Cơn bão Việt Á lôi ra ánh sáng những cán bộ y tế “xà xẻo”, "chấm mút"

13/06/2022 - 11:35

PNO - ĐBQH Nguyễn Anh Trí chia sẻ, "cơn bão Việt Á nổi lên, những cán bộ y tế xà xẻo, chấm mút của công đang bị lôi ra ánh sáng".

 

ĐBQH Nguyễn Anh Trí chia sẻ, chưa bao giờ thấy pháp luật y tế khủng hoảng như hiện nay

ĐBQH Nguyễn Anh Trí xót xa vì 1 đêm trực của cán bộ y tế chỉ vỏn vẹn 18.600 đồng

Chia sẻ trước diễn đàn Quốc hội sáng 13/6, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho hay, trong suốt 40 năm hành nghề y, ông chưa bao giờ thấy pháp luật về y tế lại khủng hoảng, thiếu hụt và không cập nhật như hiện nay. 2 năm qua, đại dịch COVID-19 càn quét làm sức khỏe nhân dân tổn thương nặng nề, bộc lộ nhiều bất cập trong ngành.

ĐB xót xa khi qua hoạt động giám sát, tại Quảng Ninh, 1 đêm trực của cán bộ y tế cơ sở chỉ vỏn vẹn 18.600 đồng. Trên cả nước, hàng loạt cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở phải bỏ việc.

Ông cũng chỉ ra, hệ thống pháp luật bị thiếu, sơ hở, lỏng lẻo nên lòng tham của một số ít người là cán bộ y tế có cơ hội nổi lên, điển hình là qua vụ Việt Á: “Họ trục lợi, họ xà xẻo, họ chấm mút, họ chia chác".

Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, y tế cả nước đang chao đảo, những chiến binh áo trắng kiên cường trong chống dịch nay đã buông tay đứng nhìn. Họ nhìn thấy hoạt động mua sắm thuốc men, sinh phẩm đang bị đứt gãy do các nhà thầu dè dặt, việc phê duyệt như Sở Y tế, Bộ Y tế đang bị đình đốn… Bởi nhiều vị lãnh đạo trong số này phải làm những công việc quan trọng hơn, sinh tử đối với họ như phải giải trình thanh tra, điều tra. 

ĐBQH Nguyễn Anh Trí kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách của y tế như nhân lực, phòng chống tiêu cực, đặc biệt hoàn thiện hơn thể chế pháp lý… Trong đó, ưu tiên sửa đổi văn bản pháp lý, trong đó có luật khám chữa bệnh.

ĐB Nguyễn Công Long chỉ ra, lòng tham

ĐBQH Nguyễn Công Long chỉ ra, nếu không vượt qua cám dỗ, xử lý mối quan hệ chằng chịt từ các gói thầu bệnh viện thì vào tù là... sớm hay muộn

Cùng trăn trở trước tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm y tế diễn ra nhiều nơi, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đánh giá, nhiều người có trách nhiệm trong ngành y tế không dám đấu thầu mua sắm do sợ sai, sợ trách nhiệm. “Thể chế, pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, ĐBQH nói.

ĐBQH Nguyễn Công Long phân tích, Việt Nam là một trong số ít quốc gia áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm giữa chuyên môn và quản lý, điều hành. Giám đốc bệnh viện công trước hết phải giỏi chuyên môn, y khoa, nhưng lại không được đào tạo kỹ năng quản lý, điều hành của bệnh viện… khiến chất lượng dịch vụ kém, thiếu tính chuyên nghiệp. Các trường y mới chỉ tập trung đào tạo chuyên ngành y như đa khoa, răng hàm mặt, y học dự phòng… mà không chú trọng đào tạo quản lý bệnh viện.

Không chỉ bây giờ, khi hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị xử lý hình sự thì mới thấy mà theo ĐBQH, sự bất cập trong mô hình quản lý bệnh viện đã xuất hiện từ lâu. Người giỏi y khoa khi được cất nhắc đều phải lựa chọn chuyên môn hay quản lý.

“Điều này làm nhớ tới câu chuyện của GS Tôn Thất Tùng, ông là người được giữ chức vụ cao trong ngành y tế nhưng đã xin thôi để chuyên tâm cho lĩnh vực khoa học. Nếu như ông làm quản lý thì thế kỷ XX, thế giới đã không có một nhà phẫu thuật gan nổi tiếng là GS Tôn Thất Tùng”, ĐBQH Nguyễn Công Long nêu dẫn chứng.

Đối với người chấp nhận vừa làm quản lý, vừa làm chuyên môn, theo ĐBQH, áp lực rất lớn. “Chúng ta tưởng tượng, các giáo sư, bác sĩ khi bước vào phòng mổ, thay vì toàn tâm, toàn ý cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc bị phân tâm bởi các gói thầu A, các hợp đồng B nào đó, và ai cũng hiểu trong các gói thầu, các hợp đồng đó có vô số những lợi ích, cơ man các mối quan hệ chằng chịt. Nếu không vượt qua cám dỗ, xử lý được các mối quan hệ chằng chịt đó thì chuyện vào tù là sớm hay muộn”, ĐBQH Nguyễn Công Long thẳng thắn.

Từ lâu, ngành y tế đã thấy rõ những bất cập trên. Bộ Y tế đã đề xuất thí điểm cơ chế tự chủ với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Các bệnh viện công tổ chức bộ máy theo mô hình có tổng giám đốc và các giám đốc điều hành, dự kiến thí điểm thuê CEO điều hành không cần là giáo sư, tiến sĩ y khoa, đảm bảo minh bạch điều hành bệnh viện công. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Công Long lấy làm tiếc vì các nỗ lực trên chưa có hiệu quả do gặp phải vướng mắc về nhận thức và thể chế. Trong đó, về nhận thức, vẫn còn những người vấn vương quyền hạn, những lợi ích về chiếc ghế giám đốc. Về thể chế, ĐB đặc biệt lưu ý, nếu không bổ sung các quy định và đưa vào dự thảo luật lần này thì không biết đến bao giờ mới có thể giải quyết những bất cập.

ĐBQH đề nghị trong dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) lần này, cần phân định rõ hoạt động chuyên môn và quản lý của bệnh viện công; quy chuẩn hóa, tiêu chuẩn các chức danh quản lý, điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định hành nghề khám chữa bệnh; xem xét quy định tiêu chuẩn nhân lực quản lý theo tiêu chuẩn chung của thế giới; hoàn thiện mô hình tự chủ hành chính, tự chủ quản lý như đã nghiên cứu trước đây.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI