Sao không bỏ phố về quê?

12/07/2025 - 07:00

PNO - Những người quanh tôi đều có nơi để về, nhưng rất ít người chọn bỏ phố về quê. Vì sao vậy?

Quê nhà luôn gợi lên bức tranh bình yên, nhưng không phải ai cũng sống được - Ảnh minh họa: Freepik
Quê nhà gợi lên bức tranh bình yên, nhưng không phải ai cũng sống được - Ảnh minh họa: Freepik

Sau một số vụ hỏa hoạn ở TPHCM, tôi đọc được trên status của Vy: “Ở thành phố đầy rủi ro bất trắc vậy, sao không về quê sống?”.

Vy cũng là người tha hương và chưa có ý định về quê sống. Có lẽ Vy đặt ra câu hỏi cho mọi người và cả chính mình.

Tôi từng về nhà Vy ở vùng nông thôn chơi. Căn nhà giữa mảnh vườn xanh mát đẹp như tranh vẽ. Phía sau nhà, mẹ Vy trồng những luống rau tốt tươi. Mỗi bữa muốn ăn rau gì, bà chỉ cần ra hái một loáng là cả rổ. Gà cũng có sẵn trong vườn.

Cha mẹ Vy mất đi, 4 anh em Vy không một ai chọn cuộc sống trong căn nhà đẹp như tranh đó. Vì biết làm gì ra tiền để sống? Hơn nữa, mỗi đứa con rời xa quê đã nuôi dưỡng những giấc mơ cho riêng mình. Chỉ cần cố gắng, thành thị sẽ giúp họ thêu dệt những giấc mơ ấy. Vậy nên, dù có nhà hay còn đang ở trọ, anh em Vy vẫn gắn chặt đời mình nơi thành thị.

Đa số những người quanh tôi, họ đều có nơi để về. Đó là nhà của cha mẹ, anh chị em, có khi của chính họ sở hữu căn nhà do cha mẹ để lại. Hoặc nếu muốn sống nơi quê nhà, họ vẫn có đủ khả năng mua mảnh đất, dựng nhà cho cả gia đình sống thoải mái. Nhưng vì sao rất ít người có sự lựa chọn đó?

Tôi nhớ những ngày cả thành phố chìm vào u ám trong cơn đại dịch COVID-19. Có những chốt chặn khắc nghiệt hơn bất cứ cánh cổng khó ra vào nào. Tôi còn nghĩ chỉ cần sau mùa dịch, sẽ có rất nhiều người chọn cuộc sống nơi quê nhà, bởi ít ra trong những tình huống như dịch bệnh, họ vẫn "dễ thở" hơn nơi thành phố chật hẹp, nhưng không hẳn vậy, mùa xuân chưa rời gót đã thấy những dòng người nối đuôi nhau trên quốc lộ hướng đến những thành phố lớn.

Tôi rời quê cùng cha mẹ lên thành phố từ những năm đang học cấp II, những lần trở về quê nhà, tôi tự hỏi lòng mình có còn gắn bó với nơi in dấu tuổi thơ? Câu trả lời là không. Nếu có chút cảm xúc trong lòng, đó cũng là cảm xúc thuộc về trang giấy cũ. Hiện tại mọi thứ đã khác, những người ở quê tôi nếu gặp cũng chẳng khác gì người lạ mình gặp trên đường, những con đường đã đi qua không gợn lên bất cứ dấu yêu nào. Nơi thuộc về là nơi tôi đang sống, ở đó có sự thân quen, có tình thân, có gắn kết, có quá khứ, hiện tại và cả những giấc mơ cho tương lai.

Nên nếu có ai hỏi vì sao lại đánh đổi cánh đồng lộng gió lấy một cái "hộp diêm", tôi không ngại ngần trả lời rằng, vì đó chính là nơi tôi thuộc về.

Hẳn nhiên, không ai mạo hiểm sinh mạng mình. Cả cặp vợ chồng trẻ kia cũng không bao giờ nghĩ họ đang đánh đổi quê nhà với cuộc sống thị thành đầy rẫy những rủi ro, thậm chí là cái chết. Chỉ đơn giản, nơi đây là sự chọn lựa của họ cho gia đình nhỏ của mình.

Có lẽ, khi đã chọn lựa cuộc sống ở nơi nào, bản thân mỗi người đều thấy điểm tích cực ở nơi đó để mà đưa ra chọn lựa. Sẽ chẳng ai sống được nếu ngày đêm canh cánh những nỗi lo. Trong khi, sự cố không chỉ do hỏa hoạn mà còn đến từ nhiều thứ khác. Cũng chẳng ai dám chắc chắn rằng cuộc sống nơi quê nhà là bình yên.

Những trận hỏa hoạn cướp đi sinh mạng của nhiều người, mọi người trong chung cư tôi đang sống đã dần nâng cao ý thức để mang lại sự an toàn cho bản thân cũng như tập thể, từ việc chú ý trong gian bếp khi nấu nướng, đến các loại sạc điện hay dùng. Thỉnh thoảng có đợt tập huấn về phòng cháy chữa cháy, bà con tham gia cũng nhiệt tình hơn… Tất cả những điều đó không còn nằm ở kiến thức nữa mà là nguyên tắc sống còn.

Vậy nên, phía sau những sự cố từ cuộc sống thành thị, có nhất thiết phải đặt ra câu hỏi về việc chọn lựa nơi sống, khi mà thời gian đã chẳng còn có thể quay trở lại…

An Na

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI