Sân khấu kịch TPHCM cần người giỏi kinh doanh

25/06/2022 - 08:56

PNO - Ngày 24/6, Ban Lý luận phê bình - Hội Sân khấu TPHCM tổ chức tọa đàm “Sân khấu TPHCM - Nội lực sân khấu kịch nói hiện nay” thu hút sự quan tâm của các tác giả, đạo diễn, diễn viên và những người tâm huyết với sân khấu kịch TPHCM.

 

Lực lượng biểu diễn tươi mới, năng động là nguồn nội lực nổi bật của sân khấu kịch TPHCM.
Lực lượng biểu diễn tươi mới, năng động là nguồn nội lực nổi bật của sân khấu kịch TPHCM

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng nguồn nội lực lớn nhất của sân khấu kịch TPHCM hiện nay vẫn là yếu tố con người. Rõ ràng nhất chính là từ Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc (đợt 2) diễn ra tại TPHCM vào tháng 1/2022 quy tụ 20 đơn vị, chủ yếu là xã hội hóa, với 26 vở diễn và hàng trăm diễn viên. Nguồn nhân lực cho hoạt động sân khấu tại TPHCM luôn rất tiềm năng, nhất là lực lượng biểu diễn rất năng động và tươi mới. Khi có điều kiện, có cơ hội hoàn toàn có thể quy tụ được.

NSND Kim Xuân mong mỏi về một nhà hát đủ chuẩn sẽ là ngôi nhà chung cho sân khấu kịch xã hội hóa TPHCM.
NSND Kim Xuân mong mỏi về một nhà hát đủ chuẩn sẽ là "ngôi nhà chung" cho sân khấu kịch xã hội hóa TPHCM

Tuy nhiên, cái thiếu ở đây lại chính là “điều kiện” để phát huy nguồn nhân lực đó. Có quá nhiều khó khăn “bào mòn” nhiệt huyết người làm nghề. NSND Kim Xuân cho rằng, thời gian qua khán giả đến sân khấu “mua diễn xuất” của diễn viên là chủ yếu, còn lại không có gì hết. Việc thiếu “một mặt bằng đúng chuẩn để làm nghề” hạn chế việc sáng tạo của người nghệ sĩ rất nhiều.

“Tôi vẫn mong ước có được một nơi chốn cho sân khấu kịch TP mà các sân khấu xã hội hóa có đủ điều kiện sáng tạo và đăng ký lịch diễn trong đó” - NSND Kim Xuân chia sẻ.

Đạo diễn Quốc Thảo phát biểu tại tọa đàm.
Đạo diễn Quốc Thảo phát biểu tại tọa đàm

Đạo diễn Quốc Thảo cho rằng lực lượng sáng tạo đang bị bó buộc bởi quá nhiều thứ mà ngại “động chạm” đến những vấn đề gai góc của xã hội. “Chúng ta hãy nhớ lại những giá trị của kịch Lưu Quang Vũ là nhìn thẳng vào sự thật và vạch trần, đấu tranh với những cái tiêu cực, xấu xa trong xã hội. Nghệ thuật là luôn phải đi trước thời đại, chứ lẽo đẽo theo sau như hiện nay thì sân khấu dĩ nhiên mất tính hấp dẫn” - đạo diễn Quốc Thảo nói.

Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng các sân khấu phải xác định rõ hướng đi của mình và tự thân vận động để tồn tại.
Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng các sân khấu phải xác định rõ hướng đi của mình và tự thân vận động để tồn tại

Theo “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu IDECAF, các ông bà bầu - nhà sản xuất phải mạnh dạn lựa chọn hướng đi rồi chọn các thành phần còn lại (kịch bản, đạo diễn, kỹ thuật…) cho phù hợp.

“Anh làm tuyên truyền theo định hướng thì tìm đến sự hỗ trợ của Nhà nước chứ còn làm sân khấu giải trí thì chấp nhận tham gia thị trường một cách sòng phẳng, hay thì có khán giả, không thì thôi, chứ đừng than thở gì hết” - ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết chính IDECAF cũng sẽ đóng cửa nếu không mới, không đáp ứng được thị hiếu của khán giả.

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho rằng người làm sân khấu nên tận dụng các mối quan hệ, kết nối cùng các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho tác phẩm.
Theo nhà thiết kế Sỹ Hoàng, Sân khấu Kịch Sử Việt đang hướng đến khán giả tiềm năng từ lực lượng quân đội, vũ trang

Tương tự, nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho biết anh đang tìm nguồn khán giả cho Sân khấu Kịch Sử Việt của mình từ lực lượng vũ trang và học sinh - sinh viên. Dấn thân làm sân khấu, anh sử dụng tối đa các mối quan hệ của mình để tìm “đầu ra” cho các tác phẩm: “Nếu bán từng chiếc vé lẻ thì chừng nào mới đủ nhưng khi tôi mời các doanh nhân đi xem kịch, họ thấy thích thì mua vé tặng nhân viên đến xem. Người làm sân khấu nên tận dụng các mối quan hệ để kết nối với giới doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị có nguồn lực giúp duy trì đời sống tác phẩm”.

Nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho biết thêm, vở Yêu là thoát tội có được suất diễn thứ 106 nhờ nỗ lực kết nối các mối quan hệ xã hội.

Vở yêu là thoát tội đã có hơn 100 suất diễn.
Vở Yêu là thoát tội đã có hơn 100 suất diễn từ nỗ lực kết nối các mối quan hệ xã hội của các nghệ sĩ

Sắp tới là kế hoạch đưa 4 vở kịch lịch sử Yêu là thoát tội, Thành Thăng Long thuở ấy, Vụ án “cậu trời”, Khóc giữa trời xanh lưu diễn Hà Nội với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng và đã có tài trợ.

“Tôi cũng đang mở rộng quan hệ đến các lãnh sự quán, giới ngoại giao để giới thiệu các vở kịch lịch sử của mình” - nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho hay.

NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng sân khấu hiện nay cần những người làm kinh doanh giỏi.
NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng sân khấu hiện nay cần những người làm kinh doanh giỏi

NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng các sân khấu chính là các doanh nghiệp và sân khấu hiện nay rất cần những nhà kinh doanh giỏi. “Ngày trước, sân khấu cải lương hưng thịnh cũng từ những ông bà bầu làm kinh tế giỏi, điển hình như bà bầu Thơ của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Ngày nay cũng vậy, nhìn lại các sân khấu còn giữ được vị thế là nhờ người quản lý giỏi.

Các sân khấu hiện nay phải tự thân vận động theo xu thế mới với mô hình phù hợp cho mình. Không cần phải quá nhiều sân khấu hay phải thật quy mô mà chỉ cần vài mô hình tiêu biểu làm trụ cột. Và sự hỗ trợ từ Nhà nước có chăng chính là có được Luật sân khấu làm cơ sở cho việc đầu tư, phát triển sân khấu” - NSƯT Ca Lê Hồng nêu vấn đề.

Đông A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI