Sao lại để người bệnh chật vật với từng viên thuốc?

19/06/2022 - 08:27

PNO - Người bệnh hy vọng không cần phải ra ngoài tự mua thuốc và vật tư y tế để bệnh viện điều trị cho mình nữa.

Hàng tháng tôi đến bệnh viện khám bệnh, chỉ là những căn bệnh mãn tính như huyết áp cao, mỡ máu cao, đường huyết cao. Tên thuốc trong toa hầu như tôi đoán được trước khi khám. Bởi, bác sĩ đã nói phải uống thuốc thường xuyên nếu không muốn bị nặng hơn. Có những lúc thuốc không có đủ, tôi phải mua ở ngoài. Lý do bệnh viện mua chưa kịp.

Tìm hiểu thì được biết để có thuốc bệnh viện phải mua từ kết quả đấu thầu của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia hoặc đấu thầu tập trung tại địa phương hay đấu thầu tại bệnh viện. Hình thức đấu thầu nào cũng rất phức tạp. Dù rằng, thuốc và vật tư y tế trong Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu đều có mục riêng hướng dẫn cho công tác này.

Mang một toa thuốc ra nhà thuốc tây, tôi thường được hỏi lấy hiệu khác tương đương được không? Và dĩ nhiên giá cả chẳng tương đương chút nào.

Có người cho rằng thuốc mắc tốt hơn thuốc rẻ, thuốc ngoại tốt hơn thuốc nội. Vậy thì thuốc rẻ hơn hoặc thuốc nội trị được bệnh không? Nếu không, sao được ghi toa? Nếu có, sao phải mua thuốc mắc tiền? 

Tôi đi lần lượt các nhà thuốc, cho đến lúc tìm đúng thuốc ghi trong toa. Tò mò tôi lại đến nhà thuốc khác, cũng đúng với thuốc ghi trong toa, nhưng giá lại khác chút đỉnh. 

Vậy đó. Chỉ một viên thuốc thông thường đã là "một trời rắc rối", huống chi cả một danh mục hàng trăm loại.

Khi lập hồ sơ mời thầu, đưa ra tiêu chí một câu, một chữ, một số khác nhau là đã mang lợi thế cho nhà thầu này hay nhà thầu khác. Với gói thầu mua sắm hàng hóa thông thường đôi khi có nhà thầu chào giá thấp nhất nhưng có 1-2 mặt hàng (trong hàng chục mặt hàng) có sai sót về tiêu chuẩn kỹ thuật trong lúc lập hồ sơ chào thầu. Nhà thầu khác đáp ứng đầy đủ về tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng giá cao hơn nhiều. Xử lý như thế nào là một vấn đề đòi hỏi hội đồng xét thầu phải có đầy đủ chuyên môn và bản lĩnh.

Đối với thuốc và vật tư y tế mức độ phức tạp chắc là cao hơn rất nhiều so với mua sắm hàng hóa thông thường. Đã gọi là đấu thầu thì phải có tiêu chí xét thầu. Không phải trong nghề cũng biết thuốc và vật tư y tế phải đáp ứng yêu cầu điều trị tốt nhất và đương nhiên giá cả phải cạnh tranh. Nhưng đâu phải lúc nào cũng có nhà thầu đáp ứng được cả hai.

Người ta hay nói: “vàng thật không sợ lửa”, nhưng cũng có câu “chờ được mạ, má đã sưng”. Thế cho nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đang diễn ra ở nhiều bệnh viện trên cả nước không phải là chuyện lạ, nhất là khi "cơn bão Việt Á" quét qua nhiều nơi. Người dân mong muốn vướng mắc, khó khăn nhanh chóng được tháo gỡ. Người bệnh cũng hy vọng không cần phải ra ngoài tự mua thuốc và vật tư y tế để bệnh viện điều trị cho mình nữa.

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI