Sao lại ngại vào bệnh viện làm phẫu thuật thẩm mỹ?

03/04/2022 - 07:01

PNO - Thời gian qua liên tiếp xảy ra các ca tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ. Tại sao nhiều người vẫn chọn những cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ “chui” mà không vào bệnh viện để làm đẹp?

Rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề này đã được bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hữu Thịnh - quản lý và điều hành Khoa Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - giải đáp, từ đó cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích khi quyết định nơi “chọn mặt gửi vàng”.

Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh đang tư vấn cho một trường hợp có nhu cầu làm phẫu thuật thẩm mỹ - ẢNH: M.T.
Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh đang tư vấn cho một trường hợp có nhu cầu làm phẫu thuật thẩm mỹ - ẢNH: M.T.

Từ sự chủ quan, dễ dãi của khách hàng 

Phóng viên: Thưa bác sĩ, gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ từ những cơ sở bên ngoài phải đưa vào các bệnh viện cấp cứu. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM có tiếp nhận nhiều trường hợp như vậy không? Tình trạng các nạn nhân khi đó thế nào?

Bác sĩ Vũ Hữu Thịnh: Nếu nói về lượng bệnh nhân tới khám sau khi làm phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở ngoài bệnh viện do họ cảm thấy những vấn đề bất thường thì rất nhiều. Tuy nhiên, khi thăm khám, chúng tôi chia bệnh nhân ra làm hai nhóm: chỉ theo dõi và cần phải xử trí vết thương.

Ví dụ đôi khi họ mới tiêm filler, căng chỉ, tiêm tan mỡ, phẫu thuật nâng sống mũi, cắt mí mắt... và vì lo lắng nên đi khám nhưng bác sĩ thấy chưa cần can thiệp thì hướng dẫn họ theo dõi.

Bên cạnh đó là những trường hợp sau khi làm phẫu thuật thẩm mỹ ở bên ngoài, do không đảm bảo vô trùng nên vết thương bị nhiễm trùng và hoại tử. Nếu thấy có dấu hiệu này, chúng tôi phải xử trí vết thương cho bệnh nhân.

Đặc biệt sau thời gian giãn cách do COVID-19, riêng cá nhân tôi đã tiếp nhận nhiều ca như vậy, trong đó có vài trường hợp phải phẫu thuật lấy bỏ vật liệu, làm sạch vết mổ; một trường hợp bị hoại tử sau khi cắt da và mỡ bụng đã được xử trí cắt lọc và ghép da. Những ca này trước mắt chỉ có thể làm lành vết thương chứ không thể đẹp được.

Một vài trường hợp khiến tôi ngạc nhiên nhất là bệnh nhân được chính người thực hiện… đưa đến bệnh viện khám.

Khi tôi hỏi thì được biết người tiêm filler cho bệnh nhân không phải nhân viên y tế còn bản thân khách hàng của anh ta dù đang bị tai biến mà vẫn cảm thấy việc một người không có chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tiêm filler cho mình là rất bình thường, chẳng qua là do mình… không may mắn.

Chính sự chủ quan, dễ dãi như vậy đã dẫn tới hậu quả là những ca tai biến đau lòng sau phẫu thuật thẩm mỹ.

* Vậy can thiệp thẩm mỹ khi nào cần gây tê, khi nào cần gây mê? Những cơ sở nào được phép thực hiện các kỹ thuật đó?

- Các kỹ thuật gây tê tại chỗ được phép thực hiện ở những phòng khám chuyên khoa, còn kỹ thuật gây mê chắc chắn phải thực hiện tại bệnh viện. Thế nhưng, một số phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ (có hoặc không có phép) đã lợi dụng tiểu xảo để lách luật là tiến hành tiền mê (cho bệnh nhân ngủ lơ mơ) để làm những kỹ thuật bắt buộc phải gây mê.

Điều đó vô cùng nguy hiểm, vì khi tiền mê sẽ gây ức chế hô hấp, nếu bệnh nhân suy hô hấp thì các phòng khám không đủ nhân lực và trang thiết bị để kịp thời cấp cứu.

Trong một số trường hợp tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ được đưa tin gần đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng dù bác sĩ có giỏi tới đâu nhưng nếu không có sự hỗ trợ của một ê-kíp chuyên nghiệp và đầy đủ trang thiết bị thì khi xảy ra sự cố cũng không thể trở tay kịp.

Các spa không được phép làm bất cứ kỹ thuật gì có sự xâm lấn. Xâm lấn ở đây được hiểu là rạch da, xuyên qua da và có chảy máu. Nếu ủ tê xóa xăm thì được, còn tiêm thuốc tê thì spa cũng không được phép làm.

Không phải mọi bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ đều làm được tất cả kỹ thuật thẩm mỹ 

* Vậy theo bác sĩ, khách hàng có nhu cầu làm đẹp cần tìm hiểu những thông tin gì để hạn chế rủi ro?

bị biến chứng nổi các cục áp xe đầy mặt sau khi sử dụng dịch vụ tiêm tan mỡ tại nhà
Một trường hợp bị biến chứng nổi các cục áp xe đầy mặt sau khi sử dụng dịch vụ tiêm tan mỡ tại nhà

- Đã là phẫu thuật thì không thể đảm bảo hoàn toàn không có rủi ro. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao khi rủi ro xảy ra, cơ sở đó có đủ năng lực xử trí và khắc phục để giảm thiểu hậu quả xuống mức thấp nhất. Đối với những bệnh viện có chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ (như Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM), trước khi mổ, khách hàng và người nhà được tư vấn kỹ; khách được tầm soát các vấn đề về sức khỏe, làm những xét nghiệm liên quan tới máu, đường huyết…

Theo đó, khách hàng sẽ được tư vấn đến ba lần bởi ba bác sĩ (bác sĩ mổ chính, bác sĩ phụ và bác sĩ gây mê) cho tới khi hoàn toàn thông suốt về những yếu tố nguy cơ có thể xảy ra trong và sau ca mổ.

Nếu là ca tiểu phẫu gây tê, khách hàng sẽ được về trong ngày rồi tái khám sau 5 - 7 ngày, còn đối với những ca đại phẫu cần gây mê (cắt da - mỡ bụng, thu nhỏ ngực, nâng ngực), bệnh nhân sẽ được theo dõi cho tới khi tự thở được, có thể đi lại, khi bác sĩ mổ chính đánh giá tình trạng sức khỏe ổn định mới được xuất viện.

Trước khi mổ (dù gây tê hay gây mê) khách hàng đều được yêu cầu nhịn ăn ít nhất sáu tiếng để lỡ khi xảy ra sự cố cần đặt nội khí quản cấp cứu, thức ăn trong dạ dày bệnh nhân sẽ không trào ngược vào đường thở. 

Nếu bạn tới một cơ sở để phẫu thuật thẩm mỹ mà không có những bước như kể trên, họ chỉ tư vấn qua loa rồi cho bạn làm phẫu thuật (vì sợ khách hàng đổi ý bỏ đi) thì bạn cần suy nghĩ lại. 

Ngoài chuyện kiểm tra xem cơ sở thẩm mỹ có được cấp phép hay không, bạn cũng cần tìm hiểu xem bác sĩ sẽ phẫu thuật cho mình là ai, kỹ thuật được cấp phép của cơ sở có cấp cho bác sĩ đó không hay là đứng tên bác sĩ khác… Không phải mọi bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ đều có thể làm được tất cả các kỹ thuật liên quan tới thẩm mỹ.

Chẳng hạn tại bệnh viện, bác sĩ trưởng khoa sẽ phân công kỹ thuật nào do bác sĩ nào làm. Bác sĩ được cấp phép làm kỹ thuật nâng mũi chưa chắc đã được cấp phép làm kỹ thuật nâng ngực. Đây chính là điểm mà người dân còn mập mờ hay hiểu lầm.

Thông thường, quy trình để cấp phép cho một cơ sở thẩm mỹ như sau: ngoài bằng cấp, Sở Y tế sẽ kiểm tra cơ sở đó có đủ thuốc, máy móc, phương tiện hay không. Sau khi có giấy phép hoạt động, việc cơ sở đó được phép thực hiện những kỹ thuật nào còn phải thông qua một hội đồng chuyên môn xét duyệt.

Vì vậy, khi chọn một cơ sở nào đó để phẫu thuật thẩm mỹ, bạn cần yêu cầu họ cho xem kỹ thuật họ sắp thực hiện cho mình có nằm trong danh mục họ đã được Sở Y tế cấp phép không. 

* Nhiều chị em cho biết khi họ đến làm đẹp ở các spa, nhân viên thực hiện can thiệp thẩm mỹ đều khoe những chứng chỉ về các kỹ thuật họ làm. Bác sĩ giải thích thế nào về điều này? Bên cạnh đó, theo bác sĩ, tại sao bệnh viện làm rất an toàn và đúng quy trình nhưng nhiều người vẫn chọn can thiệp thẩm mỹ tại những cơ sở không được cấp phép?

- Phải xem chứng chỉ đó do nơi nào cấp, có phải trường đại học y cấp hay không. Spa không được làm những kỹ thuật xâm lấn nhưng theo tôi biết, rất nhiều nơi còn làm luôn cả tiêm filler và căng chỉ da. 

Người dân vẫn chưa quen với khái niệm vào bệnh viện để làm đẹp, họ nghĩ chỉ khi nào bị bệnh mới đến bệnh viện. Khi vào bệnh viện thì bác sĩ sẽ nói nhiều về rủi ro, về những nguy cơ… nên tâm lý khách hàng e ngại. Còn ra spa, họ được chiều chuộng, nhân viên ở đó nói gì cũng hay, cũng tốt nên khách cảm thấy có vẻ an toàn hơn, chưa kể còn hay được giảm giá.

Qua đây, tôi muốn nhắn nhủ tới chị em rằng, hãy là một phụ nữ thông thái; khi làm đẹp cần tìm hiểu kỹ càng để lựa chọn cho mình cơ sở uy tín, bác sĩ uy tín bởi sự an toàn vẫn luôn cần được đặt lên hàng đầu.

Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI