họa

Lòng nhân và cả hình ảnh cộng đồng vẫn dễ bị xem là quá “cao đạo” giữa cơn khốn khó. Nhưng, nhìn dưới góc độ lợi ích cá nhân thì những người có “cơ hội” kỳ thị, từ chối, quay lưng với người nước ngoài - lại chính là những người có quyền lợi trực tiếp với nhóm khách này.

Viễn cảnh bị khách hàng quay lưng, bị “bôi đen” về đạo đức và chất lượng dịch vụ trong cộng đồng du khách thế giới sẽ dẫn đến một tương lai u ám cho chính họ khi dịch bệnh qua đi. 

Thế nhưng, những phản ứng khước từ khách nước ngoài này là vô cùng dễ hiểu. Giữa dịch bệnh, “đóng cửa” là cách đơn giản nhất, và cũng an toàn nhất cho từng cá nhân.

Người dân không đáng trách. Họ có thể chấp nhận đánh đổi kinh tế để giữ mạng. Nhưng, khi có bao nhiêu du khách lang thang trong đêm không có chỗ tá túc chỉ vì sự kỳ thị thái quá của người địa phương thì đã có bấy nhiêu hình ảnh quái đản, trái ngược với lòng trắc ẩn. Nhất là khi, kỳ thị không phải là cách duy nhất để phòng bệnh.

Vậy thì, song song với các biện pháp chống dịch mà chính phủ đang căng mình chống đỡ, cần có thêm một phương án để bảo vệ du khách - vừa là khách hàng mà cũng vừa là con người trong dịch họa.

Về phía người dân - những vị chủ nhà trên đất nước Việt Nam này - hoàn cảnh dịch ngặt nghèo không cho phép họ có thể hiếu khách một cách lý tưởng. Nhưng, nguyên tắc cuối cùng mà một vị chủ nhà có thể áp dụng với một vị khách, chính là “nhập gia tùy tục”.

Chống dịch cũng có nguyên tắc của thời chống dịch. Họ có thể áp dụng biện pháp giãn cách (social distancing) khi tiếp xúc để bảo vệ bản thân, rồi kết nối với cơ quan chống dịch địa phương để giúp du khách sàng lọc nguy cơ nhiễm bệnh. Điều này thậm chí còn nghiêm túc và triệt để hơn trong hiệu quả phòng dịch, nhưng lại không phải là phản ứng “trẻ con”, “vô tình” với du khách.

Khi đó, sẽ không còn những vị khách bơ vơ, càng không còn những người ngoại quốc “nghi nhiễm” đi lang thang ngoài vùng kiểm soát. Còn du khách, việc phải trải nghiệm những “kỷ luật địa phương” về việc phòng chống dịch chắc chắn là bất tiện nhưng vẫn là điều dễ hiểu, dễ chấp nhận hơn là việc bị bỏ mặc, bị khước từ.

Chắc chắn, sẽ không ai còn muốn quay lại vùng đất mà họ từng bị bỏ mặc giữa lúc khó khăn. Cũng không ai muốn đến một nơi mà người dân có thể mù quáng xua đuổi họ nếu chẳng may có bất trắc thời cuộc.

Với tâm lý của khách du lịch, mọi vùng đất đều có thể an toàn nếu có sự hiện diện của con người, của cư dân địa phương. Nhưng nếu ở chính người địa phương cũng không có một tín hiệu nào của sự giúp đỡ, chở che, thì nơi đó chỉ còn trơ trọi những hoang vu, bất trắc của một vùng đất xa lạ. 

Khi phải lang thang, vất vưởng trong đêm, thì người ta chỉ có thể đã đi lạc vào một vùng đất hoang vu, hoặc một nơi mà sự mông muội đã xâm chiếm tình người...

***

Khuya 16/3, Đại sứ Anh gửi lời cảm ơn Việt Nam đã giúp đỡ công dân Anh giữa mùa dịch COVID-19. Sáng 17/3, một nhóm Facebook có hàng chục ngàn người nước ngoài đang sống ở TPHCM đã cùng bàn luận xem họ quyết định ở lại Việt Nam để tránh dịch hay về nước.

Kẻ ở, người về vì nhiều lý do. Trong đó, có một người nước ngoài bình luận “Ở châu Âu không có sầu riêng, tôi chọn ở lại Việt Nam vì nơi này có sầu riêng”. Bình luận này được rất nhiều “tim”.

Việt Nam đang được yêu vì nhiều lẽ, trong đó có cả những lý do rất hồn nhiên. Chỉ hy vọng rằng, sau “phép thử” vĩ đại từ dịch COVID-19, điều ta còn biểu đạt ra với thế giới không phải là gương mặt của sự sợ hãi mù quáng và những bản năng lạnh lùng. Một cô gái đẹp mà vô tình, thì cũng chẳng có tình yêu. 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI